Quảng bá du lịch Yên Bái bằng bản đồ du lịch Chibi
Ngày xuất bản: 18/12/2023 7:54:00 SA
Lượt đọc: 2218

 Một sản phẩm du lịch tiết kiệm thời gian và tiền bạc nhưng vẫn hiệu quả, cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực đến du khách "đến từng ý nghĩ" bằng hình ảnh, âm thanh thực tế. Đó là kết quả Dự án vừa ra mắt của nhóm bạn trẻ Đinh Thảo Linh - lớp 11D4 và Nguyễn Mai Hương - lớp 12D6, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái mang tên "Thiết kế bộ sản phẩm du lịch thông minh Chibi 4.0".

Nhóm tác giả thuyết trình về Dự án Thiết kế Bộ sản phẩm du lịch thông minh Chibi 4.0.

Qua khảo sát tại các điểm có hoạt động du lịch trên địa bản tỉnh Yên Bái như: Lau Camping Phình Hồ, Không gian văn hoá trà Suối Giàng, Suối khoáng nóng Trạm Tấu… thì  có tới 90% du khách gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về tour du lịch tại Yên Bái, phải nhờ tới sự trợ giúp từ rất nhiều kênh như: bạn bè, người thân tại Yên Bái, các công cụ tìm kiếm của Google; chỉ có 10% thuận lợi do có người thân đưa đi. 

Thông qua nhiều nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Instagram…, du khách có thể tìm kiếm được một số thông tin phục vụ cho chuyến hành trình của mình. Tuy nhiên, tìm kiếm qua các kênh thông tin thì nhiều mà lại không đầy đủ. do nhu cầu của khách du lịch không chỉ là những điểm đến mà cần thông tin đầy đủ của cả lộ trình như: khoảng cách từ điểm này đến điểm kia bao xa, dừng nghỉ ở đâu, ăn ở đâu đảm bảo, chơi ở đâu, trải nghiệm chỗ nào… theo ý thích từng đoàn đi. Thông tin từ các nền tảng mạng xã hội nhiều khi rất vụn vặt, không có tính logic và không đảm bảo nguồn tin chính thống.

Chính từ thực tế đó, nhóm tác giả Đinh Thảo Linh - lớp 11D4 và Nguyễn Mai Hương - lớp 12D6, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã nghiên cứu và  Dự án "Thiết kế Bộ sản phẩm du lịch thông minh: Chibi 4.0".  

Theo đó, bộ sản phẩm thông minh có một số điểm khác biệt nổi bật, sáng tạo so với các sản phẩm du lịch truyền thống và du lịch số hiện nay bao gồm: Bản đồ du lịch chibi (Bản đồ Chibi tổng thể và Bản đồ mini của điểm đến); Hướng dẫn viên ảo qua hình thức chibi, Thẻ card visits, Bộ sản phẩm định vị thương hiệu: banner, standee, các tờ rơi, tập gấp, ấn phẩm, móc khoá, các hastag Chibi cầm tay… \

 

Bản đồ du lịch Chibi đơn giản, dễ quan sát, được tích hợp hình ảnh thực tế sinh động qua mã QR-code.

So với bản đồ truyền thống, bản đồ du lịch Chibi là dạng bản đồ số, đơn giản, dễ quan sát, được tích hợp ảnh thực tế sinh động trên nền tảng số, hỗ trợ du khách tra cứu điểm đến theo phân vùng từng huyện một cách chi tiết bằng các thao tác số đa chiều. Đặc biệt, nếu sử dụng bản đồ mini của điểm đến, du khách sẽ nhận được sự hỗ trợ của hướng dẫn viên ảo qua công nghệ ảnh VR360, trí tuệ nhân tạo AI, cung cấp cho du khách cái nhìn tổng thể lịch trình tham gia, dễ dàng tìm kiếm thông tin lịch trình. 

Đối với sản phẩm Hướng dẫn viên ảo qua hình thức Chibi, nhóm tác giả nhận thấy để có thể hỗ trợ tốt nhất cho du khách cần mã hoá các tour (QR-code), thiết kế Hướng dẫn viên du lịch Chibi ảo là những cô gái Tày, Thái, Mông, Dao sinh động, bắt mắt để cung cấp thông tin cho du khách về các tour và điểm đến

Em Đinh Thảo Linh chia sẻ: "Dự án được chúng em thực hiện nghiên cứu từ tháng 2/2023 đến tháng 11/2023. Qua nghiên cứu và thực hiện, đến nay chúng em đã cơ bản hoàn thành bộ sản phẩm gồm: Bản đồ du lịch chibi, các thẻ của từng điểm đến, các loại tờ rơi, standee, hastag… Chúng em đã dùng các công cụ từ nền tảng số để thiết kế các sản phẩm: bản đồ du lịch tổng thể, bản đồ mini, tích hợp Chibi lên Google Map; thiết kế giao diện các thẻ du lịch card visit ứng dụng công nghệ ảnh VR360; thành lập fanpage dự án có tên miền "Dự án bản đồ du lịch Chibi” để chạy quảng cáo sản phẩm; lập gmail và kênh Youtube cho sản phẩm". 

"Cùng với đó, căn cứ các tour, tuyến, nền tảng công nghệ ảnh VR360 của Công ty Cổ phần công nghệ Joteck (Hà Nội), các công cụ Google dịch, Google Map, trí tuệ nhân tạo AI, nhóm xây dựng bản đồ du lịch Chibi, các tờ rơi, tờ gấp, các hastag… Qua đó, chúng em mong muốn hỗ trợ, cung cấp thông tin cho du khách tại các địa điểm du lịch khác nhau trên địa bàn tỉnh thông qua hình vẽ Chibi - hướng dẫn viên ảo với giọng đọc AI, từ đó khách du lịch có thể lập kế hoạch cho chuyến đi của mình với giá thành rẻ và hữu dụng nhất”, Linh cho biết thêm.

Nhóm tác giả đã tiến hành thử nghiệm tại các điểm du lịch của tỉnh Yên Bái.

Từ bộ sản phẩm trên, nhóm đã tiến hành thử nghiệm tại các đợt xúc tiến du lịch của tỉnh Yên Bái tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ cũng như tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và đã nhận được phản hồi tích cực của khách du lịch. 

Em Nguyễn Mai Hương cho biết: "Đối tượng mà chúng em hướng tới không chỉ là khách du lịch mà còn dành cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở kinh doanh du lịch và một số sản phẩm truyền thông của Dự án. Hiện nay mỗi sản phẩm bản đồ và thiết kế banner du lịch cho khu điểm mất trung bình 10 triệu đồng/sản phẩm; mỗi khu, điểm cần 60 triệu đồng cho 1 bộ ảnh VR360; các sản phẩm khác mất khoảng 20 triệu đồng. Nếu dự án thành công, chắc chắn vừa đem lại hiệu quả về kinh tế vừa góp phần quảng bá và lan toả hình ảnh của Yên Bái đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế”. 

Theo nhóm tác giả, danh mục sản phẩm đầu ra của Dự án là bộ sản phẩm dành cho quản lý nhà nước bao gồm 4 sản phẩm: Bản đồ du lịch tổng thể, Thiết kế giao diện thẻ VR360, Thiết kế 15 chương trình du lịch nội tỉnh định dạng mã Qrcode (sản phẩm cho phép khách hàng tìm kiếm và lựa chọn phù hợp lứa tuổi, sở thích, cảm xúc và thời gian, có đường dẫn hỗ trợ thông tin từ Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh) và "Nàng Ả, Nàng Ban” – Chị em hướng dẫn viên Chibi Yên Bái (Nàng Ả mang mã Qrcode VR360 của tỉnh Yên Bái, Nàng Ban mang mã Qrcode toàn bộ thông tin du lịch của tỉnh Yên Bái). Hiện nhóm tác giả đã đã hỗ trợ và dành tặng 100% thiết kế sản phẩm cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

 

Hình ảnh hướng dẫn viên ảo Chibi với mã QR-code cung cấp đầy đủ thông tin cho khách du lịch.

Bộ sản phẩm dành cho các cơ sở kinh doanh du lịch bao gồm 09 sản phẩm đóng gói bộ nhận diện thương hiệu như: Thiết kế hướng dẫn viên ảo, Bản đồ mini dành cho điểm đến, Thiết kế các thẻ card visit của từng điểm đến, Tích hợp Chibi đính QR code lên Google Map, Banner tóm tắt tour có mã Q QR code tour chi tiết, Các hastag chibi cầm tay, Hastag, tờ rơi, tờ gấp các bản đồ Chibi và các sản phẩm của dự án, các sản phẩm quà tặng Chibi dành tặng khách du lịch…

Cô Bùi Thị Hoa - Giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: "Sau khi nghe ý tưởng của hai em học sinh, tôi nhận thấy đây là ý tưởng rất mới mẻ và có tính khả thi cao khi hiện nay, du lịch Yên Bái đang được nhiều du khách quan tâm và đặc biệt là ý tưởng đã bắt kịp xu thế của tỉnh về phát triển công nghệ số và chuyển đổi số. 

Trong quá trình thực hiện, các em cũng đã rất nhạy bén, sáng tạo, gặp khó khăn không nản chí. Nếu dự án được triển khai thành công, nhân rộng thì sẽ tiết kiệm ít nhất 50% chi phí truyền thông, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng dân cư phát triển du lịch cộng đồng có thể tham gia trực tiếp vào dự án từ việc update các khu vực xung quanh khu, điểm "đích đến", tạo mạng lưới dịch vụ du lịch kết nối rộng rãi, chia sẻ chi phí, tăng lượng khách và doanh thu”.

Với công nghệ chuyển đổi số, công nghệ AI, nhóm tác giả tin rằng, trong thời gian tới, Dự án Thiết kế bộ sản phẩm du lịch thông minh Chibi 4.0 có thể tạo dấu ấn riêng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, qua đó góp phần quảng bá, lan toả hình ảnh mảnh đất và con người Yên Bái tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế, xây dựng "thương hiệu” điểm đến "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Thu Trang

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/