Không có danh lam thắng cảnh, không có địa điểm du lịch thì phải làm thế nào để phát triển du lịch? Đó là vấn đề được thành phố Yên Bái hết sức quan tâm. Từ quan tâm đến quyết tâm, từ nhận thức đến hành động, thành phố Yên Bái đã nỗ lực tìm tòi, đổi mới để phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn.
Màn dân vũ “Như hoa mùa xuân” của người dân thành phố Yên Bái biểu diễn trong chương trình “Vũ điệu xuân” năm 2023. |
Với mong muốn tổ chức hoạt động để có sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch thật sự ấn tượng, thành phố xác định "Đêm hội trăng rằm” trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Năm 2022, đánh dấu một "Đêm hội trăng rằm” của thành phố vô cùng sôi động, thu hút 5.000 người dân và du khách tham gia.
Đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng sự kiện đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Đêm hội đã tạo ấn tượng sâu sắc với điểm nhấn độc đáo nhất là màn rước đèn của 15 đội thi xã, phường. Qua mỗi năm, "Đêm hội trăng rằm” ngày càng được chuẩn bị chu đáo hơn, tổ chức bài bản hơn, quy mô sâu rộng hơn.
Hoạt động của 2 tuyến phố đi bộ là Hào Gia, phường Đồng Tâm và Lý Đạo Thành, phường Nguyễn Thái Học đã có sự phối hợp với các phòng, ban, đơn vị của thành phố tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia vào dịp cuối tuần cũng như đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an ninh trật tự, mỹ quan, môi trường.
UBND phường Đồng Tâm, phường Nguyễn Thái Học chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ từng tháng, mỗi tháng xây dựng 1 - 2 chương trình trọng tâm; tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, nhóm Zalo, fanpage, trang thông tin điện tử của phường; tạo các điểm check-in ở 2 phố đi bộ thu hút nhân dân, du khách chụp ảnh lưu niệm.
Các hộ kinh doanh trên tuyến phố đi bộ chấp hành tốt nội quy, quy chế hoạt động và đã tạo mã QR, khuyến khích các hộ kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Phát huy giá trị các di tích lịch sử, thành phố đã khai thác chương trình du lịch gắn với tìm hiểu lịch sử tại Di tích lịch sử Lễ đài Sân vận động - nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Yên Bái ngày 25/9/1958; Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Yên Bái kết hợp hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí, ăn uống tại Trung tâm Thương mại Vincom.
Đồng thời, thành phố khai thác tour du lịch tâm linh: Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, Lễ đài Sân vận động, chùa Tùng Lâm (Ngọc Am), đền và chùa Linh Long, đền Tuần Quán, chùa và đền Rối… Đặc biệt, thành phố tổ chức thành công chương trình "Vũ điệu xuân” năm 2023, ra mắt các đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ quần chúng của 15 xã, phường và lấy mùng 6 tháng Giêng hằng năm là ngày hoạt động văn hóa quần chúng thường niên đầu xuân.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã giúp thành phố phục hồi mạnh mẽ hoạt động du lịch sau dịch Covid-19. Tiếp nối thắng lợi kết quả hoạt động du lịch năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Yên Bái đã đón 129.180/150.000 lượt du khách, bằng 86,12% kế hoạch năm với doanh thu đạt 112,27/135 tỷ đồng, bằng 83,16% kế hoạch năm.
Nguyễn Thơm