Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp. Trong đó “sức mạnh mềm” của văn hóa được quan tâm chú trọng tạo nền tảng tinh thần xã hội, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc bộ vào năm 2030.
Dân tộc Dao ở xã Phúc An, huyện Yên Bình tái hiện nghề đan rọ tôm truyền thống tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2022. |
Với đặc thù là nơi quần cư của 30 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng, từ ngôn ngữ, phong tục, truyền thống, cho đến trang phục, nghệ thuật, âm nhạc... Sự đa dạng dân tộc đã tạo nên sự đa dạng trong văn hóa.
Chia sẻ về nét truyền thống của dân tộc Tày, nghệ nhân Đặng Ngọc Thông ở xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình cho biết: "Với người Tày chúng tôi điệu hát Then truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con. Nội dung của hát Then là thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin "Then” tức là "Trời” ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then phản ánh chuyện từ đời sống đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi”.
Còn kể về nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, nghệ nhân dân tộc Dao - Dương Đức Thông ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên tự hào cho biết: "Theo quan niệm của đồng bào tôi, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao. Được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng”.
Cùng với dân tộc Tày, Dao, 28 dân tộc khác trên địa bàn tỉnh là 28 sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người vừa góp phần làm phong phú cho nền văn hóa chung của Yên Bái.
Trên cơ sở lợi thế đa dạng sắc màu văn hóa, đặc biệt trên tinh thần quán triệt tại Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”, Yên Bái chú trọng đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để bảo vệ, phát huy "sức mạnh mềm”.
Năm 2020, lần đầu tiên Yên Bái ban hành chính sách riêng của tỉnh về xét công nhận nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Việc xét tặng danh hiệu tổ chức 2 năm một lần, đến nay qua 2 lần triển khai, tỉnh đã xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh cho 21 người.
Ngoài ra, trong các cơ chế, chính sách, nghị quyết của tỉnh nhằm bảo tồn, phát huy nội lực của văn hóa để phát triển kinh tế phải kể đến Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh Yên Bái.
Nghị quyết quy định: hỗ trợ 3 triệu đồng đến 40 - 60 triệu đồng kinh phí thành lập, duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng; hỗ trợ không quá 250 triệu đồng lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch; hỗ trợ 45 triệu đồng/ lớp truyền dạy lĩnh vực văn hóa phi vật thể; hỗ trợ từ 20 - 50 triệu đồng duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.
Ông Phạm Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch tỉnh cho biết: "Thực hiện nhiệm vụ được giao trong vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa Yên Bái, Trung tâm đã tập trung nỗ lực triển khai nhiều hoạt động. Riêng nửa đầu năm 2023, Trung tâm đã tổ chức gần 10 đợt điều tra, khảo sát di tích tại 2 huyện Văn Yên, Yên Bình. Qua đó phát hiện nhiều di tích đủ điều kiện để xếp hạng, bảo vệ, phát huy giá trị; hoàn thiện 2 hồ sơ khoa học di tích trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, 1 hồ sơ di tích đang tham mưu điều chỉnh lại quy hoạch đất để hoàn thiện; nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học bảo tồn 4 hồ sơ chuyên đề văn hóa phi vật thể”.
Có thể thấy, dù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nhận thức được vị trí, vai trò "sức mạnh mềm” để đưa ra những quyết sách quan trọng. Tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập, nhiều nét văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, tạo ra thách thức lớn cho sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hiện đại hóa.
Trước thực trạng này, các cấp, các ngành cần chọn lọc, quan tâm hơn nữa đến bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc. Hơn thế nữa là sự chung tay của các tầng lớp nhân dân để nâng cao hình ảnh, vị thế của Yên Bái trong giao thoa, hội nhập văn hóa, hòa nhập nhưng không hòa tan.
Tin tưởng, với lợi thế của một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, Yên Bái có đủ các điều kiện phát huy "sức mạnh mềm”, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đủ sức cùng các địa phương khác trên cả nước đưa Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Lê Thương