Nghề rèn của người Mông xã Suối Giàng
Ngày xuất bản: 10/06/2021 10:37:00 SA
Lượt đọc: 33010

Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông xã Suối Giàng , huyện Văn Chấn có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, cha truyền con nối. Trước kia, do nhu cầu cuộc sống tự cung tự cấp, tự canh tác hái lượm của đồng bào cần có dụng cụphục vụ cho lao động, sản xuất và phục vụ nhu cầu giải trí nên nghề rèn phát triển rộng trong khắp xã Suối Giàng. Các sản phẩm được tạo ra từ nghề rèn của người Mông, xã Suối Giàng gồm:bộ dao, liềm, (lâu pàng kênh) cuốc nhỏ, (túaplau) xẻng, búa, rìu, súng, lưỡi cày và những nhạc cụ như khèn môi, sáo lưỡi gà...

Nghề rèn thủ công truyền thống của đồng bào Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay người thợ để tạo nên những sản phẩm tinh xảo phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con, thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng, mang đậm bản sắc dân tộc của người Mông.

Để làm được các sản phẩm, người Mông phải có các công cụ của nghề rèn, chuẩn bị thật kỹ mọi công đoạn. Lò rèn là một trong những công cụ quan trọng của nghề rèn. Một số nơi lò rèn của người Mông được đắp bằng đất nhưng để cho cơ động,  lò rèn của đồng bào Mông ở Suối Giàng được làm trên một khung bằng gỗ. Khung làm lò hình chữ nhật dài khoảng 2m rộng 1m, bốn chân của khung được đóng bằng bốn khúc gỗ vuông cao khoảng 1m. Đáy lò được đắp vũng xuống ở dưới đáy và có một lỗ nhỏ để hứng khi nung thép chảy ra làm các sản phẩm đúc. Ngoài lò rèn thì bễ thổi gió, than dùng để đốt lò, búa, đe, kìm, đá mài….là những dụng cụ không thể thiếu của nghề rèn.Để tạo ra một sản phẩm rèn tốt, tinh xảo và có chất lượng cao thì mỗi lò rèn đều có bí quyết gia truyền riêng của gia đình từ khâu chọn nguyên liệu, tạo hình, đốt lò, kéo bễ, nung nguyên liệu, quai búa đến tôi sản phẩm…

Nghề rèn truyền thống của người Mông Suối Giàng cần được giữ gìn, phát huy. Ảnh : nguồn Internet

 

Về nguyên liệu, để chế tạo các loại dao, đồng bào thường chọn thép mà phải là thép nhíp xe bởi nhíp xe có độ cứng làm dao mới tốt; sắt để rèn các loại cuốc, xẻng và dụng cụ lao động. Để tạo hình sản phẩm theo mong muốn đồng bào dùng kéo cắt đối với các nguyên liệu như sắt mỏng, đối với thép và sắt dày thì dùng đục, búa đục theo khuôn mẫu sản phẩm. Sau khi tạo hình xong, đến bước đốt lò và kéo bễ để nung nguyên liệu. Đồng bào đổ than củi vào lò và nhóm lửa đốt. Đốt lò để đến độ lửa nhất định tùy vào các sản phẩm khác nhau. Trong quá trình kéo bễ, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, cẩn thận, phải kéo đều không để lửa tắt bởi nếu để nhiệt độ hạ xuống khi nung chất lượng sản phẩm sẽ không đảm bảo. Tiếp đến là bước nung nguyên liệu, theo kinh nghiệm của đồng bào để hàn hay nung chảy sắt, thép để làm đạn ghém, cuốc, dao thì nhiệt phải lên đến 5000C, các vật liệu là đồng, thiếc, bạc chỉ cần 3000C.

Quai búa cũng là bước quan trọng trong các bước đòi hỏi người thợ chế tác phải có kinh nghiệm khi nào cần quai mạnh khi nào cần quai nhẹ. Khi quai xong sản phẩm,  đồng bào bắt đầu vào bước tôi sản phẩm, chủ yếu dùng nước pha đất và chuối. Các sản phẩm tôi bằng nước pha đất đỏ như: dao chặt, dao thái, dao nhọn, dao phát. Theo đồng bào tôi bằng nước pha đất sẽ giúp cho sản phẩm sắc hơn, tốt hơn, không bị sứt mẻ. Khi tôi xong phần lưỡi thì tiếp tục tôi phần tay cầm, chủ yếu các sản phẩm có tay cầm là dao, cuốc, xẻng có lỗ tra cán. Việc chế tay cầm cũng khá công phu cần nhiều sức và sự khéo léo để tạo ra được tay cầm ưng ý. Khi các sản phẩm đã tôi xong hoàn chỉnh, đồng bào thực hiện bước cuối cùng là mài. Quá trình mài phải kéo xuôi và ghì chặt gáy sản phẩm để không mòn lưỡi. Khi mài sản phẩm đến mực tay hơi gợn là sản phẩm đã hoàn thiện.

Nghề rèn thủ công truyền thống của đồng bào Mông đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của bàn tay và sự kiên trì của người thợ. Với các sản phẩm làm ra, nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống lao động sản xuất, mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của người Mông vùng cao nói chung, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn nói riêng./.

Bùi Kiểm

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/