1. Tài nguyên đất

Theo tiêu chuẩn phân loại của FAO-UNESCO, đất đai Yên Bái được chia thành 7 nhóm với 16 đơn vị đất và 35 đơn vị đất phụ.

- Nhóm đất phù sa: Ký hiệu (P) (Fluvisols) (FL)

 

Nhóm đất này có diện tích khoảng 9.668 ha, chiếm 1,40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng phần lớn tập trung ở lưu vực các con sông, suối lớn trong tỉnh như sông Hồng, sông Chảy, ngòi Thia... Khu vực có diện tích tập trung nhiều nhất là bồn địa Văn Chấn và trở thành cánh đồng phù sa trồng lúa lớn nhất tỉnh; các cánh đồng phù sa của huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình.

Nhóm đất này được hình thành do quá trình bồi lắng phù sa của các con sông suối trong tỉnh, tuỳ theo thành phần mẫu chất mà các khu vực có những đặc tính lý, hoá học khác nhau.Nhóm đất này có đặc tính xếp lớp, hàm lượng chất hữu cơ giảm theo chiều sâu của đất, ngoài tầng A bị xáo trộn có màu sáng hoặc tơi mềm hoặc tối màu hoặc có tầng H tích luỹ chất hữu cơ thích hợp trồng lúa, cây màu các loại.

- Nhóm đất glây (GL) (Gleysols) (GL)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 4.455 ha chiếm 0,65% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố rải rác ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Lục Yên, Yên Bình, TrấnYên, trên các địa hình thấp trũng hoặc thung lũng giữa các dãy núi, khả năng thoát nước kém.

Đất Glây hình thành từ các vật liệu không gắn kết, từ các vật liệu có thành phần cơ giới thô và trầm tích phù sa có các đặc tính Fluvie, thường hình thành ở địa hình đọng nước và những nơi có mực nước ngầm nông; đất có màu nâu đen, xám đen, lầy thụt, bão hoà nước có tính chương co lớn, khi khô trở thành cứng rắn. Trong đất có quá trình khử chiếm ưu thế. Nhóm đất này thích hợp chủ yếu cho trồng lúa nước và đào ao, hồ, đầm phát triển nuôi trồng thủy sản.

- Nhóm đất đen (R) Luvisols (LV)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 951 ha chiếm 0,14% diện tích tự nhiên của tỉnh; phân bố tập trung ở huyện Lục Yên, trên các địa hình thung lũng và chân núi đá vôi; diện tích thường hẹp và xen kẽ giữa các loại đất khác.

Nhóm đất này được hình thành trên địa hình thung lũng hoặc chân đồi núi đá vôi, nên chủ yếu là đất đen trên đá vôi, có thành phần cơ giới nặng, có tầng B Angic tính sét với khả năng trao đổi cation lớn, thường là hơn 24 me/100g đất; độ no bazơ trên 50% trong suốt tầng B cho đến 125 cm; thích hợp với việc trồng lúa ở những nơi địa hình trũng và trồng rau màu các loại, cây ăn quả ở nơi địa hình cao.

- Nhóm đất xám (X) Acrisols (AC)

Nhóm này có diện tích khoảng 599.370 ha chiếm 87,02% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nhóm có diện tích lớn nhất tỉnh; phân bố ở phần lớn diện tích đồi núi của tỉnh, ở độ cao dưới 1.800 m ở tất cả các huyện trong tỉnh, song tập trung nhiều nhất ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải.

Đây là nhóm đất được hình thành tại chỗ ở địa hình đồi núi, chủ yếu có độ dốc lớn. Đất có tầng B tính sét với khả năng trao đổi cation dưới 24 me/100g đất, độ no bazơ nhỏ hơn 50%. Tối thiểu ở một phần của tầng B ở lớp đất từ 0 - 125 cm, không có tầng E nằm đột ngột ngay ở trên một tầng có tính thấm chậm. Theo phân loại của nhóm đất này gồm các loại đất bạc màu, đỏ vàng trên đá Macma axit, phiến sét, phù sa cổ, đá cát... Đất có phản ứng chua, độ no bazơ thấp, hoạt tính thấp; thích hợp trồng cây nông nghiệp, công nghiệp ở vùng thấp và trồng rừng, bảo vệ rừng ở địa hình vùng cao.

- Nhóm đất đỏ (F) Ferralsols (FR)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 12.758 ha chiếm 1,85% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố rải rác ở một số huyện vùng cao nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Chấn; trên các khu vực địa hình núi phát triển trên đá vôi, đá macma bazơ hoặc trung tính.

Nhóm đất này là loại đất hình thành tại chỗ do sự phong hoá của các loại đá macma bazơ hoặc trung tính và đá vôi; có độ dốc lớn hơn 150, có tầng dày trên 30 cm, có khả năng trao đổi cation (CEC) nhỏ hơn hoặc bằng 16 me/100 gam đất, có dưới 10% khoáng có thể phong hoá trong cấp hạt 50 - 200mm, có dưới 5% đá chưa phong hoá, có dưới 10% sét phân tán trong nước. Nhìn chung đây là nhóm đất có khả năng phản ứng chua, khả năng hấp thụ không cao, khoáng sét chủ yếu là kaolinit, có quá trình tích luỹ Fe và Al cao, hạt kết von tương đối bền; có khả năng thích hợp cho sản xuất nông - lâm nghiệp.

- Nhóm đất mùn Alit núi cao (A) - Alisols (AL)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 59.115 ha chiếm 8,58% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố rải rác ở các huyện, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, trên địa hình núi cao có độ cao tuyệt đối trên 1.800 m.

Nhóm đất này được hình thành tại chỗ ở độ cao trên 1.800 m, nhiệt độ thấp, quá trình tích luỹ mùn chiếm ưu thế, quá trình khoáng hoá yếu, đất có phản ứng chua (pHKCL từ 4 - 5), độ no bazơ thấp (dưới 30%), hàm lượng mùn ở tầng mặt giàu (trên 5%), các tầng dưới giảm đột ngột; đất phần lớn có tầng mỏng dưới 100 cm. Nhóm đất này chủ yếu thích nghi và có khả năng khai thác cho trồng cây dược liệu, trồng, bảo vệ và khoanh nuôi rừng phòng hộ.

- Nhóm đất tầng mỏng (E) - Leptosols (LP)

Nhóm đất này có diện tích khoảng 2.450 ha chiếm 0,36% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; phân bố tập trung ở huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn trên vùng đất đồi, có độ dốc trên 200m, đất có tầng mỏng dưới 30cm, có nơi có nhiều đá lộ đầu.

Nhóm đất này được hình thành trên địa hình đồi cao, phát triển trên các loại đá macma axit hoặc đá biến chất, đá vôi, tầng đất mỏng lẫn nhiều đá vụn phong hoá dở dang, chủ yếu là do quá trình rửa trôi, xói mòn nên càng ngày tầng đất càng mỏng, có nơi trơ đá gốc. Đất có tầng mỏng dưới 30 cm; thường có phản ứng chua (pHKCL< 4,5), độ no bazơ thấp, hàm lượng dinh dưỡng thấp nên sử dụng hạn chế nhất là đối với sản xuất nông lâm nghiệp.

 

2. Tài nguyên nước

Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500mm đến 2.200mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600mm.

- Tài nguyên nước mặt:

Yên Bái có 2 hệ thống sông chính là sông Thao và sông Chảy. Đây là nguồn cung cấp nước mặt lớn cho tỉnh với khối lượng nước hàng chục tỷ m3/năm, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoảng 24.700 ha ao hồ, đập chứa nước, chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên. Các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái), Minh Quân (huyện Trấn Yên), hàng năm cung cấp với khối lượng tới hàng trăm triệu m3/năm. Trong đó, lớn nhất là hồ Thác Bà với diện tích mặt hồ 23.400 ha chiều dài 80 km chỗ rộng nhất 15 km, độ sâu lòng hồ biến động từ 15 đến 34 m, tổng lượng nước trong hồ lên tới 2,9 tỷ m3.

Ngoài ra, nguồn nước mặt của tỉnh còn được cung cấp từ lượng nước mưa hàng năm. Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, hàng năm có lượng mưa bình quân nhiều năm biến đổi từ 1.500 mm đến 2.200 mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000 mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ là vùng nằm khuất gió như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng mưa hàng năm trung bình dưới 1.600 mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600 mm. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố theo mùa, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (chiếm từ 80 - 85% tổng lượng mưa cả năm); đặc biệt 3 tháng có cường độ mưa cũng như lượng mưa lớn nhất là các tháng 6, 7, 8, chiếm từ 45 - 55% lượng mưa cả năm. Những tháng mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm. Các tháng 12 tháng 1 và tháng 2 là những tháng khô hạn nhất, thường xảy ra tình trạng thiếu nước vào các tháng này.

Nhìn chung, tỉnh Yên Bái có đủ lượng nước mặt để cung cấp cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Nhưng do đặc điểm của địa hình, chế độ thời tiết và hậu quả của nạn phá rừng từ nhiều năm trước đã làm thay đổi lượng nước mặt giữa hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô mực nước ở các sông suối đều ở mức thấp nhất. Các công trình thuỷ lợi thiếu nước hoạt động, thuỷ điện Thác Bà hoạt động ở tình trạng bất lợi, vùng phía Tây thời tiết khô, dòng chảy của nhiều khe suối bị cạn kiệt gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào. Trong mùa mưa lưu lượng và mực nước các sông tăng nhanh, lũ quét xảy ra thường xuyên ở các suối lớn gây thiệt hại mùa màng, nhà cửa, tính mạng của người dân.

Về chất lượng nước mặt: Nước các con sông, suối lớn và ao hồ của tỉnh Yên Bái nhìn chung là tốt, ít bị ô nhiễm; đáp ứng yêu cầu cho sản xuất nông lâm nghiệp và đời sống người dân.

- Nước ngầm, nước khoáng:

Yên Bái có nguồn nước ngầm đáng kể. Theo các tài liệu địa chất - thuỷ văn, nguồn nước ngầm và nước khoáng phân bố ở độ sâu 20 - 200 m dưới lòng đất. Nước khoáng nóng phân bố chủ yếu ở vùng phía Tây thuộc các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ, nhiệt độ trên 400C, hàm lượng khoáng hoá 1- 5 g/l, có khả năng chữa bệnh khi được xử lý độc tố. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm phân bố không đồng đều trong các thành tạo địa chất khác nhau, mực nước ngầm thay đổi có nơi chỉ vài mét là có nước ngầm, có nơi thì mấy chục mét mới có. Hàng năm có thể khai thác cấp nước sinh hoạt cho nhân dân hàng chục nghìn m3, chủ yếu là hệ thống giếng khơi và giếng khoan.

Nhìn chung, tài nguyên nước của Yên Bái rất dồi dào, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm. Vì thế, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, nếu được khai thác sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, đời sống và nhiều lĩnh vực khác.

 

3. Tài nguyên rừng và Thảm thực vật, động vật hoang dã

Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, giữa hai vùng sinh thái Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, với nhiệt độ trung bình từ 22-230C, lớp vỏ phong hóa dày đã tạo ra thảm thực vật phong phú về chủng loại và giàu về trữ lượng. Do điều kiện địa hình và khí hậu có sự chênh lệch giữa các vùng nên thực vật Yên Bái được chia ra các vành đai thực vật khác nhau.

* Diện tích cách loại rừng:

Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của tỉnh. Với hệ thống thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại, nhiều họ khác nnhau, có đủ các lâm sản quý hiếm; các cây dược liệu quý, các cây lâm sản khác như tre, nứa, vầu. Theo số liệu thống kê đất đai đến năm 2015, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh có 466.858,69 ha, chiếm 68,78% diện tích tự nhiên, trong đó:

- Đất rừng sản xuất có 291.732,03 ha, chiếm 42,36% diện tích tự nhiên;tập trung ở vùng sản xuất nguyên liệu giấy (gồm các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, vùng thấp Văn Yên, vùng ngoài Văn Chấn) và vùng trồng cây đặc sản quế (gồm các huyện Văn Yên, Trấn Yên và phân bố rải rác ở các huyện khác: Văn Chấn, thị xã Yên Bái, Yên Bình, Lục Yên).

- Đất rừng phòng hộ có 138.949,34 ha, chiếm 20,17% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: khu vực rừng phòng hộ sông Đà (gồm các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và một phần Văn Chấn), khu vực rừng phòng hộ sông Hồng (gồm các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái) và khu vực rừng phòng hộ sông Chảy (gồm các huyện Yên Bình, Lục Yên).

- Đất rừng đặc dụng có 36.147,32 ha, chiếm 5,25% diện tích tự nhiên phân bố tại huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Yên.

* Về trữ lượng rừng:

Tổng trữ lượng của các loại rừng tỉnh Yên Bái có 14.080,719 m3 gỗ và 114.638.800 cây tre, nứa, vầu các loại. Theo kết quả kiểm kê rừng tự nhiên của Yên Bái chủ yếu còn ở hai cấp trữ lượng III và IV; cấp trữ lượng III: 151-225 m3/ha, chiếm 18,2%; cấp trữ lượng IV: 76- 150 m3/ha, chiếm 34,2%. Cá biệt có nơi rừng còn đạt 250 m3/ha, nhưng không đáng kể vê diện tích. Trữ lượng rừng của Yên Bái tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Yên Bình và Lục Yên.

* Thảm thực vật, động vật hoang dã

Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, giữa hai vùng sinh thái Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, với nhiệt độ trung bình từ 220C - 230C, lớp vỏ phong hoá dày đã tạo ra thảm thực vật phong phú về chủng loại và giàu về trữ lượng. Do điều kiện địa hình và khí hậu có sự chênh lệch giữa các vùng nên tỉnh có nhiều loại rừng khác nhau như: rừng nhiệt đới, á nhiệt đới, và núi cao. Với diện tích đất có rừng khá lớn, rừng Yên Bái được tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Quỹ bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF) đánh giá có độ đa dạng sinh học phong phú, đa dạng về chủng loại bao gồm rừng nguyên sinh, rừng thường xanh, rừng rụng lá mùa thu, rừng hỗn giao. Mặt khác rừng Yên Bái có hệ thống thực vật đa dạng. Hệ thực vật ở Yên Bái có khoảng 1.035 loài thực vật bậc cao thuộc 161 họ, 561 chi trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Lan Kim Tuyến, Củ rắn cắn, Pơmu, Lim, Sến, Táu, Vù Hương…Trong khu vực rừng á nhiệt đới của tỉnh có nhiều loại cây lá kim (như: pơmu, thông nàng, thông tre lá lớn, sa mộc, sam mộc) xen lẫn cây lá rộng thuộc họ sồi dẻ, đỗ quyên. Ở độ cao trên 2000 m, rừng hỗn giao giảm dần, pơmu mọc thành rừng kín cao tới 40-50 m, đường kính thân có cây tới 1,5 m. Cao hơn nữa là những cánh rừng thông xen kẽ các tầng cây bụi nhỏ rồi đến trúc lùn, cậy họ cói, cây họ hoa hồng, cây họ thạch nam, cây họ cúc, cây họ hoàng liên xen kẽ. Lùi dần về phía đông nam, độ cao hạ dần, khí hậu ấm áp hơn làm cho lớp phủ thực vật rừng có điều kiện phát triển. Bên cạnh các loại gỗ quý (nghiến, trúc, lát hoa, chò chỉ, pơmu, cây thuốc quý (đẳng sâm, sơn tra, hà thủ ô, hoài sơn, sa nhân), động vật hiếm (hổ, báo, cầy hương, lợn rừng, chó sói, sơn dương, gấu, hươu, vượn, khỉ, trăn, tê tê, đàng đẵng, ếch dát, gà lôi, nộc cốc, phượng hoàng đất) cùng nhiều khu rừng cho lâm, đặc sản (cọ, măng, song, móc, nấm hương, mộc nhĩ, trẩu, quế, chè).

Về động vật rừng có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát… trong đó nhiều loài có giá trị như Sơn Dương, Gấu, Khỉ đặc biệt là loài Vượn đen tuyền, Niệc cổ hung, Gà lôi tía, Vọoc xám được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Các loài này tập trung chủ yếu ở các khu rừng tự nhiên tại các huyện còn nhiều tài nguyên rừng như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên đặc biệt là Khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải và Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

Nhìn chung tài nguyên rừng của tỉnh ngoài việc bảo tồn nguồn gen động thực vật còn điều hòa nguồn nước, khí hậu. Chính vì vậy việc khôi phục vốn rừng đã mất, trồng thêm, tái tạo quỹ rừng là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm đặc biệt trong các chương trình bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh.

 

4. Tài nguyên khoáng sản

Tỉnh Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú và đa dạng. Theo báo cáo quy hoạch phân vùng hoạt động khoáng sản của tỉnh, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 257 mỏ và điểm quặng, với các loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại và khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm đến nước khoáng, nước nóng; được phân loại sử dụng theo các nhóm sau:

- Khoáng sản nhiên liệu: Tập trung chủ yếu là than đá antranxit, than nâu và than bùn. Nhưng nhìn chung các điểm than đều có trữ lượng ít, quy mô nhỏ. Được phát hiện ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên, tài nguyên dự báo khoảng 779.000 tấn.

+ Than đá: Hiện có 3 điểm quặng trong trầm tích điệp suối Bàng thuộc địa phận Văn Chấn, ít có khả năng khai thác sử dụng do chất lượng kém.

+Than nâu: có 10 điểm trong trầm tích Neogen dọc sông Hồng, sồng Chảy. Trong đó có 2 điểm được điều tra khai thác là Hồng Quang và Hoàng Thắng. Nhìn chung các điểm than đều có quy mô nhỏ, chất lượng kém, không có triển vọng.

+ Than bùn: Có ở xã Phù Nham huyện Văn Chấn, trữ lượng 103.832 tấn; trong than chứa mùn, đạm, phospho, kali cao. Có khả năng khai thác làm phân vi sinh tốt; ngoài ra có ở núi Lịch.

- Khoáng sản kim loại: các khoáng sản chủ yếu gồm: sắt, đồng và chì - kẽm, phân bố không tập trung, trữ lượng chỉ ở mức vừa và nhỏ.

+ Sắt: Có tới 32 điểm quặng và mỏ, tập trung ở 2 vùng chính là Đại Sơn - Văn Yên; Làng Mỵ Hưng Khánh - Trấn Yên. Quặng sắt gần 200 triệu tấn, nhưng chất lượng quặng không cao (hàm lượng trung bình từ 20 - 40%) và phân bố rải rác tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn (khu vực làng Mỵ), huyện Trấn Yên (khu vực Làng Thảo, Núi Vi, núi 300 m), huyện Văn Yên. Ngoài ra còn có vùng quặng sắt mới được phát hiện thuộc các xã Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn.

+ Đồng: Khoáng sản đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phát hiện ở xã Phong Dụ Thượng và xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (là các điểm mỏ Làng Phát, Làng Nhón, Làng Lòm…); ở huyện Văn Chấn (là các điểm An Lương, Đông An thuộc xã An Lương; điểm Bản Bam thuộc xã Nậm Lành) …

+ Chì - kẽm: Được đánh giá có chất lượng khá tốt nhưng phân bố rải rác trữ lượng ít và điều kiện khai thác khó khăn ở Tú Lệ - Văn Chấn; Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bình. Mới đây khu vực chì - kẽm Cẩm Nhân, Xuân Lai - Yên Bình đã được điều tra, đánh giá về địa chất và khoáng sản, các khu vực có triển vọng đã được bổ sung vào quy hoạch của cả nước.

+ Vàng:Vàng gốc được phát hiện chủ yếu ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, vàng sa khoáng phát hiện ở nhiều nơi gần các sông suối như: Ngòi Viễn, Ngòi Tháp, Bản Ty ở huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên...

+ Đất hiếm: Có ở xã Yên Phú - Văn Yên có quy mô nhỏ, trữ lượng đánh giá ở cấp 121 + 121 là 27.681 tấn (TR2O3).

-Khoáng sản không kim loại: chủ yếu gồm pyrit, barit, phosphorit, kaolin, felspat, thạch anh, grafit. Trong đó đáng chú ý là khoáng sản kaolin và felspat, hai khoáng sản này có chất lượng tương đối tốt đáp ứng được các tiêu chuẩn cho sản xuất gốm sứ, sản xuất giấy. Diện phân bố của chúng rộng tuy nhiên trữ lượng không lớn và không đồng đều. Các khoáng sản còn lại phân bố ở một vài nơi trong tỉnh nhưng chỉ tồn tại với trữ lượng nhỏ hoặc chất lượng thấp.

+ Pirit: Có ở Tân Lĩnh - Lục Yên; Mỹ Gia - Yên Bình. Điểm ở Lục Yên có trữ lượng khoảng 25.000 tấn, cấp C1 hàm lượng S > 33%.

+ Barit: Có ở núi hang Hổ, Đại Minh - Yên Bình, chưa điều tra đánh giá.

+ Phosphorit:Có ở huyện Lục Yên với trữ lượng khoảng 10.000 tấn.

+ Cao lanh: Tập trung ở khu vực thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình. Đã khai thác ở một số điểm: Km2 thành phố Yên Bái, xã Tân Thịnh, Trực Bình, Làng Cần với tổng trữ lượng đánh giá ở cấp B + C1 + C­2 là 1,1 triệu tấn, chất lượng Al2O3 = 29 - 34%; Fe2O3 = 0,8 - 4-2%. Độ trắng đạt 40 - 70% đạt tiêu chuẩn làm bột độn giấy và sứ cách điện.

+ Fensfat: Phát hiện 4 điểm ở huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái. Mỏ Quyết Tiến (xã Đại Minh - huyện Yên Bình) trữ lượng cấp C1 + C­2­là 128.000 tấn, có khả năng khai thác cho sản xuất sứ.

+ Thạch Anh: Tập trung ở huyện Trấn Yên, điểm quặng có quy mô nhỏ, chủ yếu là quặng lăn, chất lượng đạt yêu cầu cho sản xuất sứ và kính.

+ Grafit: Phân bố thành một dải từ Trái Hút tới Văn Phú. Trong đó đáng kể nhất là mỏ Bắc Mậu A, có trữ lượng 141.799 tấn, hàm lượng C từ 3 - 70%. Mỏ Yên Thái, Yên Hưng có trữ lượng 1,32 triệu tấn.

- Đá quý: Tập trung ở khu vực huyện Lục Yên, xã Tân Hương - huyện Yên Bình với khoáng vật rubi, saphia, coridon ...

- Nguyên liệu mài: phân bố ở phần Đông Bắc hai bên bờ sông Chảy thuộc vùng đá biến chất cổ gồm: silimanit - granat, tập trung tại An Phú - Lục Yên, Báo Đáp, Đại Đồng - Yên Bình, Làn Nhơn - Phong Dụ Hạ. Các điểm quặng này được đánh giá có triển vọng.

- Vật liệu xây dựng: gồm có đá vôi, đá hoa calcit, sét các loại, cát - sỏi lòng sông. Đặc biệt là nguồn cát sỏi lòng sông Hồng, sông Chảy...

+ Đá vôi và đá hoa calcit phân bố rộng khắp ở các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu có trữ lượng lớn. Hiện nay đã có một số mỏ khai thác ở quy mô công nghiệp. Đá vôi của Yên Bái có chất lượng tốt với trữ lượng lớn (đá vôi xi măng khoảng 600 triệu m3, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường khoảng 167 triệu m3) khả năng khai thác làm đá mỹ nghệ, đá ốp lát, vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng và đá vôi làm khoáng chất công nghiệp phục vụ xuất khẩu.

+ Các mỏ sét, puzlan của tỉnh ngoài việc dùng sản xuất đồ gốm và gạch ngói, chất lượng mỏ sét còn đáp ứng được cho sản xuất xi măng.

- Nguyên liệu kỹ thuật: gồm các loại khoáng sản như granat, quarzit, dolomit ... hầu hết các loại khoáng sản này chưa được đánh giá trữ lượng.

- Khoáng sản talc - được phát hiện ở bản Hát Lìu, huyện Trạm Tấu - điểm mỏ chưa được điều tra đánh giá trữ lượng.

- Nước nóng và nước khoáng: Trong toàn tỉnh phát hiện có 16 điểm nước khoáng, nước nóng. Tập trung chủ yếu ở đá phun trào. Nước nóng có nhiệt độ 30 - 500C. Tổng độ khoáng hoá 1 - 3,3g/l, nước thuộc nhóm sulfat canxi - magnhe có hàm lượng silic và lưu huỳnh cao, có thể sử dụng cho điều dưỡng, chữa bệnh.

 

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/