Trong đám cưới, nhà trai và chú rể không phải sang đón mà cô dâu cùng đoàn nhà gái sẽ tự về nhà chồng. Đó là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong dâm cưới truyền thống của người Dao đỏ xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên. Đám cưới cũng là cách mà người Dao đỏ nơi đây thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay xây dựng cuộc sống.
Đoàn nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng. |
Chúng tôi đến xã Viễn Sơn đúng ngày gia đình ông Triệu Quang Thành, thôn Khe Lợ tổ chức lễ cưới cho cậu con trai út của ông là Triệu Tòn Nhất. Ông Thành vừa là thầy cúng vừa là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nên nghi thức cưới truyền thống vẫn được gia đình ông duy trì từ nhiều đời nay.
Ngay từ 3 giờ sáng, gia đình ông Thành đã tất bật chuẩn bị cho lễ cưới của con trai từ trang trí nhà cửa đến chuẩn bị cỗ bàn. Từ sáng sớm, gia đình nhà trai đã làm hai mâm cơm cúng tổ tiên, thổ địa, thần làng. Một điều không thể thiếu trong mỗi đám cưới của người dân tộc Dao đỏ là những câu đối chúc phúc, được họ hàng, người thân của nhà trai chuẩn bị với nội dung cầu mong cho cô dâu, chủ rể được hạnh phúc, sum vầy.
Ông Triệu Quang Thành cho biết: "Với trách nhiệm của mình, tôi nhận thấy việc duy trì các nghi lễ truyền thống là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải giảm bớt các thủ tục rườm rà, tránh tốn kém cho gia đình 2 bên bởi quan trọng nhất là tổ chức cho các con được vui vẻ và hạnh phúc trọn vẹn”.
Đám cưới của người Dao đỏ chủ yếu diễn ra ở nhà trai, nhà gái chỉ tổ chức một bữa cỗ mời họ hàng, bà con làng xóm để tiễn cô dâu về nhà chồng. Điều đặc biệt trong đám cưới người Dao đỏ, nhà trai và chú rể không phải sang đón mà cô dâu cùng đoàn nhà gái sẽ tự về nhà chồng. Nhà gái sẽ tổ chức đoàn đi đưa dâu gồm ông đại diện trưởng đoàn là người bác hoặc người có vai vế quan trọng của nhà gái sẽ dẫn đầu để đưa cô dâu về nhà chồng. Trước khi về nhà chồng, cô dâu được làm phép với mong muốn sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt, bởi người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời soi mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.
Trong ngày trọng đại này, trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm độc đáo.
Đoàn nhà gái khi đến gần nhà trai sẽ nghỉ ngơi để cô dâu chỉnh trang lại trang phục truyền thống. Khi đoàn nhà gái đến, đoàn nhà trai sẽ nổi kèn, đánh trống, chiêng và ra đón nhà gái. Sau đó, đội kèn dẫn đoàn về một bãi đất trống gần nhà trai để làm thủ tục kết tình duyên.
Tại đây, đoàn nhà gái đứng cạnh nhau để đội kèn trống của nhà trai đi vòng tròn xung quanh và đi hình số 8 quanh nhà gái với ý nghĩa chúc đôi bạn trẻ mãi mãi hạnh phúc, chúc nghĩa tình thông gia thêm bền chặt. Trong khi làm các thủ tục đó, nhà trai mời rượu đoàn nhà gái để thể hiện tấm lòng chân thành, quý trọng. Lễ bái đường là phần quan trọng nhất trong đám cưới của người Dao đỏ.
Theo phong tục, chú rể sẽ đứng bên trái, cô dâu đứng bên phải, mặt hướng lên bàn thờ, cạnh đó là cụ ông, cụ bà và các bậc bề trên trong nội tộc của gia đình chú rể. Nghi lễ này mang ý nghĩa cảm ơn ông bà, cha mẹ, các bậc bề trên đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo; cảm ơn tổ tiên đã chở che cho con cháu khôn lớn rồi kết thành phu thê.
Khi lễ bái đường được thực hiện xong, cô dâu và chú rể mới được tháo khăn, mũ để trình diện trước họ hàng hai bên và khách mời. Tiếp đến cô dâu và chú rể sẽ mời rượu ông bà, cha mẹ thể hiện lòng thành kính và được dòng họ tổ tiên chứng giám trở thành một thành viên mới trong gia đình nhà trai. Cuối cùng 2 bên sẽ dự tiệc để chúc phúc cho đôi trẻ.
Ông Doãn Hải Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: "Địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ, chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, những nghệ nhân của địa phương để lưu giữ và bảo tồn phù hợp với nếp sống mới mang đậm bản sắc độc đáo của dân tộc mình, trong đó có nghi lễ tổ chức đám cưới”.
Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao đỏ ở xã Viễn Sơn huyện Văn Yên nói riêng và cộng đồng người Dao đỏ tỉnh Yên Bái nói chung chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa là việc làm cần thiết góp phần làm phong phú sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Dao đỏ.
Thanh Tân