Không chỉ nổi tiếng và thu hút du khách đến với “mùa vàng”, Mù Cang Chải còn thôi thúc bước chân du khách trở lại để được khám phá một vẻ đẹp khác của những thửa ruộng bậc thang lưng trời, đó là “mùa nước đổ”.
Mù Cang Chải mùa nước đổ đã thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, khám phá. |
Mùa nước đổ ở Mù Cang Chải thường bắt đầu từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6. Khi những cơn mưa rào mùa hạ đổ xuống, người dân địa phương bắt đầu dẫn nước từ những con suối trên núi cao vào các thửa ruộng bậc thang để chuẩn bị cho mùa cấy mới. Nước chảy từ trên cao xuống, len lỏi qua từng thửa ruộng, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng, đẹp như bức tranh thủy mặc.
Nhìn từ xa, những thửa ruộng bậc thang như những tấm gương khổng lồ, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Nước đổ từ triền ruộng này xuống triền ruộng khác, tạo thành những dòng thác nhỏ, róc rách như bản nhạc du dương. Màu nước hòa quyện với màu đất nâu, màu xanh của cây cối tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động.
Đến với Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều vô cùng độc đáo như: đi bộ dọc theo những con đường mòn, uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang để tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của mùa nước đổ, hay có thể tham gia vào các hoạt động như: đắp bờ, cày bừa, cấy lúa cùng người dân địa phương để hiểu thêm về văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây. Mùa nước đổ đẹp nhất là ở các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Ở đây có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất và hùng vĩ nhất; là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng cùng vẻ đẹp của lao động sáng tạo, trải qua bao đời, bao thế hệ người Mông.
Đến với Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, du khách còn có thể tham quan, khám phá nhiều địa điểm du lịch khác như: đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất Việt Nam, nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Mù Cang Chải từ trên cao; đi chợ phiên Mù Cang Chải để hiểu hơn về văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái hay tới bản Lìm Mông để được trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân bản địa, ngắm nhìn những cô gái Mông xúng xính trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu… Bên cạnh những hoạt động này, du khách cũng có thể trải nghiệm các hoạt động văn hóa, lễ hội của người đồng bào các dân tộc; thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Tây Bắc như: thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, cá suối nướng, lạp xưởng hun khói, gà đen bản địa…
Chị Mai Thùy Trang - du khách Hải Phòng bày tỏ: "Đến Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, tôi đã được hòa mình vào không khí trong lành, mát mẻ của núi rừng Tây Bắc, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang lấp lánh dưới ánh nắng, cảm nhận sự hùng vĩ của núi rừng và sự bình yên của bản làng. Đây thực sự là những trải nghiệm và kỷ niệm rất đáng nhớ”.
Để thu hút khách du lịch, những năm gần đây, ngay sau chuỗi hoạt động lễ hội tết Nguyên đán, Lễ hội hoa tớ dày, hoa sơn tra, huyện Mù Cang Chải thường bắt tay vào xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho hoạt động du lịch "Mùa nước đổ” gắn kết với tổ chức kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 với nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có như: tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc và các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực.
Cùng đó, huyện cũng chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chuyên môn; các xã, thị trấn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ quản lý, nhất là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn, uống, ngủ nghỉ, homestay, các hộ bán hàng hóa trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm theo phương châm nâng cao chất lượng các dịch vụ đón tiếp, chăm sóc, ẩm thực; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống cháy, nổ…, hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch "Xanh - bản sắc - an toàn - thân thiện”.
Với sự quan tâm, chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương và sự thân thiện, hồn hậu, hiếu khách của người dân vùng cao, Mù Cang Chải mùa nước đổ chính là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Hồng Oanh