Nghệ thuật thêu hoa văn trên vải của người Dao đỏ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 25/11/2024 2:00:00 CH
Lượt đọc: 566

Người Dao Đỏ ở Yên Bái hay còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản. Cuộc sống chủ yếu là dựa vào núi rừng, tự cung tự cấp nên từ xa xưa họ đã biết trồng bông, dệt vải để làm ra quần áo để mặc. Để phân biệt người Dao đỏ với Dao Quần Chẹt, Dao Quần Trắng hay Dao Làn Tuyển chỉ cần dựa vào sự khác nhau trên các bộ trang phục của họ. Mỗi nhóm nghành Dao lại có bộ trang phục truyền thống mang màu sắc riêng gắn với lịch sử tồn tại của tộc người.

  Trang phục của người Dao Đỏ thường được làm cầu kỳ và sử dụng nhiều màu sắc hơn cả. Đàn ông  thường đội mũ nồi hoặc vấn khăn dài, áo chàm được may theo lối cổ khoanh bí, áo dài gần trùm mông, vạt áo may thẳng có cài khuy lộn dọc từ ngực xuống bụng, sau lưng áo có miếng vải hoa văn hình bùa chú. Quần của đàn ông là quần thụng vải đen, may kiểu chân què bổ đũng dài gần chạm cổ chân và cạp quần luồn dây rút bằng sợi vải hoặc sợi gai. Trang phục của nữ giới được tạo điểm nhấn bằng những gam màu đỏ của vải hoặc sợi trên nền vải đen và thường được may công phu gồm có các bộ phận: khăn, áo, thắt lưng, quần, xà cạp cùng đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay….. Để  tạo thành bộ y phục đẹp phải có vải đen làm nền để thêu hoa văn, chỉ thêu gồm 5 màu cơ bản: đỏ, trắng, đen, xanh, vàng, nhưng chủ yếu là màu đỏ. Người Dao Đỏ thích dùng mầu đỏ tươi rực rỡ để trang trí: khăn đỏ, ngực áo, cổ áo đỏ, khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ…

Người Dao đỏ rất giỏi thêu hoa trên trang phục. Ngoài những lúc đi nương rẫy cứ là phụ nữ không chỉ người già mà các bé gái trên tay lúc nào cũng có mảnh vải nhuộm chàm cùng với cây kim, sợi chỉ cùng nhau ngồi thêu, trao đổi với nhau về các mẫu hoa văn thêu và cùng nhau sáng tạo ra các hoa văn mới. Sản phẩm thêu hoa văn được cộng đồng sử dụng để may trang phục truyền thống. Các sản phẩm thêu đặc biệt với họ vì những sản phẩm này nó thể hiện được tính sáng tạo, khéo léo và nét văn hóa đặc trưng của tộc người. Những mẫu hoa văn sử dụng trong nghề thêu được cộng đồng lấy cảm hứng từ cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày hoặc các loại cây trồng, vật nuôi gắn với cuộc sống của họ.

Nghệ thuật thêu hoa văn trên vải của người Dao đỏ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (ảnh: Ngọc Chiến)

Chỉ thêu của người Dao đỏ sử dụng rất nhiều loại chỉ dùng để thêu các trang phục, chăn gối…Nhưng loại được sử dụng nhiều nhất là màu đỏ, màu vàng và màu đen, màu xanh. Trước đây chỉ thêu được làm bằng cách tách cây gai rồi se sợi nhuộm màu đen phơi. Nhưng sau này những loại chỉ này cũng được đồng bào lấy sợi tơ chỉ màu vàng nhuộm thành các chỉ màu. Sợi chỉ tơ vàng đồng bào mua từ ngoài chợ do người kinh lấy từ sợi tơ tằm mang lên bán.

Kỹ thuật thêu của họ cũng giống như những tộc người khác không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ còn phải sáng tạo trong từng mũi kim đường chỉ thêu. Trước đây họ dựa vào trí tưởng tượng và óc sáng tạo của mình để vẽ lên hình ảnh sống động từ cuộc sống rồi từ những sợi chỉ màu sắc họ đã thêu nên thành những mảng hoa văn trang trí với những kỹ thuật thêu đơn giản không cầu kỳ hay phức tạp. Người Dao đỏ không chỉ sử dụng kỹ thuật thêu của tộc người mình mà họ còn đòi hỏi và tích lũy thêm nhiều kỹ thuật thêu của một số tộc người khác. Họ có hai kỹ thuật thêu: thêu thô và thêu mịn. Thêu thô là cách thêu một sợi chỉ luồn lên, luồn xuống theo kiểu ô vuông, từ phải qua trái và lấy mặt trái, thêu mịn là kỹ thuật thêu bằng hai sợi chỉ bằng nhau, vắt chéo ngang. Khác với các dân tộc khác người Dao đỏ thêu từ trái sang phải nhưng lại lấy mặt trái. Đây là kĩ thuật thêu khá tỉ mỉ và công phu.

 Hoa văn trang trí trên trang phục, khăn quấn đầu, túi đeo, thắt lưng… là những hoa văn được cách điệu từ những loại cây, côn trùng hoặc những loài hoa mà họ nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày. Một số hoa văn tiêu biểu được thêu bằng cách thủ công của người Dao đỏ như: hoa văn chân hổ, hoa văn chân mèo chân chó, hoa văn cây thông, hoa văn hoa bạc…Trong mỗi khuôn hình, mặc dù có nhiều đường nét thêu hoa văn khác nhau song bao giờ cũng có một màu chính thường là màu đỏ để tạo nên gam màu chủ đạo cho cả mảng thêu. Phía ngoài người ta thường thiết kế những đường ngoằn nghèo hay đường kẻ thanh mảnh và phân tán hơn. Trên màu chàm đen, đồng bào thêu hoa văn bằng những màu chỉ rực rỡ, nên những đường viền này bị chìm lấp. Chính vì vậy ấn tượng về mảng hoa văn lại đẹp hơn.

Nghệ thuật thêu hoa văn trên vải của người Dao đỏ xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (ảnh: Ngọc Chiến)

Mỗi mảng thêu hoa văn đều tượng trưng cho một không gian tự nhiên khác nhau và sinh động về trời đất, cây cối, hoa lá, và con vật. Đặc biệt đây là lối tả thực về sinh vật gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Chính điều này đã tạo nên một phong cách rất riêng trong nghệ thuật thêu hoa văn trang trí trên y phục của đồng bào Dao đỏ nơi đây.

Ban biên tập

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/