Năm 2019, tiếp tục là một năm thành công của du lịch Yên Bái. Lần đầu tiên Yên Bái đón trên 700.000 lượt khách du lịch, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế với doanh thu từ các hoạt động du lịch lên tới trên 420 tỷ đồng, các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành điểm đến hấp dẫn với đông đảo du khách. (Ảnh: Thanh Miền)
Có mặt tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn một ngày cuối năm, dù không phải dịp lễ hội nhưng nơi đây vẫn tấp nập du khách trong nước và quốc tế.
Vừa từ địa điểm tham quan cây chè di sản, không giấu nổi ngỡ ngàng, chị Nguyễn Thị Yến - du khách đến từ Quảng Nam chia sẻ: "Đã biết đến cây chè Suối Giàng qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khi được trực tiếp đứng dưới những tán chè cổ thụ tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Những tán chè to, cao, tỏa bóng xanh mát, thêm vào đó hoa chè trắng muốt, tinh khôi giữa núi rừng bao la đẹp như một bức tranh. Đến đây, chúng tôi được tham quan cây chè, được thưởng trà trong bầu không khí trong lành, được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, gặp gỡ những con người hiền lành, chất phác”.
Cũng như Suối Giàng, dịp cuối năm các địa điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh như huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên... lượng du khách đến tham quan ngày một tăng và tất cả đều chung cảm nhận về mảnh đất, con người Yên Bái đầy thú vị, thân thiện, mến khách. Điều này là một tín hiệu vui, đánh dấu bước phát triển mới của du lịch Yên Bái trong thời kỳ hội nhập.
Năm qua, bằng những nỗ lực của tỉnh, ngành chuyên môn và các địa phương, du lịch Yên Bái đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách qua các hoạt động văn hóa, lễ hội, các chương trình nghệ thuật đặc sắc trong các dịp kỷ niệm, lễ hội...
Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng đã được tổ chức như Lễ hội Bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà; Lễ hội Quế huyện Văn Yên; Festival Dù lượn tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải. Đặc biệt, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019, trong đó chương trình nghệ thuật "Tinh hoa từ huyền thoại” và màn đại xòe với sự tham gia của 5.000 người là một sản phẩm du lịch độc đáo, điểm nhấn ấn tượng nhất trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy du lịch Yên Bái.
Tại lễ hội, không giới hạn màu da, tiếng nói, sắc tộc, giao cảm tình người, tình đoàn kết, đã cùng nối vòng tay đại xòe nồng ấm quanh ánh lửa bập bùng. Đây chính là điều mà nhiều du khách kỳ vọng, mong chờ mỗi dịp đến với Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và là điều làm nên thương hiệu riêng có của du lịch Yên Bái trên hành trình khám phá Tây Bắc.
Nghệ nhân Lò Văn Biến cùng các diễn viên quần chúng trong màn đại xòe tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019.
Có thể nhận thấy Yên Bái đã thực sự trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách. Để có được thành quả này, thời gian qua tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách phát triển du lịch như Nghị quyết 35 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến 2025; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND với 7 chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; Nghị quyết số14/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang triển khai quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, Tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch chi tiết Khu du lịch Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án "Xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đồng chí Triệu Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Các chủ trương, chính sách của tỉnh thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Yên Bái, đồng thời, thu hút mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào du lịch Yên Bái như Tập đoàn Alphanam với Dự án Công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Tập đoàn TH True Milk với dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế; Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt đầu tư các dự án du lịch tại huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải… Tỉnh đã tăng cường hợp tác liên vùng, trong và ngoài nước với chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác với tỉnh Val de Marne Cộng hòa Pháp…”.
Hiện nay, Yên Bái đang tập trung hướng tới xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm tạo điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc với 5 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Thái, Mông; du lịch mạo hiểm, dù lượn, săn mây; du lịch tâm linh dọc sông Hồng với hệ thống đền, chùa kết nối với các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ; du lịch tham quan làng nghề được hình thành tại làng nghề dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, làng nghề tranh đá quý Lục Yên... gắn việc tham quan với mua bán hàng lưu niệm...
Cùng với việc phát triển sản phẩm du lịch, hệ thống các dịch vụ đi kèm gồm ăn uống và mua bán các sản vật tự nhiên như măng rừng, gà đồi, các loại cá suối vùng Mường Lò, các loại cá vùng hồ Thác Bà đã góp phần làm hấp dẫn thêm các sản phẩm du lịch Yên Bái.
Với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đồng thuận ủng hộ của người dân, du lịch Yên Bái kỳ vọng sẽ trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Nguồn : baoyenbai.com.vn