Mùa xuân lên Suối Giàng dự lễ cúng cây chè tổ của người Mông
Ngày xuất bản: 11/05/2017 9:40:00 SA
Lượt đọc: 76997

 Nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là một điểm du lịch hấp dẫn trong tour du lịch Yên Bái – Suối Giàng - Mường Lò – Mù Cang Chải. Nằm cách huyện lỵ Văn Chấn 12km về phía Bắc, Suối Giàng ẩn chứa bao điều kỳ diệu với cảnh sắc thiên nhiên mà không nơi nào có được. Đến nơi đây với khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ được ví như một Sa Pa thứ hai. Cư dân sinh sống trên mảnh đất này chủ yếu là dân tộc Mông chiếm 98%, ngoài ra còn một số dân tộc khác như Dao – Tày – Kinh... Đến với Suối Giàng là đến với xứ sở loại chè Tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

 

 Lễ cúng cây chè tổ (Ảnh: sưu tầm)

Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… với diện tích 293 ha. Chè shan Suối Giàng có lá to, dày có màu xanh đậm, búp to hơn những búp của của những loại chè ở nơi khác, trên các mặt lá phủ một lớp lông tơ như tuyết phủ. Bởi vậy, nên người dân mới gọi là chè tuyết. Sống ở độ cao trên một ngàn mét, quanh năm mây mù bao phủ, cây chè Suối Giàng không bị sâu bệnh, nên người dân không dùng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Nước chè Suối Giàng vàng óng như màu mật ong, khi rót nước ra trên mặt chén lan toả một làn hơi nước tựa như sương khói, cầm chén nước lên tay người ta hít thật sâu để tận hưởng cái hương thơm đầy sức quyến rũ của chè, khi uống xong dư vị cứ lưu mãi ở đầu lưỡi, đó là tinh túy của trời đất mà cây chè Suối Giàng đã dâng tặng cho con người. Ở xã Suối Giàng hiện nay số cây với có đường kính từ 20 – 30 cm thì nhiều không kể hết. Giá chè búp tươi ở nơi đây bao giờ cũng cao hơn giá của chè búp tươi ở những nơi khác được trồng ở cùng độ cao như xã Sùng Đô, Suối Bu, Phình Hồ và cao hơn rất nhiều lần trồng dưới vùng thấp. Hiện giá chè búp tươi tại Suối Giàng đang được bán 25.000-30.000đ/kg, giá chè khô, loại thấp nhất cũng không dưới 350.000đ/kg, có loại trên 1 triệu đồng/kg. Cây chè Suối Giàng là một loài cây đặc sản, là một nguồn thu chính của người dân Suối Giàng. Hàng năm mỗi dịp xuân về trên những triền núi hoa đào, hoa mận nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới thì cũng là lúc người dân nơi đây làm lễ cúng cây chè tổ. Lê cúng cây chè để tri ân trời đất, tri ân cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no. Lễ cúng thường diễn ra vào cuối tháng một hoặc đầu tháng hai âm lịch, trước khi vào vụ thu hái chè.

   Cây chè tổ Suối Giàng nằm ở xã Giàng B nằm trong rừng chè cổ thụ có vị trí cao nhất, chu vi gôc bằng một người ôm, tán cây rộng đến hơn 20m2. Vào chính vụ thu hoạch có thể được 20 – 25 kg chè búp tươi từ cây chè tổ. Đã từ lâu, người dân vùng Suối Giàng tổ chức cúng cây chè tổ như một nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh của họ. Người chủ lễ cúng là vị cao niên trong bản, đức độ được người dân trong bản tôn kính. Trước khi làm lễ cúng, người chủ lễ tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun từ những loại lá cây thơm hái trên rừng, và mặc bộ quần áo mới. Lễ vật cúng là một con gà trống đen, giống gà Mông quí hiếm, lông đen, thịt đen, xương đen.

Những người tham gia cúng cây chè tổ là bà con dân bản, trong đó chọn 4- 5 thanh niên trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh giúp chủ lễ kê bàn thờ, mổ gà, vái lạy trời đất. tổ tiên, thần linh...

Chủ lễ năm nay cũng như nhiều năm trước được người dân xã Suối Giàng chọn là ông Giàng A Lử ở thôn Giàng B. Ông Lử cao lớn, đức độ, có uy tín trong dòng họ và dân bản, ông thông hiểu phong tục tập quán của người Mông và biết khấn trời đất bằng tiếng Quan Hỏa. Buổi sáng, khi mặt trời vừa lấp ló trên đỉnh núi thôn Giàng Cao, ánh sáng chói lòa chưa xuyên qua được màn sương mờ đục còn bao phủ khắp núi rừng, những người dân đã tập trung quanh gốc cây chè tổ. Một chiếc bàn thờ làm bằng thân cây trúc vẫn còn tươi, trên dán giấy bản, bốn tờ giấy dó màu đỏ, giữa dán giấy vàng dán ở bốn góc bàn thờ, cùng những tua giấy cắt treo bốn góc, tượng trưng cho trời đất bốn phương, tám hướng, đất đai, thần linh, tổ tiên…

Trước khi làm lễ cắt tiết gà, chủ lễ thắp hương khấn vái trời đất tổ tiên và cây chè, sau đó cầm con gà đen hướng về phía mặt trời rồi khấn rằng: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người dân Suối Giàng có lễ mọn là một con gà trống lông đen, mào đỏ rực, tiếng gáy của nó vang khắp các núi, các khe suối được làm lễ vật để dâng lên trời đất, thần núi, thần rừng, thần bản, tổ tiên...nay cúng cho cây chè tổ. Trời đất hãy chứng giám cho lòng thành của dân bản chúng tôi…

 Nói rồi hai người thanh niên giúp ông Lử cắt tiết gà, tiết của con gà được đặt lên bàn thờ cùng với một túm lông trên cổ của con gà vừa mới cắt tiết được dán lên tờ giấy bản nơi chính giữa bàn thờ. Sau khi luộc chín gà cùng xôi nếp, rượu ngô men lá rừng được bày lên bàn thờ, lễ cúng bắt đầu. Ông Giàng A Lử chắp tay đứng trước bàn thờ, những người tham gia cúng xếp hàng đứng phía sau, mỗi lần ông kêu tên trời đất, thân núi, thần rừng, tổ tiên…những người đứng sau ông quì xuống đất lạy trời đất và cây chè. Lời cúng của ông Lử bằng tiếng Quan Hỏa, đại ý như thế này: Người dân Suối Giàng vô cùng biết ơn trời đất, đã cho chúng tôi cây chè quí, nay chúng tôi có một lễ nhỏ xin được dâng lên trời đất, dâng lên các thần linh, tổ tiên phù hộ cho người dân trong bản ai cũng được mạnh khỏe, phù hộ cho rừng chè tươi tốt, búp to như bàn tay trẻ con, lá to như lá chuối rừng, hái quanh năm không hết, giúp cho người dân no đủ, không còn đói nghèo…

Sau khi làm lễ cúng xong, ông Lử rót rượu ra những chiếc chén, sau đó đổ xuống đất và gốc chè, số còn lại chia cho những người cúng và một số người tham dự uống gọi là lộc trời. Tiếp đó ông cho phép hóa vàng những tua giấy treo bốn góc bàn thờ…

Lễ cúng cây chè tổ hàng năm là một nét đẹp văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Mông Suối Giàng, đó cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

THU HƯƠNG - TTQLDTDL

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/