Về miền “gạo trắng nước trong”
Ngày xuất bản: 24/09/2020 7:54:00 SA
Lượt đọc: 57809

Nghĩa Lộ - Mường Lò là miền đất giàu truyền thống văn hóa, xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt, trong đó, đậm đà nhất chính là bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Đây là điều kiện lý tưởng để thị xã Nghĩa Lộ phát triển du lịch xanh thân thiện với môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa, đóng góp về kinh tế cho cộng đồng.

Nghĩa Lộ - Mường Lò chào đón du khách.

Cùng anh Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ tới thăm một số cơ sở kinh doanh du lịch theo mô hình homestay trên địa bàn, được nghe nói về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cách người dân đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng, chúng tôi càng hiểu rõ hơn chủ trương gắn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vào phát triển du lịch, giúp người dân xóa đói giảm nghèo của tỉnh, của thị xã. 

Dừng chân tại cơ sở kinh doanh du lịch của gia đình bà Hoàng Thị Loan, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thật dễ nhận thấy nét văn hóa dân tộc Thái được phô diễn sinh động. Nổi bật là kiến trúc của ngôi nhà sàn. Giá trị văn hóa truyền thống của người Thái đã được gia đình bà Loan đặc biệt quan tâm. Nhà sàn có 3 gian, có các họa tiết trang trí tinh xảo trên cửa sổ. 

Trong nhà được bố trí 2 bếp lửa, bếp phía "tang quản” dành cho người già, bếp chính ở phía "tang chan” dành cho nữ giới và những công việc nội trợ... Được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng từ dự án "Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, gia đình bà Loan đã đầu tư thêm 30 triệu đồng để tu sửa ngôi nhà theo nguyên mẫu nhà sàn của người Thái cổ, đồng thời bổ sung các trang thiết bị phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng với các thiết kế mang đậm nét văn hóa. 

Bà Loan cho biết: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc bố trí các gian phòng ở trong nhà sàn, cũng như việc bố trí bếp lửa. Bởi người xưa có nói giữa núi rừng trùng điệp, bếp lửa trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi người và đây có thể coi là tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái Mường Lò”.

Với tiềm năng về văn hóa dân gian, các loại hình nghệ thuật đặc sắc, một vùng quê trù phú với những sản vật đặc trưng, hệ thống giao thông đường bộ khá thuận lợi, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch. Đến nay, thị xã đã hình thành trên 40 cơ sở lưu trú, với 540 phòng nghỉ, hiệu suất khai thác bình quân đạt 48%/năm; có 35 cơ sở Homestay phục vụ khách du lịch. Nhiều hộ làm du lịch có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Các sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, đặc sắc, như: du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm, ẩm thực dân tộc, trang phục dân tộc (áo cỏm, khăn piêu...), nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng được du khách ưa chuộng (thịt hun khói, gạo Séng cù, Hương chiêm, ngô nếp...) cùng với các món ăn truyền thống, đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã tạo được dấu ấn khác biệt, riêng có, hấp dẫn khách du lịch khi đến với thị xã miền Tây xinh đẹp này. 

Đến cơ sở của gia đình chị Hoàng Thị Phượng ở bản Đêu, xã Nghĩa An, du khách luôn thích thú khi được thưởng thức "bữa tiệc” với các món ăn truyền thống do chính gia đình nấu. 

Giới thiệu về các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa, chị Phượng say sưa: "Bên cạnh các món gà nướng, cá nướng, trâu khô, các món rau cũng không kém phần hấp dẫn. Rau cải nương ngọt dịu. Bẹ chuối rừng bùi bùi đậm đà. Rêu đá nấu canh hay trộn gia vị rồi nướng đều vô cùng hấp dẫn. Món hoa ban nấu canh hoặc xào đều ngọt ngào và thơm dịu. Riêng rêu đá và hoa ban là hai món ăn của người Thái có tính truyền thống, được dùng trong hội cưới, chuyên chở cả câu chuyện tình chung thủy và khát vọng ấm no, hạnh phúc”. 

Anh Từ Duy Thành - du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Nghĩa Lộ - Mường Lò rất đẹp. Con người cởi mở, nồng hậu, chân thành. Dịch vụ sinh hoạt rất thoải mái. Ẩm thực dân tộc dân dã, lạ mà rất ngon. Tôi rất ấn tượng khi đến với vùng đất này”. 

Năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 225 tỷ đồng, đón, phục vụ trên 135.000 lượt khách; toàn thị xã hiện có 15/116 đội văn nghệ, 5/57 câu lạc bộ, đội thể dục thể thao nòng cốt hoạt động thường xuyên, có 56 nhà văn hóa phục vụ cho 71 tổ dân phố sử dụng hiệu quả; phong trào xây dựng các tuyến phố sáng, xanh, sạch, đẹp được triển khai sâu rộng. 

Sản phẩm "Văn nghệ tối thứ Bảy” tại sân khấu ngoài trời Trung tâm Truyền thông - Văn hóa thị xã và chương trình văn nghệ tối Chủ nhật tại Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa các dân tộc của địa phương và phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân và du khách. Cùng với đó, việc xây dựng gia đình hạnh phúc, con người văn hóa Nghĩa Lộ - Mường Lò văn minh - thân thiện - nồng hậu - mến khách được đặc biệt chú trọng, tạo ra nét đặc trưng của con người vùng Mường Lò, góp phần đẩy mạnh du lịch phát triển. 

Đồng chí Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trong thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tập trung bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa - xã hội. Đặc biệt là thực hiện các chương trình trọng điểm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vùng đất Mường Lò; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân”. 

Theo đó, Nghĩa Lộ sẽ đổi mới tư duy về phát triển du lịch, tổ chức cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu về tiềm năng, thu hút phát triển du lịch trên địa bàn thị xã và các địa phương lân cận. Liên kết với các huyện vùng phía Tây để kết nối các tuyến du lịch với vùng văn hóa Mường Lò, Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, các điểm du lịch của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu. Hoàn thiện hệ thống quản lý du lịch, tạo sự liên kết chặt chẽ, thân thiện giữa 4 yếu tố "du khách - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - người dân địa phương - chính quyền cơ sở”. 

Triển khai thực hiện du lịch xanh cho 4 loại cơ sở dịch vụ du lịch gồm: nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch và điểm tham quan du lịch theo các tiêu chí "Thân thiện môi trường; gần gũi về xã hội và văn hóa; đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng". 

Khuyến khích đổi mới, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của vùng Mường Lò, đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá lịch sử, bản sắc văn hóa, điệu múa dân gian các dân tộc; chú trọng sản xuất các sản phẩm, đồ lưu niệm đặc trưng phục vụ khách du lịch, nhất là các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Thái; khai thác các thiết chế văn hóa lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh hiện có phục vụ phát triển du lịch. 

Phấn đấu mỗi xã, phường có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch, mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm du lịch, trọng điểm là các xã: Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Phù Nham. Phấn đấu đến năm 2025, lượt khách du lịch đạt 470.000 lượt người, mỗi năm tăng 25%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt trên 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 420 tỷ đồng... 

Mỗi dân tộc ở Nghĩa Lộ có một bản sắc văn hóa riêng, độc đáo nhưng luôn song hành hoặc hòa quyện vào nhau tạo nên một vùng đất văn hóa đặc sắc mà ít nơi có được đó là văn hóa Mường Lò. Ngày nay, các giá trị truyền thống văn hóa đó luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

 Thành Trung - Baoyenbai

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/