Yên Bái từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và truyền thống văn hóa độc đáo của vùng cao. Hàng năm, bên cạnh những lễ hội truyền thống của các dân tộc, những lễ hội mang tính kích cầu du lịch được tổ chức thường niên ở khắp các địa phương cấp xã. Sau mỗi lần tổ chức lễ hội, Yên Bái luôn hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo trải nghiệm chuyên nghiệp hơn cho du khách.
Du khách trải nghiệm dịch vụ tại A Su homestay, huyện Mù Cang Chải. |
Lễ hội hoa tớ dày lần thứ 2 vừa được huyện Mù Cang Chải tổ chức, Lễ hội năm nay được gắn với Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn Mông; Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và khai mạc Festival khèn Mông. Có thể nói, Lễ hội hoa tớ dày lần thứ 2 được tổ chức hết sức công phu với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chính quyền địa phương, các ngành liên quan, mang tới cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời.
Chị Hoàng Hương ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Đây là lần thứ 2 tôi tham dự Lễ hội hoa tớ dày nhưng thực sự năm nay công tác tổ chức chuyên nghiệp, bài bản hơn. Các hoạt động bên lề lễ hội rất hấp dẫn. Dịch vụ du lịch bắt đầu phong phú hơn, các homestay nhưng lại cho dịch vụ khách sạn được có "sao”. Đặc biệt tôi thực sự ấn tượng với dịch vụ xe ôm đến các điểm du lịch ở Mù Cang Chải, toàn bộ là người bản địa, họ thân thiện, nhiệt tình nhưng lại hoạt động có kỉ luật trong một đội hình khá đông”.
Những năm qua, chính quyền địa phương và người dân Mù Cang Chải đã rất nỗ lực và luôn tìm tòi những điểm mới trong tổ chức các hoạt động lễ hội nói riêng và phát triển du lịch nói chung. Huyện đã chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng như xây dựng và cải tạo các đường đi, cảnh quan và những điểm dừng chân thuận tiện cho du khách.
Các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay cũng được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của du khách ngày càng cao. Các dịch vụ như nhà hàng, quán café và giao thông công cộng được cải thiện mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nguồn nhân lực du lịch, huyện đã phối hợp với các ngành, các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, cách thức tổ chức hoạt động cho các hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bán hàng và nhân viên tiếp tân… ngay cả lực lượng xe ôm tại huyện cũng được tập huấn và hướng dẫn để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đảm bảo khách được trải nghiệm an toàn, hấp dẫn.
Hàng năm, các địa phương trong tỉnh duy trì tổ chức trên 40 lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, đã duy trì tổ chức thường niên các lễ hội, sự kiện du lịch như: Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Chương trình du lịch "Về miền đất Ngọc”, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn, Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà… trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh được du khách trong và ngoài nước yêu mến, đón đợi. Mỗi lễ hội mang những nét văn hoá đặc sắc của mỗi vùng miền thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn du khách quốc tế.
Sau mỗi lần tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương cũng như ban tổ chức đều tổ chức rút kinh nghiệm, những vấn đề cần được cải thiện được thẳng thắn nêu ra, cũng như đề xuất phương án giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, du khách luôn có cảm giác mới mẻ dù trải nghiệm nhiều lần. Anh Vũ Tuấn Minh, thành phố Nam Định chia sẻ: "Tôi rất yêu Tây Bắc, Yên Bái bởi nơi đây còn giữ được khá nguyên vẹn văn hóa truyền thống của người bản địa. Tôi đến Yên Bái nhiều lần nhưng mỗi lần đều có những trải nghiệm khác nhau, đặc biệt các dịch vụ du lịch dần chuyên nghiệp hơn”.
Bên cạnh việc cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư và nâng cấp, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo thì quảng bá và marketing trước, trong và sau mỗi lễ hội kích cầu du lịch đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách đến Yên Bái. Với mỗi lễ hội dù cấp tỉnh hay cấp huyện, thị, thành phố đều chú trọng công tác truyền thông, tiểu ban tuyên truyền luôn có vai trò quan trọng trong khâu tổ chức lễ hội. Các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ và hiệu quả thông qua các kênh truyền thông truyền thống và trực tuyến. Những infographic được xây dựng với hình ảnh hấp dẫn, thông tin đầy đủ đã thu hút sự chú ý của du khách.
Rất nhiều du khách đến với Yên Bái thông qua các thông tin được lan truyền trên các trang mạng xã hội. Ngoài ra, các địa phương đều có chiến lược trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng giữa du lịch và sự bền vững của các cộng đồng địa phương, sau mỗi mùa lễ hội, chính quyền địa phương và ban tổ chức lại tiếp tục đi tìm, xây dựng những dịch vụ du lịch hấp dẫn với phương châm "một điểm đến nhiều trải nghiệm”. Đó là sự chuyên nghiệp hóa trong làm du lịch của các địa phương ở Yên Bái.
Du lịch ở vùng cao không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Nhờ vào sự phát triển chuyên nghiệp sau mỗi mùa lễ hội, du lịch Yên Bái đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích khám phá văn hóa và thiên nhiên.
Thanh Ba