Thu sang, theo heo may và hương sen mà tìm về Vân Hội, ngỡ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Đến ngay cả người dân bao đời gắn bó với mảnh đất này cũng chẳng thể mường tượng ra được, có một ngày xã Vân Hội lại trở thành điểm du lịch đẹp và hấp dẫn của tỉnh Yên Bái.
Du khách được hòa mình vào thung lũng hoa túy điệp rực rỡ sắc màu ở ven hồ Vân Hội.
Vân Hội là nơi ghi dấu tích lịch sử cách mạng Chiến khu Vần - căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Cái tên Vân Hội gợi về một vùng đất huyền bí, là nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của đất trời mà thác Quẽ, Ao Xanh và đầm Vân Hội được xem là kỳ quan được thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Sẽ có cảm giác choáng ngợp khi thưởng ngoạn đầm Vân Hội trên con thuyền máy tự chế của ngư dân sống bằng nghề chài lưới mưu sinh trên đầm nước lớn này.
Đầm Vân Hội có diện tích mặt nước lên tới 410 ha với trên 40 đảo lớn, nhỏ, nhận nguồn sinh thủy từ các dòng suối lớn như: Ngòi Vần, ngòi Lĩnh, ngòi Chanh, ngòi Hạ..., dồn nước từ các khu rừng già về, tạo thành một vùng non nước kỳ vĩ.
Vài năm trở lại đây, người dân Vân Hội khai thác du lịch sinh thái tại đầm nước lớn này mà sen quê Vân Hội là sản phẩm du lịch đặc trưng độc, lạ, thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Yên Bái nhiều thêm mỗi mùa.
Bí thư Đảng ủy xã Vân Hội Trần Đình Kiên cho biết: "Mùa du lịch năm nay, địa phương đón khoảng trên 16 nghìn lượt khách. Du lịch sinh thái đang mở ra hướng phát triển kinh tế, khai thác giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng du lịch sinh thái địa phương”.
Ngồi nhâm nhi chén trà với ông chủ Sen Vân Hội - Văn Hằng trên chòi nổi bên hồ, ngắm các chị, các em gái thướt tha khoe dáng trong tà áo dài dân tộc hay e ấp trong nếp áo yếm xửa xưa, cảm giác thật thư thái.
Anh Đặng Ngọc Văn bảo: "Nhà mình có gần 1 mẫu sen. Làm sen năm đầu nên vợ chồng chưa có nhiều kinh nghiệm. Cứ vừa làm vừa tìm hiểu nhu cầu của khách, học hỏi thêm rồi đầu tư dần dần. Năm nay, chi phí cho việc đầu tư làm chòi bãi khá tốn kém, khoảng trên 100 triệu đồng nên dự tính làm thêm 4 - 5 nhà chòi và mở rộng diện tích trồng sen, hoa ven hồ sẽ đầu tư làm dần để đón khách trong mùa du lịch năm sau. Thuận lợi là vào mùa du lịch năm nay không xảy ra ngập úng, sen đẹp, lượng khách đến khá đều trong các tháng nên cũng thu về được phần ba vốn.
Đáp ứng nhu cầu thăm quan của khách, gia đình đã đầu tư 2 thuyền máy lớn và 1 thuyền máy loại nhỏ để phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn trên hồ. Cùng với đó là các dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với những sản phẩm nổi tiếng của địa phương như gà bản địa, cá, ốc nhồi đầm Vân Hội…”.
Du lịch Vân Hội, mà bước đầu là khai thác cảnh quan sinh thái tự nhiên trên Đầm Vân Hội cũng như các di tích lịch sử, danh thắng địa phương được huyện Trấn Yên xác định là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện người dân đầu tư khai thác. Cũng vì lẽ đó mà những nông dân thuần túy quanh năm bốn mùa kiếm sống trên đầm Vân Hội như vợ chồng anh Văn Hằng đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm.
Ở Vân Hội hiện đã có gần chục hộ đầu tư khai thác cảnh quan thiên nhiên đầm để trồng sen, trồng hoa kết hợp làm du lịch sinh thái. Kết hợp giữa sen đầm với những đồi hoa bất tận ven hồ để làm nên sản phẩm du lịch độc đáo của gia đình, hộ anh Vượng ở Vân Hội đã thu hút được lượng khách lớn đến với điểm du lịch mang tên Thung lũng hoa ven hồ. Khách đến đây được thưởng sen, làm đẹp cùng sen, được chiêm ngưỡng và hòa mình vào không gian rực rỡ sắc màu của thung lũng hoa, với đầy đủ các dịch vụ từ chụp ảnh đến ăn uống, vui chơi.
Không giống với sen chỉ có thể khai thác làm du lịch theo mùa, 4 mùa trong năm là những mùa hoa rực rỡ nở ở Thung lũng hoa ven hồ. Sen cuối vụ cũng là lúc vợ chồng anh Vượng thuê hàng chục nhân công người bản địa làm đất, lên luống để gieo trồng vụ hoa mới.
Thu sang, cũng là lúc túy điệp và các loại hoa cúc ở thung lũng hoa ven hồ thỏa sức khoe sắc. Theo ông Vượng, từ cuối tháng 8 âm lịch trở đi là các đồi hoa sẽ rực rỡ sắc màu, đủ đẹp để chiều lòng khách và làm nên những nét riêng độc đáo của sản phẩm du lịch đất Chiến khu...
Những người làm du lịch ở Vân Hội đều hiểu, để phát triển được thì các hộ nhất thiết phải liên kết cũng như kết nối các tour, tuyến du lịch sinh thái trên hồ, du lịch tâm linh gắn với khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích như: Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), Đền Mẫu Đông Cuông (Yên Bái)...
Yên Bái với lợi thế nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cũng là địa phương có thuận lợi để kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của các tỉnh như Đền Hùng (Phú Thọ), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu huyện Kim Bôi (Hòa Bình), hồ Pá Khoang (Điện Biên), Mai Châu - Hòa Bình), hang Tiên Sơn, đèo Ô Quý Hồ - Lai Châu, đèo Pha Đin - Sơn La.
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh chủ trương tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để khai thác mạnh về lĩnh vực du lịch dịch vụ; chủ động, tích cực triển khai, mở rộng các hoạt động hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc, nhằm liên kết các sản phẩm du lịch, tạo nên những hành trình xuyên suốt và chuỗi dịch vụ gắn kết: Chương trình du lịch tâm linh dọc dông Hồng; Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang Tây Bắc; sắc hoa Tây Bắc..., tạo thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của 8 tỉnh.
Nguồn : baoyenbai.com.vn