Nghĩa Lộ nhanh chóng hướng đến du lịch bốn mùa
Ngày xuất bản: 02/12/2022 8:06:00 SA
Lượt đọc: 27371

Nghĩa Lộ - Mường Lò giờ đã trở thành cái tên không thể thiếu trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và du lịch vùng Tây Bắc nói riêng. Nhưng làm sao để bốn mùa khách đến với miền của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thị xã tiếp tục cần có những bước đi mạnh mẽ.

Đã có thương hiệu, nhưng Nghĩa Lộ cần nhanh chóng thành điểm đến bốn mùa của du khách.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 thành công "vang dội”, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách trong và ngoài nước. 

Kết quả sự kiện đã thực sự hướng đến mục tiêu mà Đề án Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025, đó là: "Nâng tầm lễ hội truyền thống đại xòe thành lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế, tập trung vào đa dạng hóa các hoạt động trong lễ hội, đưa các giá trị về văn hóa đặc trưng, các yếu tố lịch sử, đưa lễ hội đại xòe trở thành sự kiện đặc trưng của người Thái không chỉ ở Việt Nam mà còn cả cộng đồng sắc tộc Thái ở Đông Nam Á (Thái Lan, Lào) và Trung Quốc (Vân Nam)…”. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc tổng kết Lễ ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy yêu cầu các cấp, các ngành sớm xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái, biến di sản thành… tài sản. 

Làm tốt công tác bảo vệ, phát huy, trao truyền và lan tỏa nghệ thuật xòe Thái đến mọi vùng miền; tuyên truyền, quảng bá, tạo không gian thực hành di sản trọng tâm là thị xã Nghĩa Lộ và lan tỏa ra các địa phương khác để xòe Thái trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Yên Bái và vùng Tây Bắc. 

Những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đã rõ, làm sao vận động người dân xây dựng hình ảnh con người Nghĩa Lộ - Mường Lò "Thân thiện, đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, hội nhập”, thái độ niềm nở, tận tình, hiếu khách; giữ gìn phong tục truyền thống và văn hóa tốt đẹp (trang phục, tiếng nói, chữ viết…), bảo vệ cảnh quan, môi trường. 

Hướng dẫn người dân trong các bản văn hóa - du lịch tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, cung cấp dịch vụ, sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách; thực hiện mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, sẵn sàng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho du khách, xây dựng mô hình "Du lịch thông minh” trên các nền tảng…

Hội cha mẹ học sinh Trường THCS Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ truyền dạy xòe Thái cho học sinh.

Giờ đây, điều đầu tiên du khách đến với Nghĩa Lộ là đến với xòe Thái. Nhưng ngoài những buổi tối được múa xòe với các em gái Thái, du khách sẽ được trải nghiệm những gì? Chị em địa phương thì có thể "sáng lúa, chiều ngô, tối xòe”, nhưng khách đến thị xã là muốn hưởng thụ ngay các dịch vụ du lịch. 

Chính vì vậy, các nhóm, đội văn nghệ cũng thường xuyên luyện tập, làm sao để chỗ nào người dân cũng có thể sẵn sàng xòe cùng khách. Không chỉ dừng lại ở việc thăm thú, cùng ăn ở với đồng bào ở các điểm du lịch cộng đồng, đi chợ Mường Lò hay tìm đến Khu sinh thái Dragonfly Nghĩa Lộ để chụp ảnh… mà cần hơn những "sản phẩm” khác hấp dẫn khách thập phương. 

Với kế hoạch thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch” và tiếng vang của di sản, các mục tiêu cần thành hiện thực sớm hơn dự kiến. Đáng quan tâm là phải có cách thức thu hút người tiêu tiền đến quanh năm, tránh tình trạng "no dồn, đói góp”, giảm tải vào dịp Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò đã có thương hiệu. 

Hằng tháng, hằng quý cần tạo ra những điểm nhấn thông qua những sự kiện, lễ hội ở những quy mô vừa phải, theo đó là làm tốt công tác truyền thông, quảng bá. Cùng với kế hoạch tổ chức các lễ hội truyền thống, hằng năm cần cân đối những hoạt động văn nghệ, vui chơi cộng đồng, thi đấu thể thao dân tộc… 

Ví như việc phục dựng các lễ hội Thẩm Han ở xã Sơn A; lễ hội thờ thần Đất ở xã Thanh Lương cũng nên tính toán để lễ vẫn diễn ra đảm bảo yếu tố tâm linh truyền thống, nhưng hội có thể tổ chức theo tháng, theo mùa để tạo điểm nhấn. Hay với đồng bào Thái, Nậm Tốc Tát có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh nên công tác tu bổ, tôn tạo là hết sức cần thiết, xong để giữ được cảnh quan và tổ chức tốt các điểm check in trong khu vực thì phải tính toán kỹ lưỡng.

Những sản vật của mảnh đất Mường Lò - Nghĩa Lộ hấp dẫn du khách. 

Cùng đó là tổ chức các lễ hội để thu hút sự quan tâm, nhất là vào mùa nước để thác nước thực sự thơ mộng trong mắt du khách. Các hoạt động trải nghiệm chăm sóc và thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Lò; hái và chế biến chè, trải nghiệm vườn cây ăn quả, trồng và thu hoạch rau màu... cũng là phương thức mà nhiều tỉnh du lịch đã làm có hiệu quả. 

Nếu sớm thực hiện phải vận động người dân phối hợp tích cực để có thể mùa nào thức ấy trong khoảng thời gian dài; điểm trong đó là những hội thi ở quy mô nhỏ và xây dựng các sản phẩm truyền thống chất lượng để quảng bá. Chú trọng việc tổ chức các hoạt động vui hội chung trong những lễ tết truyền thống vào dịp Rằm tháng Giêng, lễ hội Khai Hạ của đồng bào Mường, hay tết Xíp xí - tết cổ truyền của đồng bào Thái… 

Liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với tổ chức các hoạt động trải nghiệm, lễ hội văn hóa - du lịch theo mùa, theo tháng là việc không thể một sớm một chiều, nhưng ngay lúc không khí còn đôi chút chộn rộn bởi nghệ thuật xòe Thái thì phải làm gì để khơi dậy các nguồn lực cho Nghĩa Lộ bứt phá là việc cần thiết hiện nay.

Xây dựng thương hiệu du lịch Nghĩa Lộ, thị xã phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu:

- Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm trên 80% trong cơ cấu kinh tế, trong đó dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng cao trong khu vực dịch vụ (chiếm từ 30% - 40%);

- Đón và phục vụ 470.000 lượt khách du lịch trở lên;

- Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 420 tỷ đồng trở lên; 

- 97% cơ sở lưu trú trở lên đảm bảo các điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch;

- Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đối với khách du lịch đạt trên 20%;

- Lao động trong lĩnh vực du lịch đạt trên 5.000 người, trong đó lao động chất lượng cao đạt trên 10%; 

- Có 70% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác (dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe) được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;

- Có thêm 15 sản phẩm du lịch được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao; 

- Xây dựng và phát triển thêm ít nhất 02 điểm du lịch; 

- Xây dựng 01 tuyến phố đi bộ, văn hóa, ẩm thực gắn với hoạt động kinh tế đêm; 

- Phủ sóng wifi miễn phí khu vực trung tâm thị xã và 1 xã trọng điểm về du lịch; 

- Tổ chức 20 lớp bồi dưỡng, phát triển du lịch và truyền dạy văn hóa phi vật thể cho trên 900 người.

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/