Yên Bình giữ hồn văn hóa Cao Lan
Ngày xuất bản: 09/12/2024 9:15:00 SA
Lượt đọc: 2659

 Với các giá trị văn hóa phong phú và độc đáo, người Cao Lan tại Yên Bình vẫn duy trì được những phong tục, nghi lễ, ngôn ngữ, và nghệ thuật đặc trưng, góp phần làm đa dạng, sinh động bức tranh văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Nghệ nhân Nịnh Thị Từ (ngoài cùng bên trái) cùng người dân thôn Khuôn La, xã Tân Hương luyện tập các làn điệu dân ca dân tộc Cao Lan.

Xã Tân Hương có đông đảo người Cao Lan sinh sống. Nơi đây vẫn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa độc đáo như các nghi thức thờ cúng, trang phục truyền thống và đặc biệt là các làn điệu dân ca, điệu múa như hát giao duyên, múa phát nương, múa chim gâu... Tuy nhiên, trước những biến đổi của thời gian, hội nhập về văn hóa, một bộ phận thế hệ trẻ có xu hướng dần xa rời văn hóa truyền thống, khiến nhiều giá trị quý báu đứng trước nguy cơ mai một. 

Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tân Hương đã huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 

Các hoạt động tuyên truyền, tổ chức câu lạc bộ (CLB), mở lớp truyền dạy văn hóa đã được triển khai hiệu quả. Từ năm 2022, xã đã thành lập 2 đội văn nghệ dân gian với gần 100 thành viên; tổ chức 4 lớp dạy tiếng Cao Lan, nghệ thuật trình diễn thu hút hơn 100 học viên tham gia. 

Nghệ nhân Nịnh Thị Từ ở thôn Khuôn La, xã Tân Hương chia sẻ: "Tôi luôn đam mê và tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Mỗi tối thứ Bảy, chúng tôi cùng nhau tập luyện, hướng dẫn lớp trẻ để truyền dạy lại các điệu múa, làn điệu dân ca”. Những nỗ lực của bà và các nghệ nhân khác đã tạo động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ như em Nịnh Thị Phương Vy, học viên lớp truyền dạy múa và hát dân gian. Em chia sẻ rằng, việc học các điệu múa như chim gâu, xúc tép đã giúp em hiểu thêm về nguồn gốc và giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Người Cao Lan chiếm 6% dân số toàn huyện Yên Bình, tập trung tại các xã như: Tân Hương, Đại Đồng, Vĩnh Kiên, Vũ Linh... Để giữ gìn văn hóa truyền thống, huyện đã đẩy mạnh các biện pháp như tổ chức lớp truyền dạy tiếng nói, nghệ thuật, thành lập các đội văn nghệ và tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ trung ương đến địa phương. 

Một buổi học điệu múa "chim gâu” của các em nhỏ thôn Khuôn La, xã Tân Hương.

Ông Trần Văn Nguyên - người có uy tín tại thôn Làng Minh, xã Bạch Hà cho biết: "Việc mở lớp dạy hát sình ca, tiếng Cao Lan đã nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân, đặc biệt là giới trẻ. Điều này rất quan trọng để góp phần giữ gìn tiếng nói và âm nhạc dân tộc”. 

Các CLB văn nghệ dân gian không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn quảng bá thông qua các hội thi và hoạt động giao lưu văn hóa. Điều này góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng, đưa văn hóa Cao Lan đến gần hơn với du khách. 

Em Triệu Thị Phương Anh - học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Yên Bình, bày tỏ: "Được học hát sình ca và ngôn ngữ dân tộc, em cảm thấy rất vui và muốn tiếp tục học hỏi để hiểu thêm và gìn giữ văn hóa của dân tộc mình”. 

Những nỗ lực của người dân và chính quyền huyện Yên Bình trong bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ giúp giữ gìn di sản dân tộc Cao Lan mà còn làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng. Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng một Yên Bình "Tiến bộ, thân thiện, nhân ái và hội nhập”.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Yên Bình đã tổ chức được 8 lớp truyền dạy nghệ thuật và tiếng Cao Lan. Các hoạt động ngoại khóa tại trường học cũng tích cực lồng ghép nội dung văn hóa dân tộc, giúp học sinh thêm yêu và tự hào về di sản của mình.

Ban biên tập

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/