Từ một địa phương được biết đến là huyện nghèo, nay Trạm Tấu đã tưng bước được định vị trên bản đồ du lịch với dấu ấn rất riêng như: suối khoáng nóng Trạm Tấu, săn mây Tà Chì Nhù, Lau Camping Phình Hồ... thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần phát tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Du khách thỏa sức ngắm biển mây tại Lau Camping Phình Hồ. |
Được thiên nhiên ban tặng cho nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, nhiều khu nghỉ dưỡng gắn với tắm khoáng nóng quy mô, gần gũi với thiên nhiên được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động, tạo nên những điểm nhấn du lịch ở huyện Trạm Tấu.
Tiêu biểu trong đó phải kể đến khu nghỉ dưỡng của Hợp tác xã Du lịch Cường Hải. Toàn bộ khu nghỉ dưỡng đều được xây dựng bằng vật liệu gần gũi với thiên nhiên. Trung tâm nội khu là khu vực tắm, ngâm khoáng với 3 bể bơi (1 bể khoáng nóng, 2 bể khoáng lạnh) và 1 bể ngâm - mát xa khoáng nóng, phía trên là khu bar, dọc lối đi theo sườn đồi là các khu phòng nghỉ, trên cùng giữa đỉnh đồi là khu lửa trại, nhà hàng. Mới nhất là Khu nghỉ dưỡng Anlanvita, được đầu tư quy mô với hệ thống bugalow, bể bơi khoáng nóng nằm giữa cánh đồng, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.
Cùng với khoáng nóng, huyện Trạm Tấu khai thác lợi thế của 2 ngọn núi cao gần 3.000 m so với mực nước biển là Tà Xùa và Tà Chì Nhù để phát triển du lịch mạo hiểm, trải nghiệm. Trên các cung đường này, du khách có thể trải nghiệm leo núi, săn mây, ngắm rừng hoa đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa vào tháng 4 và tháng 5 hay ngắm hoa mật rồng vào tháng 10 hàng năm.
Hoặc như cung đường chinh phục Tà Chì Nhù thay đổi liên tục theo độ cao, khi là đi trong rừng già nguyên sinh, lúc đi qua suối, đi xuyên rừng tán thấp, đồng cỏ, rừng trúc... đến khoảng đồi trơ trọi gần đỉnh.
Đặc biệt, trong năm 2023, huyện Trạm Tấu đã tổ chức thành công Giải leo núi "Bước chân trên mây” thu hút hàng trăm nhà báo, phóng viên trong cả nước tham gia. Ngoài ra, tại Khu du lịch Lau Camping ở xã Phình Hồ, ngoài việc được ngắm bình minh giữa biển mây, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh, du khách còn có thể trải nghiệm bay dù lượn, thỏa sức trong biển mây, ngắm nhìn cành đồng Mường Lò từ trên cao.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 14 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch, như: Lau Camping Phình Hồ - Khu nghỉ dưỡng Cắm trại và Săn mây xã Phình Hồ; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Trạm Tấu Bibury Retreat của Công ty TNHH Hoàng Hà Bibury...
Ngoài ra, toàn huyện còn các tổ hợp tác du lịch và trên 30 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng; trong đó có 1 khách sạn, 5 nhà nghỉ, 24 homestay đang được duy trì hoạt động tốt. Những năm qua, để phát triển du lịch theo hướng xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, huyện Trạm Tấu đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Đồng thời xây dựng các sản phẩm đặc thù như: du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng; khu vực đồi thông eo gió, chòm Cu Vai, thôn Háng Xê; Lau Camping Phình Hồ; thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì, du lịch cộng đồng xã Hát Lừu; du lịch mạo hiểm săn mây trên đỉnh Tà Xùa và Tà Chì Nhù...
Đồng chí Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Cùng với xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, huyện tích cực tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, năm 2023, Trạm Tấu đã tiếp đón, phục vụ 150.000 lượt khách, bằng 136% kế hoạch huyện giao, trong đó có 20.150 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 112 tỷ đồng, bằng 131% kế hoạch huyện giao”.
Qua đánh giá, dù các tiềm năng, lợi thế của huyện đã từng bước được khai thác, phát triển du lịch, tuy nhiên, còn hạn chế, hiệu quả thấp, chưa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch mặc dù đã phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đạt ra. Các khu, điểm du lịch và vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch chưa có...
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu đón 120.000 lượt khách vào năm 2025, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 200 tỷ đồng... huyện Trạm Tấu tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư... chủ động tiếp cận những nhà đầu tư để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện cho các nhà khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư, khai thác phát triển thị trường du lịch.
Đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trong các trường học; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nhà nước và đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch...
Hùng Cường