Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn – Nét mới trong bảo tồn vá phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 11/05/2017 9:48:00 SA
Lượt đọc: 67511

 Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn là một trong những chương trình mang quy mô lớn và mới nhất thuộc khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 – Lào Cai – Tây Bắc của tỉnh Yên Bái. Sự kiện này đánh dấu một bước đổi mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như vùng Tây Bắc nói chung. Festival sẽ được diễn ra từ ngày 20 đến ngày 21/5/2017 tại huyện Văn Yên nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn.

ảnh sưu tầm

Mẫu Thượng Ngàn là hàng Mẫu đệ nhị thuộc Tam phủ, Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống của người Việt. Cho đến nay, do sự bồi đắp và quan niệm văn hóa của từng vùng mà có rất nhiều truyền thuyết về Mẫu nhưng có một truyền thuyết được các nhà nghiên cứu nhắc đến nhiều nhất thì Mẫu vốn có tên là La Bình - con gái của chúa Sơn Tinh (tức Đức Thánh Tản Viên Sơn) và công chúa Mỵ Nương. Khi Đức Thánh Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế về trời, trở thành hai vị thánh bất tử, thì Ngài cũng phong La Bình là Công chúa Thượng Ngàn., thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam ta. Mẫu đã âm phù các triều đại phong kiến trong kháng chiến vệ quốc, lịch sử nước Việt các thời đã từng ghi lại các chiến công âm phù lừng lẫy của Mẫu, như: âm phù tướng sĩ của nhà Lý đánh quân Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh quân Nguyên - Mông, che chở nghĩa quân Lam Sơn lúc khó khăn… Các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong tạ ơn Mẫu.

Tín ngường thờ Mẫu và đền thời Mẫu Thượng Ngàn có ở mọi vùng đất, nơi nào có rừng núi thì đều có đền thờ phụng. Nhưng nổi tiếng bậc nhất vẫn là các di tích dọc sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái là nơi Mẫu giáng trần, như: Đền Đông Cuông, Đền Bách Lẫm (Đền Đông Cuông vọng), Đền Tuần Quán. Tiếp đến có Đền Công Đồng Bắc Lệ và Đền Thất Khê (Lạng Sơn) tương truyền là nơi vua Lê Thái Tổ lập để ghi nhớ công ơn Mẫu đã giúp vua đánh giặc ngoại xâm. Ngoài ra còn có Đến Suối Mỡ (Bắc Giang), Đền Tam Cờ (Tuyên Quang), Đền Thượng (Lào Cai) là những nơi có dấu tính của Mẫu khi xưa tới hành đạo.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và tín ngường thờ Mẫu Thượng Ngàn nói riêng, hệ thống nghi lễ và lễ hội rất phong phú và đa dạng, mang nhiều sắc thái độc đáo có thể dễ dàng phân biệt với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, tập trung và điển hình nhất vẫn là nghi lễ hầu đồng (hầu bóng) và hệ thống lễ hội. Hầu đồng là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh, Mẫu Tứ Phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng nhằm tái hiện, phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu.

Được diễn ra trong hai ngày, từ ngày 20 đến ngày 21/5/2017, Festival sẽ tái hiện lại tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn tại di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Đền Đông Cuông; đồng thời cũng là nơi quy tụ những Bản hội, thanh đồng, cung văn và các nghệ nhân hát chầu văn từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, diễn xướng hầu đồng, trình diễn trang phục truyền thống trong nghi lễ thờ Mẫu Thượng Ngàn nhằm tạo dựng cách tiếp nhận mới cho du khách và nhân dân địa phương đối với một di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Song song với những hoạt động trong Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn là Hội chợ giới thiệu các sản phẩm Quế của huyện Văn Yên do doanh nghiệp, nghệ nhân tham gia bán, giới thiệu và tái hiện quy trình chế biến sản phẩm. Những hoạt động trên sẽ hứa hẹn mang tới những trải nghiệm thú vị về một Yên Bái rất truyền thống mà cũng rất mới lạ cho du khách và người dân nơi đây./.

                                                                                 Hồng Anh

TTQLDT&PTDLYB

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/