Tết nhảy của người Dao
Ngày xuất bản: 08/03/2020 7:45:00 CH
Lượt đọc: 96909

 Người Dao ở Việt Nam có nhiều ngành Dao; tuy nhiên, họ đều có chung một số nghi lễ tâm linh mang tính bắt buộc như: thờ Bàn vương (Bàn tổ), tết nhảy, cấp sắc… Riêng với tết nhảy (tiếng Dao là Nhiang chằm đao) thường được tổ chức vào dịp cận tết Nguyên đán (từ 15 đến 27 tháng Chạp).

Múa bắt rùa trong tết nhảy của người Dao.

 Căn cứ vào cách tổ chức nghi lễ cho thấy, tết nhảy mang ý nghĩa thờ cúng tổ tiên và tục cầu mùa.

Về thờ cúng tổ tiên, theo truyền thuyết người Dao kể rằng, xưa kia, trong quá trình 12 dòng họ người Dao di cư dài ngày từ phương Bắc về phương Nam, khi đang lênh đênh trên biển bỗng cơn cuồng phong kéo đến.

Trong lúc tuyệt vọng có thể chết hết vì sóng to gió lớn thì mọi người gào khóc thảm thiết cầu khấn Bàn vương cứu mạng. Như có một phép màu, sau đó, trời biển dần dần lặng cơn sóng gió. Đoàn người Dao đã cập được đất liền và họ vui mừng làm lễ tạ ơn Bàn vương cứu mạng rồi hứa với nhau hàng năm hoặc 3 năm sẽ cúng tạ ơn Bàn tổ một lần nhưng không được quá 15 năm mới tổ chức.

Ở khía cạnh nghi lễ cầu mùa, người Dao thường đặt tại ban thờ tết nhảy những bó (cum) lúa giống (tục thờ thần ngũ cốc) để cầu mong tổ tiên và các vị thần phù hộ cho hạt giống sẽ mang lại mùa màng tươi tốt. Hay như việc người Dao tiền lấy những cây măng (vầu) nhỏ để nguyên lá cành rồi dùng bột nếp nấu chín nặn thành từng viên gắn vào cành măng với ý nghĩa tượng trưng cho bông lúa, rồi trang trí nơi ban thờ tết nhảy cầu mong cho mùa màng được bông to hạt mẩy. 

Cùng đó, bộ tranh thờ của tết nhảy; trong đó, có bộ tranh Tam thanh là ba vị thần tiên có quyền uy tối thượng trong đạo Giáo ở Trung Quốc cai quản ở 3 nơi trong vũ trụ để bảo trợ cho cuộc sống con người gồm: thần Ngọc Thanh (cai quản trên trời); thần Thượng Thanh (cai quản trần gian); thần Thái Thanh (cai quản âm phủ). 

Như vậy, có thể thấy, đây chính là minh chứng cho ước nguyện của con người mong muốn trời, đất, con người luôn được giao hòa để vạn vật sinh sôi phát triển. Đồng thời, các vị thần đều có năng lực nhìn thấu mọi hành vi, suy nghĩ của con người; do đó, con người luôn phải có lối sống hướng thiện…

Về cách hành lễ, các ngành Dao đều có những bước thực hiện giống nhau. Đó là, nghi lễ phải được thực hiện tại nhà trưởng tộc, trưởng cành (nhà cái) và vì 3 năm mới tổ chức một lần nên phải tổ chức trong 3 ngày. Các gia đình trong họ cùng góp lễ và chung tay tổ chức nghi lễ như tu chỉnh ban thờ và ban thờ, sắm sanh lễ vật. 

Ban thờ chính được cũng được làm thành 3 tầng tượng trưng cho 3 miền cai quản của thần Tam Thanh. Cạnh đó là một bàn tế chung với các lễ vật gồm có thịt lợn, gà, xôi, bánh, giấy dó in hình tiền xu, hình ngựa (vàng mã) cùng một số đồ vật khác làm bằng gỗ như dao, rìu, thuổng làm nương, kiếm trận và một số binh khí khác của thiên binh, thiên tướng.

Mọi lễ vật chuẩn bị xong, thầy mo cả và hai thầy mo phụ thực hiện nghi thức mời các chư vị về ngự tại bàn thờ gồm: Tam thanh chứng minh, Bàn vương thánh đế, Chủ trạch long thần, tiên đường tứ phủ, Cao chân đại đạo, Thượng đàn binh, hạ đàn tượng, hạ đàn binh sư phụ, Hương hỏa tống thần, tổng thể gia tiên cho phép gia đình và dân làng được tổ chức tết nhảy. 

Sau đó, các thầy mo tế dâng lễ vật cho các chư vị thần linh. Đặc biệt, một nghi thức được coi là phần hồn của tết nhảy, đó là nhảy đồng. Nhảy đồng được thực hiện trong nền nhạc rất sôi động của tiếng kèn, trống, thanh la, não bạt, chuông đồng, chiêng, gậy tiền với các điệu múa như: Tam thanh, múa chuông, múa kiếm, múa bắt rùa… 

Theo lý giải của người Dao thì việc nhảy đồng chính là hình ảnh của các vị thần nhập (ốp) vào người trần để múa các điệu múa của thần linh (múa thiêng). Các thầy mo người Dao hiểu được các điệu múa của vị thần nào thì sẽ cùng nhau đọc thơ ca tụng về vị thần đó. 

Khi nghi lễ tết nhảy gần kết thúc là các màn múa thiêng được diễn ra như múa chiêu binh, múa khao quân tổng thần, múa chiêu hồn lúa nhập vào bó lúa giống, múa tống tiễn các loài ôn dịch, hóa vàng mã tạ ơn các vị thần để thần linh trở về nơi trú ngụ trong thế giới của mình và phù hộ cho dân làng. 

Lễ tiễn các vị thần linh và tiên tổ được diễn ra trong tiếng nhạc rền vang, náo nhiệt cùng các điệu nhảy hoan hỷ của dân làng với niềm tin tưởng sẽ được đấng siêu nhiên phù hộ cho cuộc sống yên bình, no ấm. 

Nguồn: Baoyenbai.com.vn

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/