Trong giai đoạn phục hồi, phát triển du lịch (PTDL) hiện nay, bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới sản phẩm, đáp ứng sự thay đổi của thị trường, tỉnh đang đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hướng đi này, góp phần quảng bá hình ảnh về tiềm năng du lịch của tỉnh đến nhiều hơn với du khách; đồng thời, mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho cả người vận hành dịch vụ lẫn du khách thụ hưởng sản phẩm du lịch.
Nhờ tích cực chuyển đổi số mà 4 tháng đầu năm 2022, Yên Bái đón trên 440.000 lượt du khách.
Hậu đại dịch Covid-19 là giai đoạn khó khăn và thử thách khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải gồng mình CĐS với mong muốn tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu suất và tăng lượng khách hàng. Hòa theo dòng chảy này, Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe Đại Phú An, huyện Văn Yên đã bắt nhịp xu hướng mới, tự chuyển mình để quảng bá kênh thông tin hoạt động lĩnh vực du lịch, tăng cường xây dựng mối liên hệ với du khách.
Chia sẻ về những tiện ích trong việc ứng dụng CĐS trong hoạt động của DN, chị Đỗ Loan Phượng - Phó Giám đốc phụ trách Khu nghỉ dưỡng cho hay: "Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động dịch vụ du lịch. Đó cũng là thời điểm nhiều người thường tìm hiểu thông tin trên mạng, nên chúng tôi đã tận dụng thời gian này xây dựng, đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh qua website, mạng xã hội; đặt chỗ trực tuyến, tư vấn, chăm sóc khách hàng và thanh toán online; tạo tương tác trực tiếp của khách hàng thông qua các góp ý, phản ánh về chất lượng, giá cả dịch vụ trên mạng xã hội, website… Từ đó, làm tốt hơn các dịch vụ để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách”.
Một trong những sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong thời gian gần đây, là sản phẩm du lịch Yên Bái 360. Đây là mô hình du lịch ảo, du khách khắp thế giới ngồi ở nhà có thể khám phá những điểm đến nổi tiếng của Yên Bái như: danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò… thông qua hình ảnh trực quan, đa chiều và cụ thể.
Ông Trịnh Minh Đức - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ 360 Plus cho biết: "Sản phẩm du lịch Yên Bái 360 là một trong những sản phẩm công nghệ hiện đại, được tích hợp với hầu hết các mạng xã hội như facebook, zalo. Đây là sản phẩm nhằm đưa hình ảnh du lịch tỉnh Yên Bái đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước".
Là một trong những địa phương hội đủ các yếu tố để PTDL tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái... huyện Yên Bình đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quảng bá, tuyên truyền các điểm đến với du khách.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Huyện đã xây dựng kế hoạch CĐS năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo bước đột phá, thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo và điều hành trong ngành du lịch và tạo môi trường cung cấp dịch vụ thông minh, có tương tác tích cực để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch”.
Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, các mô hình kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhờ vào công nghệ số hóa. Hầu hết các DN lữ hành, du lịch đều lựa chọn áp dụng công nghệ với những tính năng hiện đại vừa quảng bá rộng rãi được thông tin đến du khách vừa tiết kiệm được thời gian vừa tối ưu hóa được hiệu suất làm việc.
Bà Nguyễn Mai Anh - du khách đến từ quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Đầu năm 2022, mình và nhóm bạn có nhu cầu đi du lịch ở Làng du lịch An Bình, xã Tân Hương, huyện Yên Bình nên mình đã tìm Fanpage anbinhvillage.com để tìm hiểu thông tin. Theo đó, mình đã được tư vấn rất chi tiết, đội ngũ hướng dẫn viên đã chủ động lên chương trình cho nhóm mình tận tình, chu đáo từ đặt phòng, điểm vui chơi đến ẩm thực. Mình cảm thấy rất hài lòng!”.
Cùng với tự nâng cấp sản phẩm du lịch, trang bị tri thức về công nghệ số, những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, cung cấp thông tin dịch vụ du lịch thông qua các ứng dụng thông minh; lắp đặt camera an ninh, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như thuận tiện trong việc quản lý; tích cực tham gia vào hệ thống online của các đại lý du lịch trực tuyến trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ và nâng cấp các phần mềm điều hành tour, thanh toán điện tử và xây dựng các kênh xã hội tương tác trực tiếp. Với những đổi mới để bắt nhịp xu hướng thời đại số, ngành du lịch Yên Bái đã và đang từng bước định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bản sắc và hấp dẫn.
Nguồn : baoyenbai.com.vn