Nghệ thuật Hát then – Đàn tính của người Tày xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn
Ngày xuất bản: 23/07/2021 8:54:00 SA
Lượt đọc: 19623

Nghệ thuật Hát then – Đàn tính là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người Tày nói chung và người Tày ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn nói riêng.

Then Tày cùng với cây đàn Tính là nghệ thuật trình diễn mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng nhằm thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin những điều tốt lành cho con người. Then là hình thức tâm linh có nguồn gốc bản địa, vì vậy then đã trở nên quen thuộc và gần gũi đối với đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Tày. Với những nét đặc trưng riêng của mình, Then đã đáp ứng được nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng đặc biệt là nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của đông đảo người dân. Then có sức cuốn hút kỳ lạ  bởi sự kết hợp hài hòa giữa tính chất thiêng liêng và văn nghệ của nó. Hát then của người Tày thường được tổ chức trong các dịp như: Lễ tết, tổ chức cầu an, cầu may, chúc thọ...

Để chuẩn bị cho một đám Then không chỉ công phu về mặt lễ vật mà còn rất kỹ lưỡng về mặt lễ nghi và nghệ thuật. Một buổi hát Then có thể diễn ra trong một đêm, cũng có thể tổ chức kéo dài tới vài ngày trong không gian trang trọng và linh thiêng. Ngoài phần nghi lễ, Then cũng có phần diễn xướng mang tính vui chơi, đậm yếu tố sân khấu. Vì hàm chứa nhiều nội dung nên hát Then như một trường ca mang nhiều nội dung và thông điệp khác nhau, được chia thành nhiều chương, nhiều đoạn, rồi mỗi chương, mỗi đoạn lại có cách diễn xướng khác nhau tùy vào tài năng hay cảm hứng của nghệ sỹ trình diễn. Tuy nhiên, nó đều được liên kết thành một bản tổng thể hài hòa, logic, cuốn hút người nghe.

Đàn Tính (tính tẩu) là phương tiện tạo động lực xuyên suốt nghệ thuật diễn xướng. Âm sắc của đàn Tính hơi đục, ấm áp nghe như những lời thủ thỉ tâm tình của người chơi. Đàn tính có mặt trong tất cả các ngày vui, ngày trọng đại của bản người Tày như hội xuân đón năm mới, mừng nhà mới, ngày cưới, lễ mừng thượng thọ… Nó là phần quan trọng trong nghệ thuật dân ca, dân vũ của người Tày. Đàn Tính được cấu thành từ 6 bộ phận: bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa, mặt đàn. Trong đó bầu đàn quyết định đến 70% chất lượng âm thanh của cây đàn. Bầu đàn được làm từ một loại quả bầu tròn, để già trên giàn, sau khi cắt xuống nghệ nhân làm đàn sẽ phải cắt bỏ 1/4 quả phía cuống bầu, rồi lắp vào một miếng ván mỏng khoảng 0,5mm. Cần đàn được làm bằng gỗ quế hoặc gỗ cây dâu rừng, phần đầu đàn dài khoảng 18cm, có hình đuôi cá hoặc hình lưỡi mác gọi là khóa đàn. Trên mặt đàn có miếng gỗ hoặc tre già để chống dây đàn gọi là ngựa đàn. Trước đây, dây đàn được làm bằng sợi tơ tằm se lại, lấy sáp ong hoặc nhựa củ nâu tuốt cho dây được bền, không bị độ ẩm thời tiết làm ảnh hưởng đến âm thanh của cây đàn. Hiện nay, người ta dùng dây nilon hoặc dây cước để thay thế dây tơ tằm, do dễ sử dụng và âm thanh đảm bảo hơn.

Người Tày rất coi trọng việc hoàn thành đàn tính, vì vậy đàn tính lúc nào cũng được treo trang trọng trên vách gần với bàn thờ tổ sư. Đàn Tính chủ yếu được dùng để đệm hát và có thể diễn độc tấu một mình hoặc nhiều người chơi cùng một lúc. Ngoài đàn tính, hát then của người Tày Thượng Bằng La còn có một số nhạc cụ khác như: Chùm xóc nhạc, thanh la, trống, chiêng...Hát then của người Tày được chia thành nhiều loại then như: Then cấp thế (giới nghiêm); Then tết (Then trình lễ đầu xuân); Then chúc tụng; Then cầu may, cầu yên và giải hạn; Then chữa bệnh; Then tang ma; Hội then.

Hát Then đàn tính là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Tày mang tính tổng hợp, bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng gộp lại như: thơ, ca, hát, múa, nhảy, âm nhạc, giao duyên, hội họa. Bên cạnh đó hát then còn phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Tày nói chung và người Tày xã Thượng Bằng La nói riêng. Âm thanh của cây đàn tính, của điệu hát then, như dòng suối chảy mãi từ mùa xuân này tới mùa xuân khác và từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó trường tồn cùng thời gian, trở thành biểu tượng văn hóa, gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh cộng đồng của đồng bào Tày nơi đây./.

Một số hình ảnh của nghệ thuật Hát Then của người Tày của xã Thượng Bằng La và Văn Chấn nói chung :

 

Đỗ Vân

Ảnh : Nguồn internet

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/