Người Dao đỏ Yên Bái có tục ở rể rất riêng
Ngày xuất bản: 09/06/2021 2:28:00 CH
Lượt đọc: 28559

Ở rể là một phong tục rất riêng của người dao đỏ Yên Bái, là điều may mắn, đem lại phúc khí cho gia đình.

Năm nay là năm thứ 5 anh Đặng Văn Thêm ở thôn Sâm Trên, xã Trung Tâm đến ở rể, là thành viên chính thức của gia đình bà Lý Thị Ghến, thôn Khe Giang, xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Anh Thêm cho biết, vì gia đình vợ neo người và không có con trai nên muốn anh đến ở rể đời (không về nhà mình nữa). 

Hiện anh Thêm đã làm cấp sắc lấy theo họ bên vợ: “Tôi ở rể đời, tức là không trở về nhà mình nữa. Năm nay là năm thứ 5 tôi đến ở rể, gia đình nhà ngoại rất tốt. Chúng tôi đã có hai cháu, trong đó một cháu về bên nội và lấy theo họ nội, một cháu lấy theo họ ngoại”.

Cô dâu và chú rể người Dao đỏ

Người Dao đỏ Yên Bái quan niệm ở rể là điều may mắn, là phúc lớn của gia đình khi đón được chàng trai về ở rể là thành viên chính của gia đình. Vì vậy, sau khi đôi bạn trẻ đã tìm hiểu nhau kỹ và thông báo cho 2 bên gia đình, thì nhà gái chuẩn bị tiến hành lễ hỏi. Trước khi tổ chức lễ hỏi chính thức gia đình nhà gái gửi lời đến nhà trai với ngụ ý đến chơi, xin ý kiến gia đình nếu được sự đồng ý của gia đình nhà trai thì phía nhà gái sẽ chuẩn bị đôi gà làm lễ hỏi chính thức. Sau khi phía nhà trai đồng ý, ông mai, bà mối có trách nhiệm thông báo cho gia đình nhà gái. Trong khoảng thời gian vài tháng hoặc có thể một năm, khi nhà gái đã chọn được ngày đẹp, cũng như chuẩn bị xong mọi thứ cần thiết thì báo phía nhà trai thời gian tổ chức lễ cưới.

Người Dao đỏ không có phong tục đi đón rể, mà phía nhà trai tự bố trí số lượng người đưa chàng trai về nhà gái cho hợp lý. Sau khi chàng trai và đoàn người đưa chú rể đến cổng làng, thì phía nhà gái mới cử một đoàn khoảng 10 người đón đoàn chú rể về gia đình. Khi bước vào nhà gái, gia đình cử một chàng trai chưa vợ, cầm tay chú rể bước vào nhà cùng cô dâu tiến về phía bàn thờ để báo cáo tổ tiên cho nhập thành viên mới. Thầy cúng sau khi báo cáo tổ tiên, tay cầm hai chén rượu vắt chéo ngang trước mặt, bước chéo ba bước hình chữ x tiến gần phía cô dâu, chú rể. Cô dâu uống chén rượu phía tay trái, chú rể uống chén rượu phía tay phải. Hai chén rượu sau khi uống hết được thầy cúng đặt trên bàn thờ tổ tiên 3 ngày. Sau khi báo cáo tổ tiên nhập thành viên mới, cô dâu cùng chú rể chính thức trở thành vợ chồng. 

Chén rượu báo cáo tổ tiên

Theo phong tục của đồng bào Dao đỏ, ở rể thường diễn ra khi gia đình nhà vợ neo người, hoặc nhà gái thách cưới mà nhà trai không đáp ứng được các lễ vật thì thường đi ở rể. Chàng rể cũng được gia đình bên vợ tôn trọng như chính con đẻ, chứ không có sự phân biệt. Có 3 hình thức ở rể: Thứ nhất, tùy theo giao ước của đôi bên gia đình và được sự đồng ý của chàng trai thì ở rể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn (gọi là tzấu làng duốn); Thứ 2, ở rể sau khi hai vợ chồng có con thì hai gia đình nội ngoại mỗi bên gia đình một cháu (gọi là tzấu làng y mành guyang); Thứ 3 là ở rể đời tức là chàng trai sẽ ở rể trọn đời và làm lễ cấp sắc lấy theo họ bên vợ (gọi là tzấu làng táng). 

Theo bà Triệu Thị Phin, thôn 1 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên người am hiểu về văn hóa Dao: "Ở rể 3 năm, 5 năm nghĩa là chàng trai sau khi trả đủ lễ vật thách cưới cho bên vợ thì cả vợ con sẽ trở về bên nội; ở rể đời thì chàng trai sẽ không trở về, coi như thành người trụ cột trong gia đình nhà vợ, nhập khẩu tổ tiên là thành viên chính của gia đình; còn tục ở rể chia con theo hai họ và mang hai họ thì tùy vào sự lựa chọn của chàng trai sau khoảng thời gian thỏa thuận có thể trở về hoặc không trở về nhà nội, hình thức ở rể này không bắt buộc mà tùy sự chọn lựa của chàng trai”.

Ngày nay tục ở rể của người Dao đỏ Yên Bái tuy không còn phổ biến, nhưng vẫn được bà con gìn giữ để giáo dục con cái phải biết tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, không phân biệt bên chồng hay bên vợ.

Nguồn : VOV Tây Bắc

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/