Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.
Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm. |
Người Mông có lối sống giản dị, mộc mạc nhưng ẩn chứa, bảo lưu nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc với những nét đẹp riêng có. Trong đó, người Mông có những phong tục, tín ngưỡng dân gian đặc sắc, điển hình dễ nhận thấy như ngoài thờ cúng tổ tiên, trong ngôi nhà người Mông còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ như: thần tài, thần cột nhà, thần cửa, thần bếp, thần buồng...
Ông Hờ A Tùng, bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cho biết: do môi trường sống có phần cách biệt với các dân tộc khác; đồng thời, do trình độ dân trí còn thấp cũng như ảnh hưởng của lối sống du canh, du cư trước đây, nên các phong tục, tập quán của người Mông có phần khác so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, nhìn chung đều tập trung vào mục tiêu trấn an tinh thần để mọi người, mọi nhà có niềm tin vào cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất để phát triển kinh tế vươn lên.
Trong nội bộ của người Mông được phân chia thành nhiều nhóm, nhiều họ, nhiều dòng khác nhau, nhưng đều được tổ chức quản lý, điều hành theo một phương thức giống nhau là: theo quy định chung, quy định từng dòng họ, các ký hiệu riêng... đã được cộng đồng, các dòng họ thừa nhận và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Dòng họ người Mông là nơi duy trì và lưu truyền phong tục, tập quán và mỗi họ còn có nhiều chi.
Dòng họ người Mông có phạm vi cấu kết rộng, bao gồm tất cả những người cùng họ vì có những đặc điểm kiêng kỵ giống nhau hoặc cùng họ có các phong tục, điểm kiêng kỵ giống nhau thì đều là anh em không phân biệt cư trú ở tỉnh, thành nào và khi đã nhận ra nhau là không được phép kết hôn với nhau. Ngoài các phong tục, tập quán riêng của từng họ, từng dòng thì cơ bản người Mông đều có đời sống văn hoá tinh thần chung giống nhau.
Điển hình như trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi truyền thống ngoài các thủ tục chính thì đồng bào Mông đều gắn với các hoạt động hát dân ca, dân vũ, hát ru, hát đối, hát đố, hát giải, múa khèn, đàn môi, kéo nhị, thổi sáo... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, no đủ, ý chí kiên cường của những con người nơi miền sơn cước.
Các nghi lễ trong vòng đời của một người Mông từ khi sinh ra đến khi về với tổ tiên như: lễ đặt tên, lễ lại tên đệm đối với đàn ông, lễ cưới, lễ tang.
Cùng với văn hóa phi vật thể, người Mông còn có nhiều loại hình văn hóa vật thể độc đáo như: kiến trúc nhà ở; nghề truyền thống... Cụ thể, người Mông ở Yên Bái đều có chung món mèn mén (cơm ngô) được làm từ hạt ngô được xay mịn qua nhiều bước chế biến cầu kỳ, tỷ mỉ để thành món ăn; kiến trúc nhà ở chủ yếu là nhà đất, hướng nhà thuận theo hướng dốc của sườn đồi.
Các nghề truyền thống nổi tiếng như nghề dệt vải lanh, thêu thổ cẩm, hoa văn trên váy áo; nghề rèn đúc với kỹ thuật cao mang lại các sản phẩm nông cụ rất tốt như: dao, cuốc, lưỡi cày sắc bén, đồ trang sức của phụ nữ; nghề đan lát đồ dùng sinh hoạt trong gia đình bằng tre, mây rất đẹp và tinh tế như lù cở...
Ngoài ra, người Mông ở Yên Bái còn lưu giữ được một số phong tục, tín ngưỡng chung mang sắc màu văn hoá có ý nghĩa nhân văn đặc sắc như: tết rừng hay còn gọi là tục cúng rừng - một nét văn hóa nhắc nhở mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng; lễ mừng cơm mới - một nét văn hoá mang ý nghĩa mừng vui thành quả mùa màng bội thu, cảm tạ tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hoà để lúa ngô tươi tốt, được nhiều, dân bản mạnh khoẻ, ấm no; nhiều trò chơi, thể thao dân gian, truyền thống, ca múa trong các ngày lễ tết như: hội gầu tào, múa khèn, đánh cù (quay)... đều mang những nét đậm đà bản sắc, riêng có của người Mông.
Có thể nói, người Mông có một cuộc sống giản dị, mộc mạc nhưng trong đó bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc với những nét riêng có mang tính cộng đồng gắn liền với đời sống và thiên nhiên.
Những năm qua, nhiều loại hình văn hoá của người Mông đã được các cấp, ngành ghi nhận, bảo tồn, phát triển gắn với kinh tế du lịch như: Nghệ thuật trình diễn khèn Mông và Nghệ thuật dùng sáp ong vẽ hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được Bộ Văn -, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2023; Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải được đưa vào Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2021... Đồng thời, đây không chỉ là niềm tự hào của người Mông, mà còn là niềm tự hào văn hóa của quê hương Yên Bái.
A Mua