Sau đại dịch COVID-19, xu hướng chọn các loại hình du lịch thể thao, mạo hiểm, trong đó có trekking ngày càng được ưa chuộng. Khi chinh phục được những cung đường, vượt qua được những khó khăn về địa hình, thời tiết và đặc biệt là nỗi sợ của bản thân..., được đứng trên đỉnh núi hay giữa rừng già rộng lớn, con người thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, được “sạc pin” lại từ nguồn năng lượng khổng lồ của mẹ thiên nhiên. Vì thế, những chuyến trekking xen kẽ những tháng ngày làm việc đang dần trở thành lựa chọn của đông đảo các bạn trẻ. Đây cũng là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Khám phá thác Hang Én (Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa
Lý do trekking trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách
Sự hấp dẫn đặc biệt từ vẻ đẹp thiên nhiên và những cung đường: Nếu như linh hồn của những sản phẩm du lịch văn hóa là các yếu tố văn hóa truyền thống, sự khác biệt giữa văn hóa các vùng miền... thì với du lịch mạo hiểm, những vách núi cheo leo, những cung đường rừng hun hút, thác nước đổ ào ào... sẽ làm say mê trái tim những du khách ưa thích khám phá. Tiến sâu vào rừng xanh thăm thẳm hay leo lên những ngọn núi cheo leo vách đá sừng sững; lội bì bõm qua những con suối và dò dẫm từng bước chân, khám phá thế giới côn trùng… sẽ mang lại những trải nghiệm khó quên với du khách.
Giúp cải thiện sức khỏe: Vận động là cách giúp sức khỏe con người được cải thiện. Các nhà khoa học đã chứng minh, vận động ngoài trời ở những nơi có bầu không khí trong lành giúp sức khỏe con người được hồi phục đáng kể. Đi bộ đường dài giúp gân cơ của bạn được giãn ra và với thời gian đủ lâu sẽ khiến chúng dẻo dai hơn. Leo núi hoặc đi bộ giúp cho tim khỏe và tuần hoàn máu tốt hơn. Trải nghiệm ở các địa hình thiên nhiên đa dạng kích hoạt sự hồi phục của các cơ quan cơ thể, trả lại cho con người những hoạt động cơ bản vốn phải có mà đôi khi cuộc sống hiện đại, sự phát triển của công nghệ làm chúng ta quên đi. Điều này có hiệu quả gấp nhiều’ lần so với những dược liệu chúng ta đưa vào cơ thể.
Thám hiểm động Phong Nha (Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Hữu Khiêm
Rèn luyện tinh thần, tạo ý chí phấn đấu: Các nhà tâm lý đã chứng minh việc hòa mình vào thiên nhiên là một phương pháp trị liệu tâm lý rất tốt. Nó có thể chữa được các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu ở giai đoạn nhẹ và cải thiện đáng kể tình trạng của người thường xuyên bị căng thẳng thần kinh vì nhiều lý do. Khi chúng ta thả lỏng đầu óc và thoát khỏi môi trường sinh hoạt gò bó, tạm thời buông bỏ được áp lực cuộc sống..., não sẽ tiết ra những hóc môn tạo sự hưng phấn, hình thành nên những cảm xúc tích cực cho mỗi người.
Giúp cân bằng tâm lý: Dịch bệnh COVID-19 đã để lại nhiều di chứng về sức khỏe, tinh thần và tâm lý... Những đợt giãn cách khiến nhiều người “cuồng chân”, nhất là những người trẻ. Vì thế, trong thời kỳ hậu COVID-19, nhiều bạn trẻ muốn tham gia vào những loại hình du lịch mạo hiểm và gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn những chương trình du lịch tham quan, mua sắm đơn thuần. Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm COVID-19 mặc dù đã bình phục nhưng vẫn gặp những di chứng về sức khỏe, những tổn thương tinh thần nên họ cần thời gian dài hơn để phục hồi. Hòa mình vào thiên nhiên, chinh phục từng ngọn núi, đỉnh đồi, những cung đường gồ ghề... sẽ giúp cho du khách cân bằng lại tâm lý, đồng thời tạo cơ hội kết nối, đồng hành và chia sẻ với nhau những người có cùng sở thích.
Tà Năng - Phan Dũng được xem là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Văn Nhân
Tiềm năng phát triển loại hình du lịch trekking tại Việt Nam
Việt Nam có địa hình ¾ là đồi núi, nhiều hang động đẹp nổi tiếng thế giới, nhiều vườn quốc gia rộng lớn, các khu rừng nguyên sinh, đường bờ biển dài… Một số điểm du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên đã có thương hiệu, sức hấp dẫn lớn như thác Háng Tề Chơ (Yên Bái), Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), hố sụt Kong Collapse, hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), hang Dơi (Mộc Châu, Sơn La)… Ngoài ra còn một số cung đường trekking tuyệt đẹp như Tà Năng, Phan Dũng - Bình Thuận; Tả Liên Sơn - Lai Châu; Lảo Thẩn - Bát Xát - Lào Cai; Lùng Cúng - Mù Cang Chải - Yên Bái; Fansipan - Lào Cai; hang Én - Gia Lai; Apachai - Điện Biên... Cùng với xu hướng du lịch mạo hiểm ngày càng phát triển, nhiều công ty du lịch gắn với các chương trình tour trekking chuyên biệt cũng đã ra đời và được du khách biết đến như Du Lịch Ong Vàng, Bitour, Du lịch Thử Thách Việt, Phượt Vi Vu, Min Tour...
Một điểm thú vị trong tổ chức loại hình trekking ở Việt Nam đó là việc linh hoạt trong cách cải biên những sản phẩm du lịch mạo hiểm thành trekking theo phong cách bán chuyên. Trước đây, nhắc tới du lịch mạo hiểm người ta nghĩ đến loại hình chỉ dành cho một số đối tượng du khách nhất định, nghĩ đến những con người mang trên mình chiếc ba lô kềnh càng và những bước chân rắn rỏi dấn thân vào hành trình hoang sơ. Ngày nay, các công ty lữ hành đã thiết kế những cung đường linh hoạt từ dễ đến khó, uyển chuyển trong công tác hậu cần, đa dạng trong việc hỗ trợ nhu cầu của du khách... Nếu khách không có khả năng mang vác nhiều thì đã có đội ngũ hậu cần lo chu đáo từ lều, nước, đồ ăn..., khách chỉ cần mang balo cá nhân. Nếu khách không đủ sức chinh phục toàn cung đường, thì có thể sử dụng dịch vụ một phần với sự hỗ trợ của “grap rừng”, xe thồ, xe công nông. Du khách có thể hoàn toàn tập trung trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, các rủi ro so với các chương trình du lịch mạo hiểm thuần túy cũng giảm nhiều... Vì thế, loại hình du lịch trekking hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu của đa dạng đối tượng khách, ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau.
Du lịch mạo hiểm nói chung và du lịch trekking nói riêng không còn là một loại hình du lịch quá đặc thù, chuyên nghiệp. Với sự kết nối của đơn vị tổ chức, tài nguyên sẵn có và nhu cầu ngày một tăng, loại hình trekking hứa hẹn sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trên hành trình khám phá. Ảnh: Cao Kỳ Nhân
Tài liệu tham khảo:
1. TS.Trương Thị Hiền (2020), giáo trình Xã hội học đại cương, NXB Tổng Hợp
2. https://thetraveler.vn/tai-sao-trekking-khien-nguoi-ta-me-den-vay https://www.vietnamplus.vn/cac-xu-huong-dinh-hinh-tuong-lai-cua-nganhdu- lich-hau-covid19/781598.vnp...
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 5/2022)