Nằm hiền hòa bên dòng suối Ngòi Nhì, Bản Hốc thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn từ lâu đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là điểm du lịch văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc. Bản Hốc đã được Bảo tàng tỉnh kết hợp với ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn khảo sát, xây dựng thành Khu bảo tồn văn hóa với đặc trưng của người Thái đen vùng Tây Bắc. Trong đó những điểm nhấn là nhà sàn cổ, lễ hội, trang phục, nhạc cụ dân gian, nghề truyền thống và suối khoáng nóng được khôi phục, bảo tồn. Du lịch Bản Hốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng nhớ của du khách trên hành trình du lịch Tây Bắc.
Ảnh minh họa |
Đến bản Hốc mùa nào cũng đẹp, nhưng ấn tượng và thú vị nhất có lẽ vẫn là dịp đầu xuân mới. Bản Hốc hiện ra với những nếp nhà sàn ẩn hiện giữa vườn cây trái xanh tốt, xen lẫn sắc thắm của hoa đào bung nở trong nắng xuân. Thấp thoáng bóng em gái Thái trong trang phục áo cỏm khăn piêu, má ửng hồng bên khung cửi. Thú vị hơn khi được ngâm mình và thư giãn trong làn nước của dòng suối khoáng và nghe truyền tích của dòng suối đầy kỳ bí này. Theo truyền thuyết, Ma Long Vương vốn là một con thuồng luồng của đất mường Bảnh, tính nóng như lửa, biết ngòi Nhì đoạn chảy qua Bản Hốc lắm cá, tôm nên nảy sinh lòng tham chiếm giữ.
Sau mấy ngày giao tranh dữ dội với Ma Long Vương ngòi Nhì, Ma Long Vương mường Bảnh thua trận, không kịp chạy về phải lặn sâu dưới đáy nước trốn biệt. Kể từ ấy, suối Nhì chảy qua Bản Hốc nước nóng rát, sủi tăm sùng sục suốt ngày đêm. Tương truyền, đó là hơi thở dữ dội của kẻ bại trận. Truyền tích khiến cho suối nước nóng Bản Hốc mang đậm màu sắc huyền hoặc, thần bí, cuốn hút du khách thập phương. Không chỉ vậy, khi đến với vùng đất này, du khách sẽ được khám phá nhiều nét đặc sắc của văn hóa Thái với múa xòe, múa sạp, múa nón... Buổi tối, bên bếp lửa nhà sàn, du khách được thưởng thức ẩm thực đặc biệt của người bản địa như: cơm lam, cá suối nướng, rêu đá xào hay bát canh rau rừng mát lành cùng chén rượu nồng nàn mà mỗi lần nâng chén gia chủ lại cất tiếng hát mời mê hoặc khiến du khách không thể chối từ. Về khuya, người già trong bản lại hát thiên tình sử bất hủ của người Thái đen "Tiễn dặn người yêu”, "Cô chị, cô em” hay kể chuyện ông Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, tướng quân Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nhân dân chống Pháp... đầy niềm tự hào với du khách thập phương.
Ở Bản Hốc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức khá thường xuyên. Cũng qua đó văn hóa truyền thống được các nghệ nhân lưu giữ và truyền dạy, gìn giữ. Bà Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh cho biết: "Việc phát triển du lịch cộng đồng không những tạo cho địa phương một vị thế mới mà còn mở ra hướng thoát nghèo và làm giàu cho người dân trong xã, giải quyết lao động nông nhàn của địa phương, đồng thời thúc đẩy các ngành nghề sản xuất truyền thống như thủ công mỹ nghệ phát triển. Để tiến tới xây dựng một điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách thập phương điều đầu tiên là mỗi người dân trong bản phải nâng cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh, môi trường cảnh quan trong lành, bên cạnh đó chúng tôi cũng đang hoàn thiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Bản Hốc ngày một hoàn thiện hơn để nơi này thực sự là một khu du lịch sinh thái lý tưởng”.
Về Bản Hốc, về với truyền tích xưa của một vùng đất đẹp, du khách chẳng những tìm được cho mình những giây phút thư thái trong bồn nước khoáng nóng hay những bãi "tắm tiên” thơ mộng mà còn được tận hưởng không gian một miền quê thanh bình, được say mèm trong chén rượu ngô thơm nồng, trong điệu khắp, điệu xòe xao xuyến... Chừng ấy, chắc có lẽ cũng đủ để thúc giục những bước chân tìm về Bản Hốc dịp đầu xuân mới này.
Thanh Tân