Nghệ thuật Xoè Thái: Biểu tượng của tinh thần đoàn kết
Ngày xuất bản: 16/12/2021 2:51:00 CH
Lượt đọc: 17607

Nghệ thuật xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Với rất nhiều ý nghĩa văn hóa và nét đẹp di sản, nên chiều ngày 15/12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc UNESCO công nhận "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mở ra cơ hội lớn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình múa truyền thống đặc sắc này.

Cộng đồng dân tộc Thái tại điểm cầu Việt Nam cùng mừng vui giây phút UNESCO ghi danh ''Nghệ thuật Xòe Thái''. Ảnh: Thanh Tùng.

Đặc sắc nghệ thuật Xoè Thái

Tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xoè Thái trong xã hội đương đại”, những nghệ nhân, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái đều có chung quan điểm, nghệ thuật Xòe không chỉ là tinh thần, là cuộc sống của người Thái nói riêng mà nó còn mang đậm dấu ấn của các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung. Xòe gắn liền với đời sống của người Thái, bởi: “Nói đến người Thái là phải có Xòe, Xòe có ăn, Xòe có mặc, Xòe đoàn kết, ai cũng có thể Xòe được” - nghệ nhân Lò Văn Biến chia sẻ.

Người Thái Xòe trong lễ hội mùa Xuân, Xòe trong lễ mừng mùa của cộng đồng, trong lễ lên nhà mới, trong đám cưới và Xòe trong các cuộc liên hoan văn nghệ, các sự kiện chính trị của các địa phương để giao lưu, kết bạn và kết nối cộng đồng trong những vòng Xòe. Khi nghiên cứu về Xòe Thái nhà nghiên cứu Lâm Tô Lộc thấy rằng: “Chẳng những nam nữ thanh niên Thái yêu thích Xòe vòng mà các cụ già cũng hào hứng tham gia. Ban đầu các cụ còn múa nhẹ nhàng. Khi rượu đã ngà ngà say hoặc trống chiêng thúc giục, tuổi thanh xuân như sống lại, các cụ càng nhảy múa sôi nổi”.

Mỗi người khi tham gia vào vòng Xòe đều cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Sức sống của Xòe Thái đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Thống kê cho thấy, người Thái có đến trên 30 điệu xòe, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sáu điệu xòe cơ bản, đó là: Điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay. Trong đó, Xòe vòng được coi là điệu Xòe mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất trong cộng đồng người Thái. Nhà nghiên cứu Đỗ Thị Tấc cho rằng “Xòe của người Thái chỉ có một điệu truyền thống đó là Xòe vòng”. Còn nghệ nhân Mào Văn Ết chia sẻ: “Xòe vòng xuất hiện sớm nhất, đầu tiên chỉ là cầm tay nhau đứng thành vòng tròn, hò hét, với mục đích chính là đuổi thú dữ, xua tan sợ hãi, thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng. Lúc đầu điệu Xòe rất đơn sơ, nhưng dần dần năm này qua năm khác đã xuất hiện thêm nhiều sáng tạo mới”.

Phát huy giá trị văn hoá truyền thống

Với những giá trị về tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, đến nay nghệ thuật Xòe Thái hiện vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh, TP trong cả nước.

Trình diễn múa Xoè Thái tại phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Lại Tấn.

Thời gian qua, Sở VHTT&DL các địa phương có nghệ thuật Xòe đều tổ chức múa Xòe trong các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian, chương trình ngoại khóa trong trường học. 

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nghệ thuật Xoè Thái được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc (Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La), mà còn là niềm vui chung của cả nước, đặc biệt sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức thành công, ở đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”.

“Như vậy, đến nay chúng ta đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Điều này giúp chúng ta khẳng định giá trị, sự đa dạng, phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới. Tuy nhiên, việc tôn vinh, xác lập thương hiệu cho di sản Xòe Thái mới chỉ là bước đi đầu tiên. Việc làm tiếp theo chắc chắn sẽ là triển khai chương trình hành động mà Chính phủ đã cam kết với UNESCO, cũng là cách để chúng ta giữ gìn và khai thác giá trị, làm tăng thêm niềm tự hào đối với Xòe Thái. Gìn giữ và phát huy giá trị của truyền thống cũng là cách chúng ta xây dựng nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” – PGS. TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Tại buổi lễ chào mừng sự kiện UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: Sau sự kiện này, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời đề xuất Bộ VHTT&DL tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động, biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của mỗi địa phương.

Chứng kiến giờ phút UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xoè Thái, nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết sẽ tiếp tục bảo vệ di sản nghệ thuật xòe Thái, tiếp tục quảng bá, truyền dạy cho lớp trẻ niềm đam mê, tình yêu di sản. Để những giai điệu xòe Thái mãi mãi bay bổng và lan tỏa, xứng danh là di sản văn hóa đại diện nhân loại.

Nguồn : kinhtedothi.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/