Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông tỉnh Yên Bái mới đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là một sự khẳng định bản sắc văn hóa của đồng bào người Mông tại Yên Bái đã được định hướng, bảo tồn một cách đúng đắn. Đồng thời tạo được những ấn tượng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, du khách trong và ngoài nước.
Hơn 10 năm sau chuyến đi du lịch tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, anh Lê Thanh Hà - khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhớ hình ảnh chàng trai dân tộc Mông trình diễn nghệ thuật múa khèn trong một dịp Lễ hội mùa Xuân. Chàng trai như hòa quyện cùng chiếc khèn, từng bước chân uyển chuyển xoay xoay theo từng vòng. Khèn ngước cao lên trời, người vươn căng, thân uốn cong mềm mại. Khèn sát mặt đất, người khom lưng ôm khèn rồi lăn qua, lăn lại.
Anh Hà không hiểu rõ về khèn hay múa khèn là gì nhưng đó là hình ảnh mà anh ấn tượng nhất khi nói về người Mông ở Yên Bái. "Tôi thích chụp ảnh và thực sự đã gặp một thử thách lớn. Chàng trai người Mông di chuyển nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống liên tục, tạo hình với những động tác khó càng khiến việc chụp ảnh của tôi cũng vất vả hơn, nhưng đổi lại tôi thấy vui với trải nghiệm lạ lẫm, độc đáo”- anh Hà chia sẻ.
Tại vùng lõi của Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, anh Giàng A Chay - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã La Pán Tẩn cũng có những kỷ niệm độc đáo, thú vị về những vị khách Tây tò mò, hiếu kỳ với chiếc khèn, điệu múa của người Mông.
Anh Chay cho biết: La Pán Tẩn đã nổi tiếng là địa điểm đẹp, hút du khách đến tham quan, ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ với những thửa ruộng bậc thang tầng lớp nối nhau tới đỉnh núi, màu sắc biến hoá theo từng mùa cũng là nhờ bàn tay lao động của đồng bào và sắp xếp khéo léo của tự nhiên. Ở đây đã có 30 mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc Mông, các chủ hộ cũng trở thành người giới thiệu cho khách Tây biết tới vật liệu, cấu tạo, cách thức để thổi hoặc trình diễn khèn.
"Núi rừng rộng lớn nên tiếng khèn càng vang vọng khiến nhiều du khách Tây tò mò. Chúng tôi lại thổi cho họ nghe, trình diễn cho họ xem, còn họ cũng háo hức tìm hiểu nhạc cụ của dân tộc chúng tôi. Mọi người giao tiếp chủ yếu bằng cử chỉ, ánh mắt nhưng chúng tôi nhìn du khách gồng mình, phồng má, lấy hơi thổi khèn thì cũng mong họ sẽ nhớ đến La Pán Tẩn” - anh Chay chia sẻ.
Đến nay, khèn Mông đã xuất hiện trong nhiều loại hình biểu diễn như: độc diễn múa khèn, múa khèn tập thể, múa khèn dân vũ, sân khấu hóa điệu múa khèn… Mọi người cũng có thể bắt gặp các hoạt động múa khèn ở nhiều nơi như: các địa điểm du lịch cộng đồng, trong trường học, sự kiện Festival Khèn Mông được tổ chức tháng 9 hàng năm hoặc các hoạt động vui xuân đón tết của đồng bào tại các bản làng…
Có được điều này là nhờ chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giúp đỡ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, người dân có ý thức, trách nhiệm đưa văn hóa dân tộc Mông vươn xa. Nghệ nhân Giàng A Su ở tổ 2, thị trấn Trạm Tấu như khỏe và vui hơn khi nghệ thuật trình diễn khèn Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bao nhiêu năm tháng, ông Su miệt mài gìn giữ văn hóa dân tộc Mông, trong đó có nghệ thuật khèn được ông nghiên cứu, sưu tầm, trình diễn và được trao truyền cho nhiều thế hệ giờ đã thỏa tâm niệm.
Ông Su chia sẻ: Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh tượng trưng cho âm thanh của núi rừng, mang những cung bậc cảm xúc khác nhau của người thể hiện. Khèn cũng được diễn tấu trong nhiều hoạt động đời sống tinh thần, tâm linh, nghi thức của dân tộc Mông.
Đặc biệt, tiếng khèn từ lâu được ví như giai điệu hò hẹn, cùng với gió gửi lời yêu của bao chàng trai cô gái người Mông. Chiếc khèn theo tiếng người Mông được gọi là "kềnh” (hoặc "khềnh"), thường có 6 ống trúc rỗng ruột với độ dài ngắn khác nhau. Những ống này xuyên qua 1 bầu gỗ. Phần trên của đầu bầu gỗ thuôn nhỏ, nối với 1 ống trúc khác tạo thành ống thổi. Trên mỗi thân ống trúc nằm ngang có 1 lưỡi gà nhỏ bằng đồng nằm ở chỗ cắm qua bầu gỗ, gần đó, phía bên ngoài bầu gỗ là lỗ bấm.
Ông Su chia sẻ thêm: Muốn tạo ra âm thanh của ống nào, người ta bịt tay vào lỗ bấm của ống đó, thổi hơi vào khiến lưỡi gà rung lên, phát ra âm thanh. Lúc hít hơi vào lưỡi gà cũng bị tác động cho ra âm thanh. Tùy theo mức độ dài - ngắn, to - nhỏ mà các ống có âm thanh khác nhau.
Theo quan niệm của người Mông, việc thổi khèn thực hiện các vũ điệu cùng tiếng khèn còn chứng tỏ sức mạnh của người đàn ông. Múa khèn cần có vũ đạo đẹp, dũng mãnh và trữ tình, thể hiện sức sống mãnh liệt nên người thổi khèn giỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn việc vừa múa vừa thổi khèn. Các động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…
Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông Yên Bái đã là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân Yên Bái nói chung, và của đồng bào dân tộc Mông tại địa phương nói riêng, từng bước duy trì, phát huy, gìn giữ giá trị cốt lõi của dân tộc Mông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Ai đã từng đến với những bản làng của đồng bào Mông nơi non cao Mù Cang Chải đều không thể cưỡng lại sự cuốn hút, đắm say bởi vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, ruộng bậc thang hòa quyện cùng tiếng khèn trầm bổng, sâu lắng như cái tình và sự mến khách của đồng bào nơi đây.
Và tôi cũng vậy! Trong chuyến đi đến với Mù Cang Chải gần đây nhất, tôi đã lần theo những âm thanh réo rắt, da diết của tiếng khèn Mông vọng lại và tìm đến ngôi nhà của Nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa, bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề - người vừa có tài thổi khèn hay, múa khèn giỏi, vừa am hiểu cách chế tác những chiếc khèn Mông đạt chuẩn âm truyền thống.
Khèn Mông là nhạc cụ đa thanh, mang những cung bậc cảm xúc khác nhau của người thể hiện. Khèn được diễn tấu trong nhiều hoạt động đời sống tinh thần, tâm linh, nghi thức của dân tộc Mông;xuất hiện trong nhiều loại hình biểu diễn; ở nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội.
Tôi đến khi Nghệ nhân Súa đang ngồi bên hiên nhà chế tác khèn Mông. Bên cạnh ông là ngổn ngang bộ dụng cụ với đủ các loại ống trúc, dao, lưỡi bào tự chế cùng các vật dụng để chế tác cây khèn. Khi biết tôi đến để tìm hiểu về loại nhạc cụ không thể thiếu của dân tộc mình, ông Súa hào hứng chia sẻ với tôi về ý nghĩa của khèn trong đời sống tinh thần của người Mông.
Niềm tự hào ánh lên trong đôi mắt của người nghệ nhân ưu tú năm nay đã 65 tuổi, là tác giả của rất nhiều chiếc khèn Mông được khách ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cũng như trong tỉnh đặt mua. Với ông, chiếc khèn không chỉ là một loại nhạc cụ, mà nó còn là vật tri kỷ đồng hành cùng ông trải qua biết bao vui buồn trong cuộc sống.
Ông Súa cho biết: "Đối với người Mông, tiếng khèn có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với đời sống hàng ngày cũng như những dịp lễ hội. Khèn góp mặt từ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lao động, đồng thời là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc Mông chúng tôi. Bởi vậy, để làm ra một cây khèn Mông đạt chuẩn, có âm thanh hay thì công đoạn chế tác khá cầu kỳ theo những nguyên lý được truyền lại qua bao đời. Quan trọng nhất là phải chọn những ống tre tốt, bầu khèn được làm từ những loại gỗ bền như ngọc am, pơ mu”
Đôi tay chế tác điêu luyện, vừa làm nghệ nhân Súa vừa giải thích: Khó nhất trong các công đoạn chế tác khèn là làm các "lưỡi gà”, vì đây là công đoạn để khèn phát ra các âm thanh chuẩn. Khi cắt lá đồng làm các "lưỡi gà” cần sự chính xác để khi thổi, "lưỡi gà” có độ rung phát ra âm thanh du dương, trầm bổng. Một cây khèn có 7 chiếc "lưỡi gà”, tương ứng với 7 nốt nhạc: đồ, rê, mi, pha, son, la, si.
Tận mắt chứng kiến từng thao tác tỉ mỉ, cũng như cách ông Súa nâng niu chiếc khèn đang dần hoàn thiện, tôi thực sự cảm nhận được tình yêu mà nghệ nhân ưu tú người dân tộc Mông dành cho loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Cùng với chế tác, Nghệ nhân Súa cũng là người thổi khèn, múa khèn Mông rất giỏi. Trong các Hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, huyện, các hoạt động văn hóa của địa phương hay Hội thi khèn trong vùng tổ chức, ông đều được mời tham gia.
Giờ đây, khi đôi chân đã mỏi, mái tóc đã màu sương, Nghệ nhân Thào Cáng Súa đang nỗ lực truyền lửa đam mê với những kiến thức cơ bản và kỹ năng, kinh nghiệm thổi khèn, múa khèn và cách chế tác khèn của mình cho nhiều thanh niên trong bản, trong xã cũng như lớp trẻ trong các huyện và tỉnh lân cận.
Chia tay Nghệ nhân Thào Cáng Súa, tôi tin những nỗ lực của ông sẽ giữ nhịp cho tiếng khèn mãi ngân vang gọi nắng lên, gọi cây rừng xanh tốt, gọi con chim rừng làm duyên, gọi cả một miền văn hóa thức dậy để gắn kết những tâm hồn, hòa quyện con người với thiên nhiên. Và những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của biết bao du khách mong được thưởng thức, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Mông khi đến với miền Tây Yên Bái.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương, nhất là bản sắc văn hóa khèn Mông vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Qua đó, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần xây dựng một môi trường giáo dục phát triển toàn diện.
Thời gian qua, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) xã Mồ Dề đã lồng ghép giáo dục văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Trong các tiết học, các em được truyền dạy văn hóa thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, thêu thổ cẩm... Qua đó, giúp các em học sinh hiểu và yêu quý những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Thầy giáo Phạm Minh Dũng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT- TH&THCS xã Mồ Dề cho biết: "Người Mông gọi tiếng khèn là Khềnh. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc Mông. Vì vậy, nhà trường đã mời phụ huynh hỗ trợ giảng dạy các kỹ năng thổi khèn và múa khèn cho các em học sinh”.
Hoạt động ngoại khoá tại trường đã trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh tích cực hơn khi tham gia học tập, rèn luyện kỹ năng sống nên đa phần học sinh đều cảm thấy tự hào và phấn khởi.
Em Giàng A Súa - học sinh lớp 9A1, Trường TH&THCS xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Khèn Mông là nhạc cụ em đã được tiếp xúc từ nhỏ. Khi được nhà trường dạy cách thổi và múa khèn, em đã hiểu rõ hơn trong múa khèn, nhất là cách quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc. Từ chỗ hiểu được văn hóa dân tộc mình, em càng thêm yêu loại nhạc cụ này”.
Cùng với các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trường PTDT nội trú THCS huyện Mù Cang Chải với trên 400 học sinh cũng đã chủ động đưa văn hóa khèn Mông vào các buổi học 2 lần/tuần từ năm học 2019 - 2020. Ban đầu, nhà trường phối hợp với Hội cha mẹ học sinh hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các em về văn hóa Mông, khèn Mông. Đến nay, việc sinh hoạt văn hóa dân tộc của học sinh trong nhà trường đã thành nếp, các nhóm học sinh thường xuyên tự tập, dạy nhau qua các thế hệ học trò.
Thầy Giàng A Của chia sẻ: "Nhằm từng bước xây dựng "Trường học du lịch” theo kế hoạch của huyện, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện để thu hút, tạo sự hứng thú và đam mê cho học sinh. Bên cạnh thành lập các câu lạc bộ, nhà trường còn chỉ đạo giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng các nội dung giảng dạy gắn với truyền thống, đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa tại địa phương. Sau khi học xong tiết 3 buổi chiều thứ 3, thứ 6 hàng tuần, nhà trường dành 1 tiếng, từ 4 đến 5 giờ đưa nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, múa gậy Sênh tiền, thêu may…, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Nhà trường cũng xác định giữ gìn bản sắc không chỉ một nhóm mà tổ chức cho toàn bộ học sinh để học sinh nào cũng hiểu rõ bản sắc dân tộc mình”.
Thầy Của mong muốn có sự quan tâm hơn nữa và sự chung tay của các nhà quản lý, các cấp, các ngành, địa phương và phụ huynh học sinh để truyền cảm hứng, nâng cao ý thức của các thế hệ học trò trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc bản địa.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mông, nhất là bản sắc văn hoá khèn Mông là việc làm rất ý nghĩa và thiết thực để lớp trẻ nói chung và học sinh trong các nhà trường nói riêng biết trân quý những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Qua đó, bồi đắp nhân cách sống, tình yêu và trách nhiệm đối với gia đình, quê hương, đất nước, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục phát triển toàn diện.
Bài: Hoài Văn - Minh Huyền - Thanh Chi
Ảnh: Thanh Miền - Hoài Văn - Minh Huyền - Thanh Chi
Đồ họa: Thành Trung