Thúc đẩy du lịch với sản phẩm đặc trưng
Ngày xuất bản: 04/12/2023 9:16:00 SA
Lượt đọc: 8432

 Trong hành trình du lịch, ngoài việc thụ hưởng các dịch vụ về lưu trú, ngắm cảnh, vui chơi thì du khách đặc biệt quan tâm tới các sản phẩm đặc trưng mang thông điệp về văn hóa của mỗi vùng đất và người dân địa phương, có thể kể đến như: nông sản, ẩm thực, hàng thủ công, hàng lưu niệm... Đây chính là yếu tố hấp dẫn, tạo dấu ấn khác biệt ở mỗi điểm đến.

Ẩm thực của người Thái Mường Lò là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch.

 Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực khôi phục các làng nghề, nghề truyền thống không chỉ giải bài toán lao động, việc làm mà còn tạo thành một mắt xích trong phát triển kinh tế du lịch. Các sản phẩm đặc trưng, ẩm thực của địa phương cũng được khuyến khích khai thác, hỗ trợ để đạt tiêu chuẩn và đưa các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. 

Ông Trần Trung Kiên - Phó phòng Văn hoá - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Một vài năm gần đây, trên địa bàn huyện đã triển khai các tour, tuyến du lịch tham quan, khám phá trải nghiệm Làng nghề nấu rượu thóc La Pán Tẩn, nghề dệt vải sợi lanh, tạo hoa văn trên trang phục của người Mông. Phòng cũng tham mưu cho huyện khai thác nét đặc sắc trong ẩm thực các dân tộc: khẩu si, khẩu thọng chảy (một món bánh của người Thái làm từ gạo nếp), bánh thái gù, pá zù, mèn mén, bánh dày… để phát triển thành sản phẩm du lịch, bổ trợ cho khu vực dịch vụ tại các lễ hội, các tour trải nghiệm. Đến nay, một số sản phẩm này đã được người dân sản xuất thường xuyên, phục vụ nhu cầu của du khách”. 

Tại các điểm du lịch nổi bật của tỉnh cũng đã được bố trí, xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng. Các địa phương tiếp tục lựa chọn, vận động các hộ gia đình duy trì hoạt động, dịch vụ chế biến các món ăn truyền thống để giới thiệu cho khách du lịch thưởng thức và trải nghiệm cách chế biến; khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm được chứng nhận OCOP giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.

Thị xã Nghĩa Lộ là địa phương có thế mạnh về du lịch cộng đồng cùng với nét đẹp truyền thống của văn hoá người Thái Mường Lò. Từ những chiếc khăn piêu, bộ áo cỏm duyên dáng, các mặt hàng thổ cẩm cho đến các đồ thủ công đan lát, các đặc sản: gạo Séng cù, thịt trâu sấy, lợn sấy, hun khói… đều đã trở thành những sản phẩm thu hút du khách. 

Đặc biệt, ẩm thực của người Thái là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định vị thương hiệu du lịch Mường Lò. Làm du lịch cộng đồng đã lâu, gia đình bà Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi có một cách riêng để níu chân du khách - đó là ẩm thực với mâm cơm đón khách đa dạng các món ăn đặc trưng. 

Bà Chung chia sẻ: "Tôi vẫn giữ nguyên cách chế biến xưa kết hợp với nguyên liệu tươi ngon, các loại gia vị đặc trưng, có gia giảm để phù hợp với nhu cầu của du khách. Ngoài ra, tôi cũng trực tiếp giới thiệu cho du khách về đặc điểm, tên gọi và ý nghĩa của các món ăn. Họ rất thích thú trước khi thưởng thức được nghe kể về nguyên liệu, cách chế biến ra món ăn và các câu chuyện truyền thuyết văn hóa trong từng món”.

Hàng năm, vào các dịp lễ hội, thị xã Nghĩa Lộ cũng thường tổ chức các hội thi ẩm thực truyền thống các dân tộc, đem những món đặc sản, đặc trưng của dân tộc mình giới thiệu đến du khách thưởng thức và cảm nhận văn hoá của người Thái. 

Không chỉ ở Nghĩa Lộ, hầu như các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có những sản vật đặc trưng, thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hoá, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc. Điển hình như khi đến Mù Cang Chải, khách du lịch có thể thưởng thức và mua các đặc sản: mật ong rừng, sơn tra khô, các sản phẩm thổ cẩm, rượu thóc La Pán Tẩn, các loại dược liệu; đến Văn Chấn có trà Shan tuyết, gạo nếp, cốm Tú Lệ, các loại cam, quýt, bưởi; đến Văn Yên là các loại sản phẩm chế biến từ quế; Lục Yên thì là dầu lạc, lạc đỏ, cam sành, vịt bầu… 

Chị Lê Huyền Nhung - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi cho rằng, các sản phẩm đặc trưng, ẩm thực tại mỗi điểm đến phản ánh chân thực và rõ hơn bản sắc, con người, phong tục, tập quán nơi đây và là một trải nghiệm khám phá khá thú vị. Bởi vậy, đi đến bất cứ đâu, tôi đều thích tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng vùng miền vừa để sử dụng, vừa để biếu tặng người thân, bạn bè”.

Các sản phẩm đặc trưng dù không phải là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch, song không thể phủ nhận, việc thiếu các sản phẩm đặc trưng, quà tặng, đồ lưu niệm sẽ phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương. Việc tìm kiếm, phát triển những sản phẩm đặc trưng cần tiếp tục được quan tâm, góp phần làm nên sự hấp dẫn của mỗi điểm đến, đủ sức níu chân du khách trong, ngoài tỉnh và cả những du khách quốc tế.

Hoài Anh

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/