Đánh thức tiềm năng du lịch thác nước
Ngày xuất bản: 28/08/2023 8:09:00 SA
Lượt đọc: 15527

 Phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với hệ thống thác, suối đang là một hướng đi tiềm năng được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang khai thác, thu hút một lượng lớn khách tham quan mỗi ngày.

Khu vực thác Ao Xanh, huyện Trấn Yên thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến trải nghiệm.

Thời gian qua, nhiều địa phương có hệ thống thác, suối đẹp đã có nhiều động thái tích cực nhằm phát triển du lịch sinh thái gắn với suối, thác như: tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch về đặc điểm của ngành nghề du lịch, những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại; tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên tại các điểm suối, thác, khu vực lân cận; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng; mở các lớp tập huấn ngắn hạn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ… Đồng thời tạo điều kiện để thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh thiên nhiên này. 

Cách thành phố Yên Bái chưa đến 30 phút di chuyển, thác Ao Xanh thuộc xã Vân Hội, huyện Trấn Yên là điểm du lịch được nhiều người dân trong thành phố và các địa phương lân cận tìm đến mỗi dịp hè nóng nực. Ở đây có vùng nước rộng vài chục mét vuông, nước sâu nhưng trong tới đáy. 

Thác nước không cao, không ào ạt mạnh mẽ nhưng cũng đủ để đưa du khách rời xa chốn ồn ào, thả hồn trong làn nước trong xanh mát lạnh. Trước đây, khi chưa được đầu tư xây dựng, Ao Xanh còn hoang vắng, đường lên thác chủ yếu là trèo qua các phiến đá to nối nhau khá khó đi, trơn trượt nên chủ yếu là người dân bản địa lui tới. Từ năm 2009, ông Nguyễn Văn Sơn đã tiếp quản khu vực này và xây dựng mô hình Homestay Ao Xanh.

Ông Sơn chia sẻ: "Sau khi được huyện chấp thuận, nhiều năm nay, chúng tôi đã đầu tư xây dựng, cải tạo đường vào thác, đắp thêm bê tông vào các phiến đá thành bậc hoặc tạo những chiếc cầu nhỏ bắc qua đá để người dân dễ đi lại, ngay cả trẻ em cũng có thể tự đi. Chúng tôi cũng đầu tư xây dựng 1 ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng rãi, thoáng mát, xây thêm 3 chòi ở cách chân thác chỉ vài chục mét để phục vụ chỗ ăn, chỗ nghỉ cho khách du lịch. Ngoài ra, gia đình cũng liên kết với các hộ dân trong xã để có nguồn thực phẩm tươi sống và một số đặc sản như cua đồng, ốc nhồi, ếch, cá nuôi, cá bống suối… phục vụ khi khách du lịch có nhu cầu ăn uống”. 

Cũng từ đây mà Ao Xanh đã trở thành một điểm du lịch mùa hè, những ngày cao điểm nơi đây thu hút 500 lượt khách mỗi ngày.

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, các suối nước nóng, thác nước xen giữa núi tạo nên cảnh quan thiên nhiên trong lành, kỳ vĩ như: thác Háng Đề Chơ ở huyện Trạm Tấu được ví như "dải ngân hà” của núi rừng; thác Suối Thác, thác Bản Tát ở huyện Văn Yên gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, thác Ô Đồ ở huyện Yên Bình, thác Ao Xanh, Vòi Rồng ở huyện Trấn Yên… 

Với đặc trưng về vị trí, địa hình của các suối, thác, loại hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch phượt, trekking, du lịch cắm trại - teambuilding sẽ là một trong những hướng đi tiềm năng để thu hút du khách. 

Chị Nguyễn Như Quỳnh ở thành phố Yên Bái chia sẻ: "Trước đây, cứ nghĩ đi du lịch phải đi xa mà quên mất quê nhà còn nhiều địa điểm du lịch khá đẹp mà lại phù hợp. Qua mọi người chia sẻ trên mạng xã hội, chúng tôi biết đến thác Mộng Mơ ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Một chuyến du lịch ngay trong ngày được thiết lập, không quá cầu kỳ và chi phí rẻ. Lũ trẻ thích thú thoải mái nghịch nước, bắt cá, cua nhỏ, còn người lớn cắm trại nướng đồ ăn, rất thú vị”. 

Tuy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nhưng việc phát triển sản phẩm du lịch này còn gặp nhiều khó khăn: địa điểm đa phần nằm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh nên đường đi vào khó khăn; chưa đa dạng dịch vụ hỗ trợ như lưu trú, mua sắm… Bởi vậy, để có thể khai thác tiềm năng suối, thác và phát triển du lịch sinh thái cần có những "cú hích” mạnh mẽ hơn nữa. 

Theo đó, các ngành, địa phương cần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông tiếp cận và gắn kết giữa các điểm du lịch sinh thái; đẩy mạnh thu hút đầu tư; chú trọng quảng bá. Đồng thời xây dựng bài bản các nội quy, quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ động, thực vật tại điểm du lịch cho khách du lịch và nhân viên, trong đó, chú trọng về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, không sử dụng hóa chất tẩy rửa, xà phòng công nghiệp tại các suối, bảo vệ môi trường rừng và các loài động, thực vật tự nhiên, bảo vệ môi trường nước suối.

 

Hoài Anh

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/