Ở xã Minh An huyện Văn Chấn có nghề nấu cao lá từ rất lâu đời của đồng bào Dao quần chẹt. Trong đó nhiều phương thuốc gia truyền tốt, có khả năng chữa, bổ trợ và điều trị các bệnh như thấp khớp, kém ăn, mất ngủ, dạ dày, đại tràng… Nhưng đặc biệt hơn cả vẫn là bài thuốc cổ truyền được nấu bằng 365 loại thảo dược, có tên gọi là “Cao lá bách thảo”.
Cao lá bách thảo là một loại dược phẩm gia truyền, được chế từ 365 loại thảo dược trong vùng. Với một số lượng lớn thảo dược như vậy, mỗi gia đình phải thu lượm trong 1 đến 2 tháng và nhiều người cùng làm. Có những loại cây lấy về phơi khô rồi mới nấu, cũng có loại nấu tươi sẽ tốt hơn. Các loại cây được chế biến từ thân, lá, vỏ cây, rễ, củ thành cao thành phẩm. Việc chế biến này đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm, bởi với 365 loại thảo dược này, đồng bào phải biết kết hợp theo những tỷ lệ nhất định khá nghiêm ngặt. Một số dược liệu chính có thể kể đến như: lá khôi, cỏ dạ tím, câu đằng, hoàng liên, cây mật gấu, nghệ đen, nghệ vàng, trà thơm, khúc khắc, đốm gai, cỏ ké, bét trắng, bét đỏ, cây tràm lá nhỏ, cây năm lá, cây biến hóa, gió co, gấu tàu, gừng tía, chè vè non, cây sậy, cây mào gà, dây bong bóng, dứa đỏ, dứa gai, …
Các loại thảo dược để nấu cao . Ảnh : nguồn Internet
Để có được một mẻ cao chất lượng, hành trình đi tìm dược liệu là khó khăn, gian khổ nhất, bởi phải lặn lội vào tận rừng sâu núi thẳm mới có thể tìm đủ và tìm được những loại thuốc quý. Trong hàng trăm loại dược liệu này có thể chỉ là những loại thảo dược quanh nhà, trên đồi, trên rừng, nhưng có những loại cây cực kỳ quý hiếm và chỉ ở trên núi cao, rừng sâu mới có. Đặc biệt hơn nữa, có những cây thuốc có thể phải đi lấy hàng ngày trời mới đến được nơi cây mọc và chỉ hái được vào một giờ một ngày, trong một tháng nhất định duy nhất trong một giờ đồng hồ nhất định.
Quá trình nấu cao cũng phải vô cùng tỉ mỉ ở từng khâu và từng công đoạn để có nồi cao chất lượng. Đồng bào nấu cao trong rừng hàng tháng trời, các thành viên trong gia đình tham gia từ khi tìm kiếm nguồn thảo dược đến khi có cao cắt thành các miếng nhỏ mới trở về nhà.
Các loại thảo dược được nhiều người trong gia đình chia nhau đi tìm kiếm cho tới khi đủ, đồng bào rửa sạch bằng nước suối trên nguồn, băm nhỏ và xếp theo tỷ lệ nghiêm ngặt vào nồi lớn, đổ nước ngập mặt thuốc để khi đun sôi tất cả thuốc được đảm bảo ra hết thuốc, đun trong khoảng 6 đến 7 tiếng để thuốc vừa ra hết cốt và những phần tinh túy của thảo dược. Hơn nữa, trong các loại cây được nấu có những loại độc tố nhiều, nếu không nấu kĩ sẽ có hại cho sức khỏe. Trong thời gian này, lửa phải cháy đều, cháy to rồi giảm dần liên tục trong suốt quá trình nấu. Việc duy trì ngọn lửa tùy các thời điểm khác nhau trong suốt thời gian nấu cũng là kinh nghiệm của đồng bào để cho ra lò một mẻ cao chất lượng. Công đoạn đầu này hoàn thành khi các loại thảo dược đã nhừ, tan mịn hẳn ra.
Hình ảnh phụ nữ người Dao đang băm nhỏ các nguyên liệu. Ảnh : nguồn Internet
Chờ đến khi nước nguội hẳn, đồng bào dùng 4 lớp vải trắng để lọc từ 3 đến 4 lần để đảm bảo phần bã thuốc không bị lẫn vào phần cốt. Bã thuốc sau đó có thể được mang phơi khô dưới nắng để làm chất đốt. Sau khi tiến trình lọc nước cốt đảm bảo. Đồng bào chuẩn bị hai chiếc nồi gang một to và một nhỏ để hấp cách thủy. Quá trình hấp cách thủy để cô đặc thành cao có thể diễn ra trong khoảng thời gian 3 ngày 3 đêm. Trong khi đun lửa phải cháy đều liên tục trong suốt quá trình nấu. Ở những công đoạn khác nhau mức lửa quy định to nhỏ khác nhau. Nếu điều chỉnh thường xuyên được mức lửa thì mẻ cao khi hoàn thành mới thực sự đạt chất lượng. Trong suốt quá trình nấu cao 3 ngày 3 đêm ấy từng thành viên trong gia đình thức thay nhau trông nồi cao, thêm nước thường xuyên và phải duy trì cho lửa không bị tắt. Khi thấy nồi cao cô lại, đặc sánh là đã đạt yêu cầu. Sau đó, cao được đổ ra một cái khuân sẵn được làm bằng inox sạch sẽ và đợi khi cao nguội người ta cắt theo từng miếng nhỏ một (trước kia đồng bào đổ ra lá chuối rừng). Thông thường mỗi miếng nhỏ có trọng lượng từ một đến hai lạng.
Để bảo quản cao lá bách thảo người ta để nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời. Cao lá sẽ có màu nâu đậm hoặc đen bóng, khi uống có vị hơi chát và thanh mát.
Cao nấu xong được xắt miếng và đem đi bảo quản. Ảnh : nguồn Internet
Để có được sản phẩm cao lá chất lượng, người Dao quần chẹt xã Minh An đã giữ gìn những tri thức dân gian về y dược và trải qua hàng trăm năm hoàn thiện và tự truyền dạy.Đây có thể coi là nguồn di sản văn hóa vô giá của cộng đồng được duy trì và thực hành qua nhiều thế hệ, đến nay đã trở thành nguồn tài sản của cả cộng đồng, thể hiện những giá trị nhân văn cao cả trong việc cứu người với một sản phẩm vừa an toàn vừa tiện dụng và trở thành bản sắc văn hóa mang đậm nét đặc trưng của riêng nhóm Dao Quần Chẹt ở tỉnh Yên Bái./.
Ngọc Chiến