Mù Cang Chải - Sa Pa hợp tác phát triển du lịch: Biến di sản thành tài sản
Ngày xuất bản: 19/01/2024 8:39:00 SA
Lượt đọc: 675

 Trung tuần tháng 1/2024, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Thị ủy Sa Pa (Lào Cai) đã tổ chức Hội nghị định hướng hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc giai đoạn 2024 - 2028. Đây được xem là động thái quan trọng, là hướng đi mới của 2 địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhiều điểm tương đồng để thúc đẩy phát triển du lịch.

Lãnh đạo Thị ủy Sa Pa và Huyện ủy Mù Cang Chải ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn, giai đoạn 2024 – 2028

Mù Cang Chải hiện có 3 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ("Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải”, "Nghệ thuật trình diễn khèn Mông và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”; 1 Di tích lịch sử cấp quốc gia (Nơi thành lập đội du kích Khau Phạ); 1 Di tích quốc gia đặc biệt (danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải) và một Khu bảo tồn loài và sinh cảnh với tổng diện tích trên 21 nghìn ha.

Trong nhiều năm qua, huyện Mù Cang Chải được trong nước cũng như thế giới đánh giá là điểm đến hấp dẫn, mang sắc thái riêng biệt như: Đèo Khau Phạ không chỉ được mệnh danh  là "Tứ đại đỉnh đèo” có độ dài và quanh co bậc nhất miền Bắc, được đánh giá là 1 trong 4 điểm bay đẹp nhất cả nước và 1 trong 10 điểm bay đẹp nhất của thế giới; Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, được nhiều tạp chí du lịch thế giới, các trang web về du lịch như Seve Travel xếp hạng "là 1 trong 7 kỳ quan ruộng bậc thang hùng vĩ nhất thế giới”. 

Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Đến nay, huyện đã hoàn thành và công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 5 tiểu vùng dựa vào đặc trưng địa danh hành chính và tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, văn hóa. Tiểu vùng 1 là trung tâm thị trấn sẽ trở thành trung tâm đô thị, dịch vụ về kinh tế, xã hội, du lịch - môi trường. Tiểu vùng 2: Vùng  kinh tế năng lượng - dược liệu - thủy sản - nghỉ dưỡng hồ nằm phía Tây của huyện ( 3xã Lao Chải, Khao Mang và Hồ Bốn). Tiểu vùng 3: Vùng bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu và dự trữ sinh quyển; đặc biệt là Khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo nằm ở phía Nam. Tiểu vùng 4: Vùng trọng điểm phát triển du lịch mạo hiểm - nghỉ dưỡng, trung tâm đặt tại xã Nậm Khắt. Tiểu vùng  5: Vùng kinh tế nông - lâm nghiệp đặc sản của địa phương Mù Cang Chải, trung tâm đặt tại xã Nậm Có và xã Chế Cu Nha.

Cùng với đó, Mù Cang Chải đang tích cực triển khai Đề án xây dựng huyện trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 UBND tỉnh đã phê duyệt; tích cực thu hút các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng du lịch trên cơ sở triển khai một số công trình giao thông trọng điểm để thúc đẩy phát triển du lịch, liên kết vùng như tuyến đường kết nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai  (IC15); nâng cấp đường vành đai thị trấn Mù Cang Chải, tạo cảnh quan, không gian mở cho thị trấn về phía Nam nhằm thu hút phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ du lịch, hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ hai bên bờ suối Nậm Kim, trung tâm thị trấn huyện.

Hằng năm, huyện tổ chức 30 hoạt động văn hóa, lễ hội và 11 hoạt động thể dục thể thao mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc, đạc biệt là dân tộc Mông. Một điểm nhấn để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương là từ năm 2022, các huyện Bắc Yên, huyện Mường La (Sơn La), huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng chương trình liên kết, hợp tác phát triển vùng nhằm thúc đẩy 3 lợi thế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc của 5 địa phương có nhiều điểm tương đồng để cùng nhau đi xa hơn để thúc đẩy phát triển du lịch, không chỉ đơn thuần của một địa phương mà tạo liên kết tour, tuyến du lịch của các địa phương.

Việc phát triển, tạo ra các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương trên địa bàn huyện đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu, thị hiếu thu hút du khách như: du lịch cộng đồng - homestay (bản người Mông, bản người Thái); du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao mạo hiểm; các hợp tác xã, nghề truyền thống rèn, đúc, đan lát, thêu thổ cẩm...

Theo lãnh đạo huyện, điều quan trọng nhất là du lịch đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân vùng cao, vốn chỉ biết lao động sản xuất và bằng lòng với cuộc sống, chưa có khát vọng vươn lên. Du lịch đã làm thay đổi từ việc sắp xếp, thay đổi nếp ăn ở, sinh hoạt trong gia đình đến việc làm nhà ở khang trang hơn, đẹp hơn, bài trí trong nhà và cải tạo cảnh quan xung quanh xanh, sạch, đẹp, trước là để phục vụ gia đình, sau là thu hút khách du lịch.

Các xã địa bàn sở hữu di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha hay các địa phương có nhiều điểm chụp ảnh đẹp đều thành lập các đội xe ôm, các nhóm dịch vụ dẫn tour, các hoạt động văn hóa, ẩm thực tại các bản, không chỉ giải quyết việc làm theo mùa vụ mà còn nâng cao nhận thức cho nhân dân về cách làm du lịch vừa đem lại thu nhập cho người dân vừa giữ gìn được bản sắc.

Năm 2023, Mù Cang Chải thu hút gần  370 nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội để thu hút khách du lịch, người dân trên địa bàn đã biết mang các sản phẩm trưng bày, giới thiệu, trao đổi, tổ chức các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ... thu về lợi nhuận.  Riêng năm 2023, huyện Mù Cang Chải thu hút gần 370.000 lượt du khách trong nước và nước ngoài, doanh thu từ du lịch đạt gần 360 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc phát huy, tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện vẫn gặp nhiều hạn chế, nhất là chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn để tạo các chuỗi cung cấp dịch vụ cao cấp, hiện đại. Việc phát triển du lịch còn mang tính tự phát; số lượng, chất lượng các sản phẩm nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương phục vụ du lịch còn ít; chưa khai thác có hiệu quả các giá trị truyền thống văn hóa để xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc.

Để tháo gỡ nhưng khó khăn trên, cùng với việc phát huy có hiệu quả chương trình liên kết, hợp tác phát triển vùng với các huyện: Bắc Yên, Mường La (Sơn La), Văn Chấn, Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải tiếp tục mở rộng hợp tác với thị xã Sa Pa, địa danh du lịch nổi tiếng cả nước với đỉnh Fanssipan, mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương". Đây được xem là hướng đi mới trong phát triển du lịch của huyện vùng cao này.

Ông Phan Đăng Toàn - Bí thư Thị ủy Sa Pa cho biết: "Mù Cang Chải và Sa Pa có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt Mù Cang Chải có nhiều di sản, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong khi đó Sa Pa có tới 121 năm phát triển du lịch. Chính vì vậy, hợp tác phát triển du lịch của 2 địa phương là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về danh thắng, di sản, văn hóa bản địa, các sản phẩm du lịch. Đồng thời, bàn, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour, tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa hai địa phương; phát triển những sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn, điểm khác biệt gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc”.

Không những vậy, đối với huyện Mù Cang Chải, việc hợp tác với Sa Pa để phát triển du lịch chính là nhằm đào tạo nguồn nhân lực biết làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản, hấp dẫn, hiệu quả, bền vững. Lực lượng này là sứ giả, là cầu nối để kết nối phát triển du lịch không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế, giúp cho hoạt động của Hội Doanh nghiệp huyện Mù Cang Chải có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đây là hạt nhân quan trọng không chỉ tham gia tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương mà còn là cầu nối để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch của địa phương; giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm du lịch người dân trong huyện tạo ra.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên khẳng định: "Mù Cang Chải - Sa Pa sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, cùng phát triển và tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, góp phần tích cực quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp miền đất, con người và tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng các giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc trên hai địa bàn, đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch”.

Việc hợp tác với Sa Pa là hướng đi mới trong phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải, là giải pháp để "biến di sản thành tài sản”, đưa du lịch của địa phương vùng cao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "bản sắc, an toàn, thân thiện”.

Văn Tuấn

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/