Bản Lùng Cúng cách trung tâm xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải hơn 20 km, được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với hệ sinh thái phong phú như: rừng táo mèo cổ thụ, rừng đào, rừng mận cùng các phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào Mông. Tiềm năng phát triển du lịch của Lùng Cúng nếu được “đánh thức” sẽ góp phần giúp người dân phát triển kinh tế bền vững.
Mùa xuân đến, bản Lùng Cúng trắng sắc táo mèo. |
Ông Chang Sông Của - Trưởng bản Lùng Cúng cho biết: "Những năm gần đây, địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, cùng với tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nâng cao năng suất trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. Lùng Cúng còn vận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh với cánh đồng ruộng nước rộng 79 ha, rừng táo mèo, đào rừng, đào nhà, mận có diện tích rộng trên 1.000 ha, rừng trồng trên 730 ha và rừng tự nhiên phòng hộ gần 1.800 ha để phát triển kinh tế”.
Hiện nay, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có nhiều đổi thay. Đường giao thông từ trung tâm xã về bản phần lớn được bê tông đặc thù, góp phần tạo thuận lợi trong đi lại, giúp bà con phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội nói chung.
Cùng với tiếp tục duy trì, quản lý tốt các diện tích cây thảo quả, sơn tra, đào, mận để có nguồn thu ngoài sản xuất nông nghiệp, Lùng Cúng còn tận dụng tốt thế mạnh của đỉnh Lùng Cúng với độ cao 2.913 mét so với mực nước biển làm điểm nhấn cùng với vẻ đẹp thanh bình thơ mộng của hoa đào, hoa táo mèo, hoa mận khi mùa xuân đến, cánh đồng lúa chín vàng khi vào mùa thu và đời sống văn hóa phong phú của đồng bào Mông nơi đây để phát triển du lịch. Hiện nay, Lùng Cúng đã thành lập được tổ làm du lịch với 12 thành viên.
Anh Chang A Kỷ - Tổ trưởng Tổ dịch vụ du lịch tâm sự: "Tiềm năng du lịch của bản rất phong phú nhưng tất cả vẫn đang phát triển tự nhiên, chưa được đầu tư có mục đích; chưa có dịch vụ ăn uống, chăm sóc, đón tiếp, ngủ nghỉ nên chưa thu hút hay đón tiếp được nhiều du khách đến trải nghiệm. Hiện nay, chúng tôi mới chỉ mở đường đi rút ngắn thời gian leo đỉnh Lùng Cúng từ phía bản Lùng Cúng lên từ nửa ngày đi bộ xuống chỉ còn hơn 2 tiếng và làm lán nghỉ để phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ qua đêm trên đỉnh để săn mây.
Với những tiềm năng mà bản Lùng Cúng đang có, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch tạo điều kiện giúp đỡ, tư vấn về tiêu chuẩn xây dựng các homestay với nơi ăn, ngủ, nghỉ, phương pháp đón tiếp, chăm sóc khách hàng và nhất là giúp quảng bá, giới thiệu về vẻ đẹp, hình ảnh, tiềm năng du lịch của bản làng trên các kênh thông tin đáng tin cậy để du khách biết đến Lùng Cúng và đến tham quan trải nghiệm. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tổ chức cho chúng tôi được đi tham quan học hỏi cách làm du lịch cộng đồng ở các địa phương khác”.
Ông Giàng A Dê - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mu Cang Chai nhận định: "Lùng Cúng là một trong những bản làng trên địa bàn xã Nậm Có nói riêng và của huyện Mù Cang Chải nói chung rất có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do các điều kiện về cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường, các dịch vụ mạng viễn thông chưa có nên tiềm năng chưa được khai thác sử dụng tương xứng. Bởi vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân làm du lịch rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành để Lùng Cúng sớm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vào giúp ích cho địa phương”.
A Mua
Tin khác