Văn Yên nhiều giải pháp phát triển du lịch
Ngày xuất bản: 18/10/2022 5:01:00 SA
Lượt đọc: 26369

Mỗi năm, huyện Văn Yên thu hút khoảng 432.000 khách du lịch. Trong đó: khách lưu trú khoảng 147.000 người, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 185,5 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 1.900 lao động... Việc tập trung phát triển du lịch (PTDL) đã và đang được cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong huyện đặc biệt quan tâm.

Lễ hội Quế huyện Văn Yên đang dần trở thành một trong những thương hiệu của ngành du lịch và thương mại tỉnh Yên Bái. (Trong ảnh: Màn diễu diễn với sự tham gia của 555 nghệ nhân và diễn viên quần chúng các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Yên tại Lễ hội Quế huyện Văn Yên 2022).

Tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư

Để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như khai thác tối đa các điểm du lịch trên địa bàn, huyện Văn Yên đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch PTDL huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quy hoạch PTDL của tỉnh. Đồng thời rà soát, đề xuất bổ sung quy hoạch sử dụng đất phục vụ PTDL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ PTDL. 

Cụ thể, Công ty TNHH Nam dược Đại - Phú - An đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng khu nghỉ dưỡng 3 sao Đại - Phú - An tại tổ 10, thị trấn Mậu A; Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh đầu tư gần 800 triệu đồng về cơ sở hạ tầng khai thác dịch vụ tại thác nước Minh Khai; HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành tại xã Yên Hợp đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để PTDL Farmstay tại thôn Yên Hòa…

Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp phòng, buồng và các công trình phụ trợ khác phục vụ đón khách du lịch. Huyện cũng đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng tại các điểm du lịch. 

Đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa 1.200 m tuyến đường đến điểm du lịch Farmstay xã Yên Hợp; 45m đường giao thông đến điểm du lịch thác Minh Khai, xã Quang Minh; xây dựng điểm checkin tại thôn Ba Khuy, xã Nà Hẩu; Hệ thống các biển chỉ dẫn tại các điểm du lịch thuộc các xã Nà Hẩu, Quang Minh, Phong Dụ Thượng; vận động xã hội hóa trên 3 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp các hạng mục tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đông Cuông; hoàn thiện xây dựng kè sông Hồng tại Di tích lịch sử quốc gia đền Nhược Sơn bằng nguồn kinh phí của tỉnh gần 32 tỷ đồng. 

Cùng đó, UBND huyện còn ban hành phương án "Xây dựng điểm du lịch sinh thái - cộng đồng ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng”. 

Đồng thời nhất trí chủ trương cho phép Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Bealan; Công ty Phát triển du lịch xanh Minh Đức tiến hành khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án đầu tư khu du lịch sinh thái suối nước nóng tại thôn Cao Sơn, thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng...

Hiệu quả sản phẩm và chính sách hỗ trợ

Nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có gắn với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng vùng, từng địa phương để lại ấn tượng sâu đậm khi du khách đến tham quan, trải nghiệm, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, sản phẩm du lịch của các DN, HTX, tổ hợp tác… 

Đến nay, huyện đã vận động thành lập mới 2 tổ hợp tác du lịch là Tổ sản xuất và cung ứng đồ mã thôn Bến Đền, xã Đông Cuông; Tổ du lịch sinh thái - cộng đồng, thôn Minh Khai, xã Quang Minh. Đồng thời, xây dựng được sản phẩm du lịch "Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát, xã Nà Hẩu” đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; tư vấn, hỗ trợ Công ty Nam Dược Đại - Phú - An xây dựng mô hình du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe gắn với hội nghị, hội thảo đã được tỉnh công nhận là Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao; hỗ trợ HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành xây dựng và đưa vào khai thác mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn - Farmstay Yên Hợp; ban hành Phương án "Xây dựng điểm du lịch sinh thái - cộng đồng ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng”; quan tâm khai thác, phát huy các danh lam, thắng cảnh, di tích trên địa bàn huyện (cảnh đẹp, ruộng bậc thang, thác nước, hang động, suối nước nóng...) phục vụ PTDL. 

Ruộng bậc thang thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. (Ảnh: T.L)

Bên cạnh đó, các địa phương có điểm du lịch đã chú trọng phát triển các món ẩm thực đặc trưng của địa phương phục vụ du lịch như: cá tầm ở các xã: Nà Hẩu, Đại Sơn; cá mịt ở các xã: An Thịnh, Tân Hợp, thị trấn Mậu A; gạo Chiêm hương ở các xã: An Thịnh, Đại Phác, Yên Phú; gà đen, lợn cắp nách ở các xã: Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Ngòi A, Quang Minh; vịt cổ xanh ở các xã: Tân Hợp, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Yên Thái, Ngòi A, Quang Minh, Đông Cuông, Đông An; cá suối ở các xã: Tân Hợp, Yên Hợp, Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Quang Minh, An Bình, Đông Cuông, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng; ốc suối ở các xã: Tân Hợp, Nà Hẩu; canh thuốc người Dao, thịt lợn muối chua ở các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn; rượu men lá (VIS) ở xã Viễn Sơn; bánh tẻ ở các xã: Tân Hợp, Đông Cuông và bánh lẳng ở các xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Quang Minh, Ngòi A... 

Ngoài ra, các địa phương còn làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy, khai thác bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian truyền thống để phục vụ PTDL như: hát chầu văn, hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Tày các xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Ngòi A...; hát Páo Dung, múa rùa, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, lễ cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Ngòi A, Quang Minh...; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Phù Lá, xã Châu Quế Thượng; múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Mông, xã Nà Hẩu...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cùng với thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch, huyện Văn Yên còn đặc biệt chú trọng tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của địa phương… 

Theo đó, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Văn hóa xây dựng phóng sự quảng bá về các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, các sự kiện du lịch để phát sóng trên các phương tiện truyền thông của trung ương, của tỉnh, Facebook - Trang thông tin điện tử huyện; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN, HTX kinh doanh các dịch vụ du lịch, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện tham gia các hội chợ, các lễ hội, các chương trình xúc tiến du lịch do Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì… 

Huyện Văn Yên chú trọng mở các lớp tập huấn làm du lịch cộng đồng.

Cùng đó, UBND huyện còn chủ chuyển đổi số công tác quản lý, quảng bá phát triển du lịch như: phần mềm hỗ trợ quản lý lưu trú do ngành công an hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sổ sách, kế toán…; một số khách sạn, nhà hàng còn được đăng tải thông tin trên Website du lịch của tỉnh; một số DN, điểm du lịch đã bước đầu biết sử dụng các ứng dụng số để quảng bá du lịch như: xây dựng các video, clip đăng tải trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…); ứng dụng quét mã QR Code trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở lưu trú; xây dựng các Website, bước đầu đã có DN tiếp cận với ứng dụng công nghệ số VR360 để quảng bá du lịch…

Từ những lợi thế trên, huyện Văn Yên hiện đang sở hữu những địa điểm du lịch hấp dẫn, lý thú, hoang sơ và mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc như: thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo riêng, du lịch tâm linh… đã và đang thu hút, mời gọi du khách đến khám phá, tham quan, trải nghiệm. 

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/