Mù Cang Chải sẵn sàng Festival Khèn Mông 2023
Ngày xuất bản: 22/12/2023 8:41:00 SA
Lượt đọc: 3319

 Những ngày này, ở khắp các bản làng vùng cao xa xôi của huyện Mù Cang Chải đều thắm sắc hồng của hoa Tớ dày cùng những nụ cười rạng rỡ của đồng bào các dân tộc trong niềm vui hân hoan chào đón sự kiện mang ý nghĩa quan trọng sẽ diễn ra vào ngày 23/1. Đó là Festival khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023.

Nghệ thuật Khèn của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.

Cơ sở lưu trú sẵn sàng đón khách

Chỉ còn hai ngày nữa, Festival khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023 sẽ chính thức khai mạc. Thời điểm này, cùng với các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện lớn của địa phương, các cơ sở lưu trú, homestay trên địa bàn huyện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sẵn sàng đón du khách gần xa. 

Ông Lường Văn Sanh - chủ Homestay Sanh Nhơn ở tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của du khách khi đến tham dự Festival khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023, gia đình tôi đã chỉnh trang lại nhà cửa, khuôn viên, phòng nghỉ, sẵn sàng đón du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị thực đơn các bữa ăn phong phú, mang nét đặc trưng riêng của đồng bào Mù Cang Chải sẵn sàng phục vụ du khách”. 

Các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để đón du khách.

Toàn huyện Mù Cang Chải hiện có trên 100 cơ sở lưu trú đã được cấp phép đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các homestay tập trung chủ yếu ở thị trấn Mù Cang Chải. Để đón tiếp du khách chu đáo dịp lễ hội, UBND thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trang hoàng nhà cửa, tạo khuôn viên thoáng mát, sạch đẹp. Đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho du khách. 

Ông Lò Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mù Cang Chải cho biết: "Địa phương đã chủ động lên kế hoạch đón tiếp, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đầy đủ để phục vụ du khách. Chúng tôi cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở lưu trú chú trọng việc nâng cấp trang thiết bị, tu sửa buồng, phòng, đổi mới đồ dùng để thu hút và tạo ấn tượng tốt với du khách trong dịp Lễ hội”.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Tinh hoa nghệ thuật Khèn Mông”

 

Hơn hai tuần nay, 1.000 học sinh khối trung học phổ thông và trung học cơ sở ở các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tập trung đông đủ tại Sân vận động trung tâm huyện để luyện tập màn đồng diễn "Tiếng khèn gọi mùa xuân”. Ai cũng háo hức và phấn khởi, nỗ lực luyện tập để tạo nên thành công của Festival khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023. 

 

Em Nguyễn Khánh Linh - Trường THPT Mù Cang Chải chia sẻ: "Em và các bạn rất hào hứng luyện tập để mang đến màn trình diễn ấn tượng, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Đây cũng là niềm tự hào đối với chúng em khi Nghệ thuật Khèn của người Mông, Nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Chúng em sẽ cố gắng tiếp tục gìn giữ và quảng bá những nét đẹp của quê hương mình tới đông đảo du khách".

Chương trình Lễ Công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; khai mạc Festival trình diễn khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023 sẽ khai mạc vào lúc 20h ngày 23/12/2023 tại Sân vận động trung tâm huyện Mù Cang Chải. 

Chương trình bao gồm phần lễ và phần hội. Tại chương trình sẽ công bố các quyết định và trao các chứng nhận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa Nghệ thuật khèn của người Mông và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. 

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề "Thanh âm giữa ngàn mây” với thời lượng 60 phút, gồm 3 chương: Chương I – "Khát vọng lời khèn”, Chương II "Âm vang trong mây ngàn”, Chương III – "Tiếng khèn gọi mùa xuân” và màn đồng diễn Nghệ thuật khèn Mông với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách một trải nghiệm ấn tượng, hiểu rõ về giá trị nghệ thuật cao trong nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông mang vẻ đẹp từ khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh. 

Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Mặc dù là huyện vùng cao, dân cư phân tán, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn song chúng tôi đã cố gắng huy động 1.000 diễn viên, học sinh, nghệ nhân tích cực tập luyện cho hoạt động diễu diễn đường phố và các hoạt động bổ trợ trong khuôn khổ sự kiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tổ chức sự kiện để có một chương trình nghệ thuật hoành tráng nhưng vẫn mang sắc màu văn hoá đặc trưng của người Mông. Nhân dân các thôn, bản cũng đang khẩn trương vệ sinh nhà cửa, trang hoàng đường làng, ngõ xóm chuẩn bị đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 2 kho báu của dân tộc trong niềm tự hào, hân hoan”.

Ngoài hoạt động chính trong lễ khai mạc, huyện Mù Cang Chải sẽ tổ chức các sự kiện phụ trợ như: diễu diễn đường phố với quy mô 12 khối; trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương trong tỉnh và huyện Mường La, tỉnh Sơn La; tổ chức giao lưu Hội thi múa khèn tốp; không gian văn hoá dân tộc Mông; hoạt động trình diễn giã bánh dày; Hội thi vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải; hoạt động bay dù lượn tại đèo Khau Phạ và Hội nghị sơ kết hợp tác vùng giữa các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), Mường La, Bắc Yên (tỉnh Sơn La), Than Uyên (tỉnh Lai Châu), thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Hoà mình vào sắc thắm hoa Tớ Dày

Một trong những điểm nhất hút khách dịp lễ hội là sắc thắm của hoa Tớ Dày nam nay nở đúng dịp lễ hội. Mỗi cây như một bó hoa khổng lồ rực rỡ đón chào ngay ven đường vào phố huyện, chỗ lại thấp thoáng điểm xuyết trong xanh sâu rừng già, có chỗ hoa chảy tràn thung lũng, rợp mọi lối đi khiến du khách không thể rời mắt. 

Theo đồng bào Mông quan niệm, vào dịp đất trời chuyển mình sang xuân, sau một năm lao động vất vả, mùa vàng bội thu, thóc đã đầy nhà, nhìn lên đỉnh núi đã thấy những cây Tớ dày nở hoa đỏ thắm núi rừng thì cũng là lúc những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới, luyện tập những điệu khèn, chuẩn bị những quả Pao để chơi Tết, du xuân dưới những tán hoa Tớ dày lung linh trong nắng gió. Hoa Tớ dày gắn liền với đời sống nhiều thế hệ người Mông vùng cao Mù Cang Chải, là loài hoa có sức sống mãnh liệt và chỉ nở vào mùa đông lạnh giá. Những chùm hoa sắc đỏ hồng ở lưng chừng đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, báo hiệu mùa xuân sớm  ở vùng cao Tây Bắc.  

Sắc hoa Tớ Dày là một trong những điểm nhấn thu hút đông đảo du khách.

Trong những ngày đầu năm mới, đi trên các sườn đồi uốn lượn quanh co chạy dọc theo quốc lộ 32 đi Mù Cang Chải, thấp thoáng ở các bản làng người Mông đâu đâu cũng thấy màu hồng rực rỡ của hoa Tớ dày. Vẻ đẹp của hoa Tớ dày được người Mông ở đây ví như vẻ đẹp căng tràn sức sống của những thiếu nữ Mông, khiến trái tim của những chàng trai đang yêu thổn thức. Dù chỉ là những đóa hoa bé nhỏ, cánh hoa mong manh, nhưng vào thời khắc bung nở, Tớ dày như những đốm lửa hồng rực cháy một góc trời, khiến ai qua đây đều phải choáng ngợp.

Trong dịp lễ hội năm nay, những người đam mê du lịch khó có thể bỏ qua các tour du lịch trải nghiệm ngắm hoa Tớ dày kết hợp leo núi, khám phá cảnh quan thiên nhiên Mù Cang Chải tại các điểm: thôn Trống Páo Sang (xã La Pán Tẩn), bản Màng Mủ (xã Mồ Dề), bản Háng Gàng (xã Lao Chải), thị trấn Mù Cang Chải, khu Resort La Pán Tẩn… 

Thông qua Lễ hội, vẻ đẹp riêng vốn có của loài hoa Tớ dày một lần nữa được tôn vinh, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách đến với Mù Cang Chải. Đây cũng là cơ hội để huyện Mù Cang Chải quảng bá, giới thiệu tới du khách về giá trị của ruộng bậc thang, những phong tục, tập quán, kết tinh văn hóa lễ hội, ẩm thực đặc trưng của địa phương.

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông cùng nhiều dịch vụ trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn, Mù Cang Chải chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong suốt hành trình đến với Festival khèn Mông và công bố quyết định đưa nghệ thuật Khèn của người Mông, nghệ thuật tạo hình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn tỉnh Yên Bái vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023. Tất cả đã sẵn sàng chào đón du khách cùng đến với Mù Cang Chải - mảnh đất bản sắc, an toàn, thân thiện và mến khách.

Thu Trang

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/