Yên Bái: "Ba mới" thúc đẩy du lịch
Ngày xuất bản: 27/05/2024 9:04:00 SA
Lượt đọc: 7284

 Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có với tiêu chí "Sản phẩm mới, phong cách mới, trải nghiệm mới”; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với bối cảnh tình hình và phân khúc thị trường khách trong từng thời điểm để hình thành sản phẩm "du lịch 4 mùa" - đây là một trong những giải pháp mà Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lê Thị Thanh Bình trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái.

Khu nghỉ dưỡng Dragonfly Nghĩa Lộ

Bên cạnh việc thu hút khách du lịch đến với địa phương, gia tăng doanh thu du lịch cũng là một nhiệm vụ quan trọng để du lịch thực sự phát triển và trở thành "ngành công nghiệp không khói” đắt giá, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Để tìm hiểu về những kết quả mà ngành du lịch Yên Bái đã đạt được cũng như giải pháp gia tăng doanh thu trong thời gian tới, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh.

P.V: Xin đồng chí cho biết những yếu tố nào có thể tác động đến doanh thu của ngành du lịch địa phương hiện nay?

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình: Có 2 yếu tố chính tác động đến doanh thu của ngành du lịch tỉnh nhà hiện nay. Thứ nhất là quá trình xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sau thời gian dịch bệnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp du lịch lữ hành đã điều chỉnh và tái định hình các sản phẩm du lịch, cùng với các địa phương xây dựng các tour độc đáo tại từng địa phương. Điều này đã mở ra thêm nhiều lựa chọn dành cho du khách, nhiều sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy du khách chi tiêu vào các hoạt động trải nghiệm và khám phá. 

Thứ hai là sự liên kết trong du lịch. Du lịch Yên Bái đã xây dựng các chương trình liên kết với các điểm du lịch khác trong cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thêm các tour mới, đạt hiệu quả cả về chất lượng tour cũng như giúp cho giá thành tour được giảm đi. Ngoài ra, các sự kiện du lịch kết hợp với lễ hội văn hoá - thể thao, các chương trình khuyến mãi liên tục được đưa ra trong suốt năm cũng là một yếu tố khiến tăng trưởng du lịch tăng cao và ổn định. 

P.VDoanh thu du lịch đang ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Để có được kết quả đó, cách thức triển khai, định hướng của ngành đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh. 
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình: Năm 2020, doanh thu từ du lịch của tỉnh chỉ đạt 500 tỷ đồng thì đến năm 2022 là 1.101 tỷ đồng và năm 2023 là 1.700 tỷ đồng. Để có kết quả đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả, phát triển theo chiều sâu và bền vững với 4 mục tiêu chính. 

Đó là: thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa và khai thác ứng dụng trên các nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. 

Các sản phẩm mới được đưa vào hoạt động trong vài năm trở lại đây có thể kể đến như: khu nghỉ dưỡng Làng An Bình; Om Tara Retreat Yên Bái; khu du lịch sinh thái Ruby; Lechamp Tú Lệ; khu nghỉ dưỡng Dragonfly Nghĩa Lộ; khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Đại Phú An Resort (Văn Yên)… 

Cùng với đó, các địa phương chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch, đáp ứng các phân khúc thị trường khách từ chi tiêu thấp, trung bình đến cao cấp.

P.V: Trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai những giải pháp gì để gia tăng mức chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú, từ đó tăng doanh thu du lịch?

Đồng chí Lê Thị Thanh Bình: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xác định một số phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau: 

Một là, quan tâm quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực du lịch. 

Hai là, đẩy mạnh các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, như: nghiên cứu phát triển kinh tế đêm tại các địa bàn trung tâm, thu hút đầu tư dịch vụ vận chuyển du lịch, vui chơi giải trí, có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động lữ hành, chuyên nghiệp hóa dịch vụ ăn uống, lưu trú, khuyến khích nâng hạng cơ sở lưu trú, quan tâm phát triển các sản phẩm đặc sản của từng địa phương... 

Ba là, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có với tiêu chí "Sản phẩm mới, phong cách mới, trải nghiệm mới”; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với bối cảnh tình hình và phân khúc thị trường khách trong từng thời điểm để hình thành sản phẩm "du lịch 4 mùa". 

Điều này sẽ khuyến khích du khách kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, liên kết chặt chẽ, phối hợp với các tỉnh xây dựng các tour, tuyến du lịch; tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; nâng cao chất lượng các lớp đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực nhằm bổ sung kịp thời nguồn nhân lực du lịch bị thiếu hụt sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

P.VXin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoài Anh (thực hiện)

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/