Chia sẻ
Đền Tuần Quán và lễ hội Giỗ Mẫu đền Tuần
Ngày xuất bản: 20/04/2018 8:39:00 SA
Lượt đọc: 5966

Đền Tuần Quán (hay đền Tuần) tọa lạc bên bờ tả sông Thao (sông Hồng) trước đây thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hoá, nay là phố Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Từ lâu, nơi đây được biết đến là địa điểm sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng truyền thống của người dân Yên Bái, đồng thời là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trên cung đường hành hương cầu tài - cầu lộc của “con nhang đệ tử” và du khách thập phương. Đây còn là nơi ghi dấu biết bao sự kiện, dấu mốc trong quá trình bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê hương của quân và dân ta qua các thời kỳ lịch sử.

Theo cuốn Đại Nam nhất thống chí và Hưng Hoá phong thổ lục, đền Tuần Quán khởi đầu là một miếu nhỏ có từ thời Trần, thờ Thần Diệp phu nhân ở tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa - người đã có công “Hộ quốc tý dân” nên được nhân dân suy tôn là Thánh Ân và gọi đền thờ bà là đền Vệ Quốc. Đến triều Lê (đầu thế kỷ thứ XV), Mẫu Liễu Hạnh hạ trần tại đền giúp cho quan, quân và nhân dân Bách Lẫm trong việc xây dựng quê hương và bảo vệ đất nước. Vì vậy, đền được vua Lê Hiển Tông ban sắc phong “Đức chúa Quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung”. Kể từ đó, đền phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và chính thức được đổi tên thành “Đền Quốc Mẫu Thánh Ân Bách Lẫm”. Tuy nhiên, do đền nằm ở vị trí gần với Quán Tuần - nơi tuần hành thu thuế của quan lại, nên nhân dân quanh vùng thường gọi là đền Tuần Quán. Ngoài Thần Diệp phu nhân và Mẫu Liễu Hạnh, đền còn thờ Đức Thánh Trần (tức Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn), người giữ vai trò chỉ huy quân đội Đại Việt ba lần đánh quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi giang sơn.

Vào thời kỳ phong kiến, đền Tuần Quán là một trong những thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng trên địa bàn nhận được nhiều sắc phong nhất. Hiện tại đền còn giữ được 10 sắc phong, trong đó có 01 sắc phong triều Lê và 09 sắc phong triều Nguyễn.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền Tuần Quán không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà đã trở thành chứng tích lịch sử, nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng của đất nước cùng quá trình phát triển của vùng đất Bách Lẫm nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung từ xưa đến nay.

Sự kiện lịch sử chiều 09/2/1930, khi các chí sĩ yêu nước của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng trong vai người hành hương mang theo súng đạn, dao và bom tự tạo hoà với dòng người trảy hội đền Tuần Quán vào đền bái lễ để bàn kế hoạch khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp. Đúng 22h ngày hôm đó, khởi nghĩa Yên Bái nổ ra. Đền cũng được chọn là địa điểm để cách mạng ta thông tin cho nhân dân Yên Bái biết nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã thành lập (ngày 02/9/1945), đồng thời trở thành nơi diễn ra “Tuần lễ vàng” của Chính phủ cách mạng lâm thời. Tháng 7/1946, đền là điểm hội quân của nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn Chiến khu I trước khi tấn công bọn phản động Việt Quốc, giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Từ năm 1947-1954, đền là khu vực nằm trong tuyến phòng thủ quân sự quan trọng bảo vệ thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái).

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, do tọa lạc ở vị trí sát cầu Tuần Quán nên thường xuyên bị không quân Mỹ ném bom phá hoại, đền hư hại nghiêm trọng, cộng thêm tác động của thiên nhiên đền bị hủy hại hoàn toàn.

Năm 1993, bộ phận nhân dân địa phương cùng một số người có thiện tâm kêu gọi khôi phục đền. Năm 1998, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của nhân dân, UBND tỉnh cho phép trùng tu, tôn tạo lại đền trên nền đất cũ, với tổng diện tích 1.660m2. Năm 2005, đền được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.  Năm 2012, đền tiếp tục mở rộng quy hoạch và kè sân – chống sạt lở. Năm 2017, được sự cho phép của các cấp, ngành liên quan, đền xây dựng lại động sơn trang.

Hiện nay, ngoài thờ các nhân vật nói trên, đền còn lập thêm các ban thờ những vị thần thánh linh thiêng khác như: Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ tam Thuỷ Phủ, Bà lớn Tuần, Quan lớn Tuần, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười…

Thường niên, đúng dịp ngày 03/3 (Âm lịch) tại đền Tuần Quán có tổ chức chính hội (Ngày hội Mẹ) để tế lễ tưởng nhớ và tạ ơn công lao của Mẫu Liễu Hạnh, người đã có công giúp nhân dân khai khẩn ruộng nương, chăm sóc mùa màng, xây dựng và bảo vệ quê hương, tổ quốc. Phần lễ được thực hiện theo nghi lễ truyền thống, gồm: tế lễ, tấu sớ, lễ dâng hương; lễ theo nghi thức nhà nước, gồm: ôn lại lịch sử truyền thống đền Tuần Quán, khai mạc hội và văn nghệ chào mừng. Sau phần lễ là phần hội, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như: cờ tướng, kéo co, đấu vật, nấu cơm niêu, hát chèo, hát chầu văn, bắt vịt, mâm lễ dâng Mẫu… nhằm tái hiện lại cuộc sống và những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

 Năm nay, lễ hội Giỗ Mẫu đền Tuần Quán được diễn ra vào ngày 18/4/2018 (tức ngày 03/3 năm Mậu Tuất) thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương, ngoài phần nghi lễ truyền thống là phần hội rộn rã, gồm: hát Chầu Văn (hầu đồng/hầu bóng tế Mẫu), tham gia các trò chơi như bịt mắt – bắt vịt, kéo co, bóng chuyền hơi. Đặc biệt là phần thi mâm cỗ dâng Mẫu của 11 đội thi đại diện cho 11 khu dân cư trên địa bàn phường Yên Ninh. Ngoài lễ mùa xuân Giỗ Mẫu – Hội Mẹ, hàng năm tại Đền còn diễn ra một số nghi lễ truyền thống khác, như: lễ Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng); lễ mùa hạ tiệc Quan lớn Tuần Tranh (rằm tháng 5) và lễ mùa thu tiệc Cha – tiệc Đức Thánh Trần (ngày 20 tháng 8 âm lịch).

Nhằm góp phần cho lễ hội diễn ra thực sự vui tươi, trang nghiêm, năm nay Ban tổ chức lễ hội đã phân khu các hoạt động và triển khai lực lượng an ninh trật tự để du khách tìm hiểu, tham quan và hành lễ đúng phong tục và quy định tại di tích.

Lễ hội Tuần Quán là một hoạt động sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời, góp phần khẳng định, tôn vinh văn hóa dân tộc và tỏ lòng thành kính đối với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đây cũng là dịp giúp giáo dục truyền thống văn hóa, nền văn hiến, cũng như lòng yêu nước và tinh thần cách mạng kiên cường cho cán bộ và nhân dân. Đồng thời, đóng vai trò và ý nghĩa không nhỏ đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; quảng bá, thu hút du khách thập phương từ đó nâng cao đời sống của nhân dân và kinh tế của địa phương.

                                                                                    Hồng Anh- Bùi Kiểm

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/