Lễ hội đầu xuân ở Yên Bái
Ngày xuất bản: 13/02/2018 8:54:00 SA
Lượt đọc: 99005

 Lễ hội truyền thống ở Việt Nam là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Lễ hội là sự kiện tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Tới ngày nay, dù bộn bề công việc nhưng người Việt vẫn thu xếp thời gian để hòa mình vào những lễ hội trên khắp các địa bàn trên cả nước. Thời gian tổ chức lễ hội “xuân thu nhị kỳ” đặc biệt là các lễ hội đầu xuân.

Ở Yên Bái, các lễ hội đầu xuân mỗi lễ hội mang một mầu sắc riêng với những nét đẹp trong văn hóa phong tục.

Mở đầu là lễ hội Chùa Minh Pháp, đền Rối diễn ra vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm để ghi nhớ công lao của các vị anh hùng, thành hoàng đã có công xây dựng đền. Đây cũng là dịp để du khách thập phương đến dâng hương cầu lộc, cầu chữa lành bệnh, cầu bình an…Tiếp nối là lễ hội chùa Ngọc Am diễn ra vào ngày mùng bẩy tháng giêng hay còn là ngày giỗ tổ (tức là giỗ vị sư đầu tiên trụ trì tại đây). Lễ hội đền mẫu Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình diễn ra từ ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng giêng. Lễ hội được chia làm hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước kiệu từ ba hướng, hướng thứ nhất là rước kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát công; hướng thứ hai là rước lễ vật; hướng thứ ba là rước các từ Hồ Thác Bà vào. Tiếng trống hội xuân thúc giục làm cho không khí nhộn nhịp vui tươi, mọi người đến lễ hội ai cũng khấn khởi. Sau phần rước kiệu là lễ tế mẫu, lễ dâng hương kính mẫu…Tất cả mọi nghi lễ rước, tế, dâng hương đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa.

Lễ hội đền mẫu Thác Bà. Ảnh : nguồn Internet

Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội sôi nổi và vui nhộn với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng…Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm mầu sắc dân gian đã tạo nên tình thần đoàn kết, tính cộng đồng giữa nhân dân các dân tộc vùng hồ.

Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên  diễn ra vào ngày Mão tháng giêng hàng năm. Du khách đến đây không chỉ tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc mà còn để tham dự lễ hội Đền Đông Cuông, để được hòa mình những khoảnh khắc thiêng liêng của lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co…  Những hình thức sinh hoạt văn hoá mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng thượng lưu sông Hồng thêm sống động, và gắn kết giao lưu văn hoá của các dân tộc.

Lễ hội đền Đông Cuông . Ảnh : nguồn Internet

Lễ hội Chùa, đền Nam Cường, xã Nam Cường, thành phố Yên Bái diễn ra vào ngày 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, tránh được thiên tai, cầu được sức khỏe dồi dào cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau là dâng hương tỏ lòng biết ơn các thủ chiêu và bậc tiền bối đã có công lập xã. Tiếp đến là lễ thả chim cầu an, lễ mừng thọ cho các vị cao niên trong xã thể hiện đạo lý kính già yêu trẻ truyền thống của người Việt Nam.

Sau khi phần lễ kết thúc tất cả mọi người tham gia lễ hội từ người trẻ tới người sẽ tham gia vào phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: đua thuyền, kéo co, cầu lông, cờ tướng, chọi gà..

Lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên diễn ra vào ngày 15 tháng giêng gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh và thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, để tưởng nhớ đến công ơn những danh nhân một thời đã có công khai sơn, phá thạch, chiêu dân, lập làng mở chợ, xây dựng thành luỹ. Phần hội diễn ra với chương trình văn nghệ vui tươi, tiếp đó là cuộc thi đua thuyền độc mộc trên sông, kéo co, ném còn. Ngoài các môn thể thao này, tùy theo quy mô lễ hội hàng năm mà địa phương còn tổ chức thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, bắn nỏ và một số môn khác.

Lễ hội đền Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ huyện Văn Yên diễn ra vào ngày 20 tháng giêng. Để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ vị tướng tài ba Hà Chương cũng là thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên bình, no ấm, nhân dân nơi đây làm lễ tế trâu đen và dâng hương. Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như: đẩy gậy, chọi gà, đánh cầu chinh… thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia.

Lễ hội đền Nhược Sơn . Ảnh : nguồn Internet

Lễ hội đền Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, diễn ra vào ngày 03 tháng ba hàng năm. Đây là chính hội (Ngày hội Mẹ) để tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh, người đã có công giúp nhân dân khai khẩn ruộng nương, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngoài phần hội, Đền còn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, đánh vật, kéo co, làm bánh dày, hát chầu văn, hát chèo… nhằm tái hiện lại cuộc sống, giá trị văn hoá thủa xưa trong truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Ngoài ra Đền còn có một lễ hội nữa gọi là tiệc cha được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Lễ hội đền Tuần Quán. Ảnh : nguồn Internet

Với những nét đặc trưng, sự thành kính trang nghiêm, hàng năm, vào mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trở về các Chùa, Đền ở Yên Bái để trảy hội, vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Đây cũng là những nét đẹp trong văn hóa của người Việt, giúp mỗi người dân hướng về cái thiện, về với cội nguồn dân tộc trong dịp hành hương đầu xuân.

Bùi Kiểm

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/