Mở ra bước ngoặt mới cho du lịch
Ngày xuất bản: 16/01/2022 5:38:00 CH
Lượt đọc: 40066

Trong ngày đầu năm mới 2022, nhiều địa phương trên cả nước đã đón hàng nghìn khách du lịch nội địa tới xông đất. Dù số lượng khách còn khiêm tốn so với trước đây nhưng nó mang đến nhiều hy vọng để du lịch phục hồi.

Du lịch nội địa - hướng khai thác chủ đạo

Mặc dù chưa năm nào trong dịp Tết Dương lịch, du lịch Việt Nam lại đón lượng khách ít như năm nay, nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành, đây vẫn là một khởi đầu tốt khi gần một năm qua phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Theo thống kê sơ bộ, năm 2021, Việt Nam đã đón 3.500 du khách theo chương trình thí điểm.

Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) trong 3 ngày đầu năm đón khoảng 60.000 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có khoảng 1.000 khách quốc tế du lịch theo chương trình "hộ chiếu vaccine". Nha Trang, Đà Lạt cũng đã đón hàng chục nghìn du khách trong nước. Còn Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), chỉ tính riêng trong ngày đầu năm 2022 đã đón gần 1.600 lượt khách tham quan, lưu trú và trải nghiệm thủy phi cơ.

Tại Lào Cai, hoạt động du lịch cũng sôi động trở lại khi lượng khách nội địa đã tăng nhanh trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ 1 đến 3/1/2022, công suất bình quân phòng nghỉ ước đạt khoảng 40%. Tổng lượt khách đến Lào Cai trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 ước đạt trên 30.000 lượt.

Nhiều chính sách kích cầu du lịch được các địa phương tích cực triển khai.

Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Bến Tre và Long An là hai tỉnh mở cửa du lịch nội địa sớm nhất (từ giữa tháng 11/2021) và đang đón khách với đầy đủ dịch vụ. Điểm đến thu hút du khách nhất ở Long An hiện là khu du lịch "Cánh đồng bất tận" với rừng tràm gió nguyên sinh, khu trồng dược liệu, cho du khách trải nghiệm liệu pháp "tắm rừng"... Khu du lịch quốc gia Núi Sam ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang (điểm đến tâm linh hấp dẫn nhất đồng bằng sông Cửu Long) mở cửa từ ngày 1/1. Du khách có thể tham quan các di tích, thắng cảnh như: Miếu Bà Chúa xứ, Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang... Tại Đồng Tháp, nhiều nơi trong làng hoa Sa Đéc đã mở cửa trở lại từ cuối tháng 12/2021. Dịp Tết Dương lịch 2022, toàn tỉnh đón gần 27.000 lượt khách tới tham quan các vườn quýt hồng ở ba xã Long Hậu, Tân Thành và Hòa Thành, huyện Lai Vung.

Hầu hết các điểm đến được đảm bảo về phòng chống dịch COVID-19, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hướng tới phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa.

Thực hiện chương trình trên, hàng loạt các địa phương đã tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn. Nhiều trọng điểm du lịch trên cả nước đã triển khai các chương trình ký kết, liên kết hợp tác, như: Liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch An Giang - Hà Nội; Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố; Liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - Bình Định; Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng hình thành cụm liên kết du lịch phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

Với vai trò là tỉnh được chọn làm thí điểm đón khách quốc tế trở lại, Kiên Giang thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên đảo Phú Quốc. Đến nay, hệ thống giao thông trên đảo được nhựa hóa, bê tông hóa. Nhiều công trình lớn đã đưa vào sử dụng như cảng biển quốc tế An Thới, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Dự án điện cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, dự án cảng tàu biển hành khách quốc tế...

Nhiều chính sách kích cầu du lịch được các địa phương tích cực triển khai. Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh đã giảm 50% phí tham quan lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu Di tích - danh thắng Yên Tử từ 1/1 đến 30/6/2022... Qua đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã có những khởi sắc. Chỉ riêng trong tháng 12/2021 và những ngày đầu năm mới, Kiên Giang đón gần nửa triệu du khách, trong đó có 3.296 khách quốc tế. Hà Nội cũng đón trên 4 triệu lượt khách nội địa, Đà Nẵng đón trên 1,1 triệu lượt, Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt, Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt, Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt, Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…

Liên kết để phát triển

Tuy năm 2021 là một năm đầy khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của World Travel Awards. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, việc giành giải thưởng World Travel Awards (được coi là Oscar trong ngành du lịch) sẽ là cú hích và động lực rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam, trong bối cảnh khi du lịch toàn cầu mở cửa trở lại. Việc Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế đã "mở ra bước ngoặt mới" cho ngành du lịch. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đón khách từ nhiều thị trường khác nhau, như Hàn Quốc, Dubai (UAE), Singapore, Malaysia, Uzbekistan, Nga...

Để đón khách quốc tế trở lại, ngành du lịch Việt Nam đã đưa ra nhiều lộ trình "mở cửa" an toàn. Tháng 11/2021, Việt Nam chính thức đón khách du lịch quốc tế trở lại theo chương trình thí điểm. Với sự kiện này, Việt Nam đã bắt kịp các điểm đến trong khu vực trong việc mở cửa đón khách quốc tế và thu hút sự quan tâm lớn của thế giới. Dự kiến tháng 1/2022, hàng chục chuyến bay chở khách quốc tế sẽ tới các điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều đoàn khách bị hoãn vào cuối năm 2021 sẽ lên lịch trở lại Việt Nam vào quý I/2022.

Dịch COVID-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch nhưng lại gián tiếp tạo nên các xu hướng du lịch mới cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để hỗ trợ phát triển và khai thông luồng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai giấy phép, chứng nhận tiêm vaccine, hộ chiếu vaccine. Đây là chìa khóa để mở cửa ngành du lịch trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế được đi lại thuận tiện hơn trong đại dịch.

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế

Dự báo, năm 2022, hoạt động du lịch được dự báo tiếp tục gặp khó khăn vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo. Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có "hộ chiếu vaccine", tổng thu từ du lịch năm 2022 dự kiến đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.

Dự kiến, trong quý 1/2022, du khách có thể tham gia trải nghiệm lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, lễ hội đờn ca tài tử Quốc gia năm 2022, lễ khánh thành Ðền Hùng, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Cần Thơ, lễ hội Oóc Om Bok - Ðua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ 5 khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Nguồn : toquoc.vn

 

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/