Những nguyên tắc cơ bản khi đi lễ chùa
Ngày xuất bản: 21/02/2018 8:46:00 SA
Lượt đọc: 89835

 Không phải ai đến chùa đều biết lễ Phật

Từ xưa, đến chùa - đi lễ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt đồng thời cũng là “thang thuốc” bồi đắp, hun đúc, làm trong sáng hơn đời sống tinh thần cho mỗi người. Tuy nhiên, không phải người nào đến chùa, hành lễ cũng đã biết và hiểu những nguyên tắc cơ bản khi lễ Phật.

Người Việt có câu: “Phật tại tâm”, nhưng “Phật tại tâm” thôi thì chưa đủ, Phật thành kính mới là quan trọng. Do vậy, để thể hiện thành tâm đồng thời phát huy những giá trị cao đẹp của đạo Phật, người đi lễ cần biết và tuân theo một số nguyên tắc cơ bản sau:

 

Dâng hương bên ngoài nhà Bái Đường. Ảnh: Minh Huy.

Chuẩn bị trang phục

Đến cửa chùa nên mặc trang phục nhã nhặn, gọn gàng, sạch sẽ, kín đáo. Tuyệt đối không mang đồ hở hang (váy ngắn, áo cộc, quần cộc,…), bởi theo tư tưởng Phật giáo, ăn mặc gợi cảm vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, cho nên có mất công thờ cúng cũng chẳng ích gì.

Hiện nay, nhiều ngôi chùa có quy định bỏ giày, dép bên ngoài trước khi vào hành lễ do vậy hãy chọn những đôi giày, dép tiện dụng, dễ đi, dễ tháo.

 

Trang phục gọn gàng khi đi lễ

Sắm soạn lễ vật

Lễ vật dâng cúng Đức Phật là những đồ chay, tịnh: hương, hoa, trà, quả, oản, xôi, chè, nước lọc,… Không đặt lễ mặn, rượu, bia, thuốc lá,… trên ban Tam bảo - khu vực Phật điện, mà chỉ có thể dâng tại ban Đức Ông hay khu vực thờ Thánh (Đức Thánh Trần), Mẫu nếu như trong khuôn viên chùa có thờ các nhân vật này.

Hoa tươi lễ Phật ưu tiên cho các loại: hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn,… không dùng hoa dại, hoa tạp.

Tuyệt đối không dâng các loại vàng mã, tiền âm phủ. Lễ này chỉ nên đặt ở ban Đức Ông, ban Thánh, Mẫu hay ban thần linh. Các loại tiền thật cũng không đặt trên ban Phật, hãy để vào hòm công đức hoặc liên hệ với nhà chùa tiếp nhận.

Quy tắc ra – vào chùa

Tam quan chính là cổng ra - vào chùa. Người đến chùa nên đi vào cửa bên phải (cửa Giả quan) và đi ra qua cửa bên trái (cửa Không quan), cánh cửa ở giữa (cửa Trung quan) là lối đi chỉ dành cho Thiên tử, các bậc cao tăng, chính nhân, khoa bảng ra - vào chùa.

Hành lễ và cầu nguyện

Để tỏ lòng thành kính Đức Phật, khi dâng hương, hành lễ không nên đứng thẳng, đứng trực diện với ban thờ mà nên cúi mình và đứng chếch sang một bên.

Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ bình an, che chở, cứu khổ cứu nạn cho nhân gian chứ không thể ban phát công danh, tài lộc. Các thiết chế tâm linh tín ngưỡng khác như: đền, đình, điện, phủ… mới là nơi cầu xin ban phát tài lộc, may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…

Cách thức khấn đơn giản, được thực hiện tuần tự: Từ xưng tên, tuổi, nơi ở; sau đó là “Tạ ơn – Sám hối – Cầu tự - Hứa hẹn – Xin ban”.

 

Ban Tam Bảo chùa Trúc Lâm Thiên Phú (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn). Ảnh: Hồng Anh.

Các bước hành lễ Phật tại chùa

- Trình lễ, thắp hương và hành lễ tại ban thờ Đức Ông xin phép lễ Phật.

- Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong sẽ hành lễ tại Tam Bảo (Chính điện).

- Tiếp theo, đi lễ ở tất cả các ban thờ khác trong nhà Bái Đường. Nếu chùa phối thờ Tam Phủ, Tứ Phủ thì có thể đến dâng hương, đặt lễ, cầu theo ý nguyện.

- Cuối cùng là hành lễ tại nhà Tổ - nơi thờ các vị Tổ sư có công tạo dựng hoặc từng trụ trì ở chùa, nay đã viên tịch.

- Cuối buổi lễ nên đến thăm hỏi các vị sư, tăng trong chùa và có thể tùy tâm công đức.

Một số điều nên tránh:

- Hạn chế thắp hương vì nhà chùa đã lên hương ở tất cả các ban; tuyệt đối không sử dụng hoặc lấy đồ vật trong chùa khi chưa có sự cho phép của nhà chùa.

- Không nên làm ồn hay hành động bất kính với bề trên; hạn chế chạy nhảy, nói chuyện, bình phẩm nơi Phật đường.

- Không nên đi ngang qua mặt những người đang quỳ lạy, hành lễ.

- Không nên mang lộc (tiền lộc, cành lộc, lễ vật …) để ban thờ tại nhà bởi đồ đã cúng chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.

Hồng Anh

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/