Đến nay, Yên Bái đã hình thành rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm song song với phát triển 5 dòng sản phẩm du lịch: thăm quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch mạo hiểm.
Homestay Hoàng Thanh Hiệp mỗi năm thu hút gần 3.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng.
Yên Bái là tỉnh miền núi - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm ven trên dải Hoàng Liên Sơn núi non hùng vĩ, cảnh quan nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ, cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số… là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng và được ưu tiên đầu tư phát triển.
Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, khách sạn, nhà hàng… tại các điểm có tiềm năng phát triển.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 và 2022, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực trên 1.771 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch cho 23 dự án nhằm từng bước hoàn thiện, kết nối đồng bộ các khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng.
Đến 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 21 dự án trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.171,218 tỷ đồng và 3,2 triệu USD; đã và đang khảo sát triển khai 8 công trình giao thông trọng điểm gắn với phát triển du lịch; quy hoạch một số tuyến đường tích hợp vào quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Yên Bái, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Đến nay, đã hình thành rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải); vùng du lịch Trấn Yên, Văn Yên. Song hành với đó là phát triển 5 dòng sản phẩm du lịch: thăm quan - nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh; du lịch mạo hiểm.
Mù Cang Chải - huyện vùng cao của tỉnh với những dãy núi trùng điệp của dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bên dưới là những thửa ruộng bậc thang một kỳ công của người dân tộc Mông tuyệt đẹp khi vào mùa vàng hay mùa nước đổ, thu hút lượng lớn khách đến khám phá. Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh đã lọt vào danh sách những vùng núi đẹp nhất thế giới.
Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và truyền thống văn hóa lâu đời của người dân tộc Thái vùng Mường Lò (Văn Chấn, Nghĩa Lộ); người dân tộc Mông ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, người Tày ở Trấn Yên, Lục Yên, người Dao ở Văn Yên là một lợi thế để khai thác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Nhờ vậy, khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Yên Bái ngày một nhiều, doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch có những bước tăng trưởng mạnh, Yên Bái đã thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng. Năm 2022, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Yên Bái đã đón và phục vụ được trên 1.589.000 lượt khách, vượt 44,4% kế hoạch năm, tăng 100,2%, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 1.101 tỷ đồng, tăng 124,5% so với cùng kỳ.
Có thể nói, năm 2022 ngành du lịch Yên Bái đã phục hồi, bứt phá. Bên cạnh sự phát triển các sản phẩm du lịch, hiện nay Yên Bái đã biết và khai thác du lịch cộng đồng (homestay) khá hiệu quả. Homestay là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa bản địa. Với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân tộc Tày, Thái, Mông cùng với tập tính người dân cởi mở, thân thiện, mến khách, du lịch homestay đã thu hút đông đảo du khách nội địa và quốc tế.
Yên Bái có hàng trăm làng, bản, xóm văn hóa nếu chúng ta khai thác tốt hoạt động du lịch thì đây sẽ là nguồn lực quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên với lợi thế địa phương có nhiêu di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hấp dẫn, đáp ứng cho phát triển du lịch.
Đầu năm 2020, xã lựa chọn vận động nhân dân phát triển du lịch homestay, đã xây dựng phát triển 2 mô hình, thu hút đông đảo du khách. Dẫu mới đi vào hoạt động nhưng Homestay Ngọc Liên và Homestay Hoàng Thanh Hiệp ở bản Vần đã là nơi lựa chọn của nhiều du khách.
Riêng năm 2022 hai Homestay Ngọc Liên và Homestay Hoàng Thanh Hiệp đã thu hút trên 5.000 lượt khách du lịch. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, xã đã thành lập câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch hoàn toàn tự nguyện, lực lượng nòng cốt là các đoàn viên thanh niên trong xã.
Khách đến thăm quan du lịch tại xã được chia thành 3 tour: thăm quan Di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Trung, Nhà ông Trần Đình Khánh, Đình Làng Dọc, trải nghiệm cuộc sống và sinh hoạt ẩm thực của đồng bào Tày tại bản Vần, bản Nả; Thăm quan trải nghiệm rừng nguyên sinh và khu di tích lịch sử cấp quốc gia Hang Dơi và trải nghiệm sinh hoạt ẩm thực; thăm quan Di tích cấp quốc gia Đình Trung, Nhà ông Trần Đình Khánh, trải nghiệm thác Trường Thọ, Ao Sen bản Nả, chụp ảnh sinh hoạt ẩm thực tại Ao Sen bản Nả. Phát triển du lịch năm qua cũng mang lại cho người dân nơi đây trên 3 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát huy sản phẩm du lịch homestay, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, lựa chọn những thôn, bản còn giữ gìn được những bản sắc dân tộc để vận động nhân dân xây dựng bản du lịch cộng đồng.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2023 này với chủ đề phát triển du lịch: "Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa", với phương châm hành động: "Chuyển tài nguyên con người và tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch", chắc chắn du lịch Yên Bái sẽ thực sự phát triển trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương.
Thanh Phúc