Tết Síp Xí của người Thái Mường Lò
Ngày xuất bản: 20/08/2021 4:30:00 CH
Lượt đọc: 41349

Vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ là nơi đồng bào dân tộc Thái sinh sống bao đời nay. Người Thái nơi đây hiện còn giữ được nhiều những phong tục tập quán độc đáo trong ngày Tết Síp Xí.

Tết Síp xí là tết cổ truyền được tổ chức vào ngày 14/7 âm lịch hàng năm (tiếng Thái “Síp xí” có nghĩa là mười bốn). Đây được coi là ngày Tết quan trọng nhất trong năm của người Thái sau tết Nguyên Đán.Để chuẩn bị cho ngày này, các hộ gia đình người Thái ở Nghĩa Lộ đã tổ chức dọn dẹp nhà cửa, mua sắm các vật dụng cần thiết để làm bánh, đồ xôi, cơm cúng thần linh tổ tiên và mời anh em họ hàng đến cùng ăn tết.

Trong ngày Tết, từ sáng sớm các bà các mẹ đã háo hức chuẩn bị nguyên liệu làm bánh Síp Xí. Đây là loại bánh quan trọng nhất trong dịp Tết này, được làm từ bột gạo nếp, có nhân làm từ đỗ xanh và thịt băm nhỏ với lạc. Người Thái gói hai chiếc bánh Síp Xí trên một tàu lá chuối lấy trên rừng sau đó xoắn hai chiếc vào với nhau, dùng một dây lạt buộc ở hai đầu và đồ chín.Chiếc bánh bóc ra có màu trắng đục, nhân đỗ xanh, thịt băm, lạc nhân quện với nhau thơm lừng, khi ăn có một vị đậm đà rất khó quên. Đây còn là loại bánh để dùng trong lễ cúng ma nhà, cúng tổ tiên, cúng ruộng đồng, cúng ma trâu cũng như làm quà cho bạn bè. Sở dĩ bánh được buộc với nhau để tượng trưng cho sự đoàn kết của anh em nói riêng và dân tộc nói chung. Tết của người Thái là tượng trưng cho sự đoàn kết...

Thịt vịt là món ăn chính trong Tết Síp Xí, theo quan niệm của người dân là tổng kết một vụ mùa, cầu xin cho con trâu được khỏe mạnh, cây lúa được tốt tươi, người người được hạnh phúc. Do đó gia đình nào cũng mổ một vài con vịt trong dịp tết để "phá xúi" xua tan đi những điều đen đủi, không may mắn trong cuộc sống. Rượu, thịt, cá và các món ăn được đồng bào chuẩn bị khá chu đáo để thiết đãi bạn bè, khách khứa trong dịp tết này.

Ba lễ cúng không thể thiếu trong tết Síp xí là lễ cúng tổ tiên, lễ cúng họ ngoại và lễ cúng thần linh thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với các bậc thần linh và những người đã có công khai ấp, lập bản, lập mường; biết ơn các đấng sinh thành và cầu mong cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, hòa thuận, biết bảo ban nhau làm ăn phát triển kinh tế.  Bắt đầu bước vào tết Síp Xí là lễ cúng tổ tiên (co lo hoóng) của gia chủ. Chủ nhà cúng khấn mời tổ tiên, các ma nhà về dự tết chung vui cùng con cháu. Lễ cúng này được diễn ra ngay tại gian thờ "co lo hoóng", bao gồm xôi ngũ sắc, bánh Síp xí và một thủ lợn.Sau những nghi lễ trang trọng của ngày tết Síp xí là phần hội. Người Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò vẫn duy trì được ngày tết truyền thống Síp xí với các nghi lễ và trò chơi dân gian ý nghĩa đặc sắc.

Đời sống gắn liền với cây lúa nên vào ngày Tết, những gia đình người Thái còn làm lễ cúng ruộng “Tam tế na”. Mâm cúng xôi và thịt vịt đặt ngang đầu ruộng của gia đình. Thầy cúng ngồi trước thửa ruộng cầu xin ma bản, ma làng, tổ tiên thần thánh về phù hộ và chăm sóc cho cây lúa của gia đình không bị con sâu, con thú về phá hoại, cho lúa lên nhanh, hạt to, chắc, mẩy. Cúng xong, lễ vật sẽ được thả xuống ruộng như lời minh chứng về sự cầu xin thành khẩn của gia chủ trong ngày Tết. Cùng với lễ cúng ruộng “Tam tế na” là lễ cúng vía trâu. Người Thái coi con trâu là "đầu cơ nghiệp”, là nguồn sức kéo chính trong cày ải đất để làm ruộng. Vì vậy, con trâu là tài sản lớn nhất, là con vật thân thiết với mọi người trong gia đình, được chăn dắt, chăm sóc hàng ngày. Lễ cúng vía trâu được tiến hành ở dưới gầm sàn. Ông mo hoặc bà mo sẽ cúng cầu mong con trâu của gia chủ luôn khỏe mạnh để làm tốt việc đồng áng. Sau lễ cúng vía, con trâu sẽ được gia chủ cho ăn những bó cỏ lau non ngon nhất, còn thịt gà, bánh và xôi sẽ được chia cho trẻ con chăn dắt trâu trong gia đình coi đây như một phần thưởng cho người chăn trâu hàng ngày

Kết thúc tết síp xí cổ truyền, tất cả mọi người trong thôn bản cùng tham gia vào lễ xòe then. Qua điệu múa, bà Then cầu xin cho dân làng trong bản, trong mường sang một năm mới có nhiều điều tốt đẹp, cho con người luôn khoẻ mạnh, no ấm, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt. Ngoài ra thông qua những điệu múa then, người Thái còn cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu. Các động tác múa dứt khoát, khoan thai, uyển chuyển, mang tính ước lệ; thể hiện mô phỏng các thao tác lao động sản xuất, từ việc cày cấy, thu hoạch, chăn nuôi, chăm sóc tạo nên các sản phẩm có mặt trong mâm lễ vật dâng cúng. Những điệu múa tuy đơn giản nhưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang tính cộng đồng cao, vun đắp tình đoàn kết trong bản, trong mường.

Tết Síp Xí là sự tích hợp nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa cổ truyền mà người dân nơi đây đã gìn giữ được từ đời này qua đời khác. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Thái, thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó và lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ và là sự gắn kết trong cộng đồng./.

Một số hình ảnh trong ngày tết Síp Xí của người Thái Mường Lò :

Lễ cúng co lo hoóng được thực hiện bởi người đàn ông. Nguồn : internet

" Xe Then " - Xòe Then trong tết Síp Xí của đồng bào Thái Đen Mường Lò. Nguồn : internet

Bánh đôi hay còn gọi là bánh vợ chồng không thể thiếu trong những ngày tết Síp Xí. Nguồn : internet

Trò chơi cướp cờ của trẻ con trong lễ hội Síp Xí. Nguồn : internet

 

Chiến Trần

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/