Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hiện có trên 80 cơ sở lưu trú, trong đó các cơ sở homestay đón và phục vụ trên 40% lượng khách du lịch. Trong phát triển du lịch cộng đồng ở thị xã có vai trò không nhỏ của phụ nữ.
Một góc MuongLo Farmstay ở Bản Lụ 1, xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ. |
Muonglo Farmstay ở Bản Lụ 1, xã Phúc Sơn do chị Đinh Thị Đương làm chủ, là loại hình du lịch lưu trú trải nghiệm cuộc sống nông thôn, văn hóa bản địa. Hiện nay, cơ sở có 3 nhà sàn phục vụ ngủ cộng đồng, 4 phòng ngủ khép kín; công suất phục vụ tối đa 150 khách/đêm. Ngoài ra, cơ sở còn tổ chức phục vụ ẩm thực, biểu diễn giao lưu văn nghệ.
Nguồn khách chủ yếu là khách quốc tế đến từ châu Âu, Úc và Mỹ. Trên cơ sở hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, đến nay, cơ sở đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao về du lịch cộng đồng. Hiện nay, Muonglo Farmstay đã tạo việc làm cho 4 - 6 lao động làm việc thường xuyên, 15 lao động làm việc theo thời vụ tùy vào lượng khách theo từng thời điểm.
Chị Đinh Thị Đương - chủ Muonglo Farmstay chia sẻ: "Xuất phát từ ý tưởng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về văn hóa, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, tập tục canh tác trong trồng trọt, chăn nuôi, các giá trị tri thức bản địa có từ hàng ngàn đời, để từ đó tự hào giới thiệu, quảng bá và cho du khách trực tiếp trải nghiệm, tạo ấn tượng và chạm vào cảm xúc của mỗi du khách khi đến với cơ sở, nhằm đa dạng và đổi mới, sáng tạo trong việc tìm chất liệu làm du lịch tại bản làng mà tôi và gia đình đã lựa chọn làm mô hình du lịch farmstay”.
Chị Sầm Thị Tâm - Chủ Homestay Bản Mường ở xã Nghĩa Phúc cũng là người tiên phong làm du lịch cộng đồng ở địa phương. Chị Sầm Thị Tâm bộc bạch: "Qua học hỏi các mô hình du lịch cộng đồng của chị em ở các xã như Nghĩa An, Nghĩa Lợi, tôi mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng. Trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi kiên trì thực hiện mô hình, tích cực tham gia các lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch và học hỏi thêm từ các chị em, đến nay bước đầu có những kết quả thuận lợi”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Nghĩa Lộ Lương Mạnh Hà cho biết: "Thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch. Tranh thủ các nguồn lực đó, nhiều hội viên phụ nữ đã tiên phong, mạnh dạn tham gia phát triển du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, ẩm thực truyền thống của địa phương. Nhờ đó, toàn thị xã hiện có hàng chục mô hình du lịch cộng đồng homestay do phụ nữ làm chủ như: Homestay Phượng Luật xã Nghĩa An, Homestay Loan Khang, Homestay Thủy Vân xã Nghĩa Lợi, MuongLo farmstay xã Phúc Sơn... không những đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giúp địa phương gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.
"Năm 2023, thị xã Nghĩa Lộ đón trên 300.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế 26.000 lượt người, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 275 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Có được kết quả này cũng có một phần đóng góp của các mô hình du lịch cộng đồng do phụ nữ làm chủ. Qua đó, có thể thấy sự tham gia của phụ nữ trong phát triển du lịch là hướng đi mới để người dân thoát nghèo, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Lộ” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Nghĩa Lộ Lương Mạnh Hà khẳng định.
Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các cơ sở về vốn, kiến thức phát triển du lịch; xây dựng các mô hình, câu lạc bộ bảo tồn, giữ gìn văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào phát triển du lịch... để nhân rộng các cơ sở du lịch cộng đồng, góp phần đưa du lịch thị xã đón trên 320.000 lượt khách du lịch trong năm 2024.
Các cơ sở homestay cũng đã chủ động liên kết với các công ty du lịch, lữ hành để quảng bá hình ảnh du lịch Nghĩa Lộ đến du khách trong và ngoài nước thu hút đông đảo khách du lịch. Nhờ đó, trung bình hằng năm mỗi, cơ sở homestay đón trên 1.000 lượt khách, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và thúc đẩy ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn xã phát triển theo hướng tích cực và hiệu quả hơn. |
Thu Hạnh