Nghĩa An trăn trở một làng nghề
Ngày xuất bản: 25/12/2024 1:25:00 CH
Lượt đọc: 1691

 Làng nghề dệt thổ cẩm ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ từng vang tiếng một thời. Ở đó đã thu hút được sự quan tâm của du khách với những sản phẩm đa dạng, đồng thời tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho đồng bào Thái. Song có nhiều nguyên nhân khiến làng nghề giờ đây bị mai một, gần như không hoạt động.

Mô hình du lịch cộng đồng Cương Chinh ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An đã đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP 4 sao.

Nghĩa An được biết đến là nơi sinh sống của đồng bào người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nơi đây đã tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc. Trên đường đưa chúng tôi đến hộ gia đình duy nhất còn khung cửi ở thôn Nậm Đông 2, Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Sơn lắng giọng: "Trước đây, cùng với nghề trồng lúa nước truyền thống, nghề dệt thổ cẩm ở xã Nghĩa An cũng được duy trì và phát triển. Những sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày mà còn bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Thái xã Nghĩa An đã tồn tại song hành với sự hình thành, phát triển của vùng đất này. Lúc đầu chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn, sau này bán phục vụ khách du lịch nhưng thời điểm hiện tại, làng nghề gần như bị lãng quên”.

Theo các cụ cao niên trong vùng, đồng bào Thái quan niệm: người con gái được coi là đẹp người đẹp nết phải là người khéo trồng bông dệt vải. Người con gái có nhan sắc, chịu khó nhưng không biết dệt vải vẫn bị bản Thái xem là người chây lười. Cũng chính bởi quan niệm ấy mà nghề dệt thổ cẩm đã tồn tại và phát triển như một thành tố không thể thiếu, làm nên nét đặc trưng riêng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc vùng Mường Lò. Trong mỗi gia đình đồng bào người Thái ở xã Nghĩa An, xưa và cả bây giờ thông thường đều có một hai bộ khung cửi dệt vải. Nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền qua nhiều đời và phần nhiều là do người mẹ truyền dạy cho con gái.

Thời điểm năm 2015 trở về trước, xã Nghĩa An vẫn còn giữ được 347 khung cửi ở các hộ gia đình, tranh thủ những ngày nông nhàn người dân Nghĩa An vẫn duy trì dệt thổ cẩm. Vậy mà nay chỉ còn duy nhất một hộ gia đình còn giữ được một bộ khung cửi ở thôn Nậm Đông 2. Lời kể của những người già còn đắm đuối với nghề cho biết, kỹ thuật dệt truyền thống của đồng bào Thái bao gồm các công đoạn như: dàn sợi, cài go tạo hoa văn, thao tác dệt vải.

Trên các sản phẩm dệt của đồng bào người Thái không thể thiếu các loại hoa văn trang trí như: bó nghe, bó bua, bó môn, khau cút, kén cườm, hàng én… Các mẫu hoa văn thổ cẩm là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét, màu sắc và hoa văn, tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa dân tộc Thái truyền thống. Nhưng rồi, sản phẩm để đem ra thị trường bán lẻ tẻ và tiêu thụ rất ít, làng nghề thu dần hoạt động, nghề dệt theo đó mai một!

Xác định dệt thổ cẩm là một nét văn hóa truyền thống cần bảo tồn và duy trì, những năm qua, UBND xã Nghĩa An đã quan tâm khôi phục và coi đây là hướng giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tìm hiểu được biết, những năm 2012 trở về trước, việc khôi phục khu du lịch làng nghề đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia trong lúc nông nhàn, đặc biệt lúc cao điểm thu hút được hơn 60 lao động tham gia và một số hộ dân ở ven khu làng nghề cũng đầu tư vào nghề dệt thổ cẩm, nguồn lao động đã được đào tạo qua các lớp dạy nghề của tỉnh, thị xã. Các loại sản phẩm chủ yếu như: chăn, đệm, gối, khăn thổ cẩm, các sản phẩm túi điện thoại... Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến làng nghề hoạt động lẻ tẻ, dần mai một.

Trăn trở về vấn đề này, ông Điêu Đình Độ - công chức văn hóa xã Nghĩa An chia sẻ: "Những năm trước đây, xã Nghĩa An được UBND thị xã chọn làm điểm để phát triển hình thức du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho du lịch, xây dựng các bản, làng người Thái thành các làng du lịch văn hóa hấp dẫn - đây là điều kiện tốt để làng nghề phát triển. Song, cái khó của làng nghề là chưa được quan tâm đúng mức và hơn thế nguồn thu nhập thấp, sản phẩm làm ra không có nơi bao tiêu, giá cả thị trường bấp bênh, đầu ra hạn chế do thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu là bán cho các quầy hàng tại chợ Mường Lò và số ít du khách đến tham quan khu du lịch. Trong khi đó, vốn phục vụ cho hoạt động làng nghề chủ yếu là nhân dân tự túc”.

Với những nguyên nhân đó, đến hiện tại ở Nghĩa An chỉ còn duy nhất hộ gia đình chị Đinh Thị Hiến ở thôn Nậm Đông 2 còn khung cửi và biết nghề dệt nhưng chủ yếu cũng là để trưng bày và trình diễn cho khách tham quan. 

Chị Hiến chia sẻ: "Mình được truyền nghề từ năm 12 tuổi, đến nay cũng được hơn 20 năm làm nghề rồi. Mình đã làm hàng nghìn sản phẩm giá từ 50.000 đến 500.000 đồng nhưng trừ chi phí mua vật liệu, ngày công thì còn lại cũng chả được là bao. Hơn thế, trên thị trường lại bán sẵn rất nhiều sản phẩm thổ cẩm nhập từ Trung Quốc với giá rẻ, đa dạng mẫu mã, vì thế, sản phẩm thủ công càng không có sức cạnh tranh. Những sản phẩm mình làm ra chủ yếu theo đặt hàng, số lượng ít, chủ yếu mùa lễ hội, trung bình cũng chỉ bán được 10 - 15 sản phẩm. 

Cùng đó, kinh phí cũng hạn chế nên mình làm nghề để giữ gìn bản sắc của dân tộc. Mình rất muốn mở một lớp dệt thổ cẩm truyền thống nhưng do kinh tế khó khăn, mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm đến nghề dệt thổ cẩm và có chính sách hỗ trợ để mình tiếp tục phát huy và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho các bạn trẻ”.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như quy mô nhỏ, lẻ phân tán; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Đi tìm lời giải cho bài toán khôi phục và phát triển các làng nghề là một trong những vấn đề lâu dài. 

Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Sơn chia sẻ một số giải pháp: "Thời gian tới, xã sẽ xây dựng hướng khôi phục dần làng nghề dệt thổ cẩm. Trước mắt là tăng cường quảng bá nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch để phát huy giá trị làng nghề. Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác các mô hình, tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm; xây dựng, hình thành chiến lược xúc tiến thương mại, khai thác thông tin, quảng bá”.

Và trong những dự định cho tương lai của nghề dệt thổ cẩm ở Nghĩa An có cả việc đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, tạo lập mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống. Song song với đó, có các chính sách khuyến khích, ưu đãi để phát triển nghề và làng nghề thủ công truyền thống địa phương; nắm bắt các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để khôi phục lại làng nghề. 

Đặc biệt, xã có định hướng, tuyên truyền để mỗi người dân làng nghề trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề đến với du khách, trên mạng xã hội; thực hiện việc chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến. "Xét trên cả khía cạnh kinh tế - xã hội, để làng nghề phát triển bền vững thì sản phẩm sản xuất ra phải bảo đảm cung ứng với giá cả phù hợp, đạt ngày công cho lao động và cần có nguồn lực đầu tư phù hợp”- Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Sơn chia sẻ thêm.

Cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân để duy trì và phát triển làng nghề thổ cẩm truyền thống, song để khôi phục làng nghề còn rất nhiều việc phải làm. Sự im ắng, buồn tẻ của làng nghề đòi hỏi cấp bách một chiến lược dài hạn. Trước mắt, cần vận động, khuyến khích người dân làm ra sản phẩm tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa để thu hút khách mua làm kỷ niệm.

Cùng với đó cần có sự liên kết của chính quyền, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nghệ nhân, bắt tay vào xây dựng quy trình bài bản từ khâu đầu vào, làm ra sản phẩm đến đầu ra. Có như vậy, tin rằng trong tương lai gần, những sản phẩm dệt thổ cẩm của xã Nghĩa An sẽ vượt ra khỏi lòng chảo Mường Lò Nghĩa Lộ, đem sắc hoa của núi rừng Tây Bắc đến với người yêu sản phẩm thổ cẩm khắp mọi miền đất nước.

Trần Minh

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/