Sắc màu Trạm Tấu
Ngày xuất bản: 16/09/2022 8:02:00 SA
Lượt đọc: 52239

Mảnh đất rẻo cao Trạm Tấu với nền văn hóa các dân tộc đậm đà bản sắc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy đã trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách trên cung đường chinh phục các địa danh Yên Bái và Tây Bắc.

Nét đặc sắc của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu được gìn giữ qua các lễ hội.

Đồng bào dân tộc Mông chiếm 77% dân số huyện Trạm Tấu. Nền văn hóa dân tộc Mông nơi đây đậm đà bản sắc phản ánh qua hệ thống các lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, trang phục… Đặc biệt, tiếng khèn xuất hiện gần như trong tất cả các hoạt động đời sống hàng ngày. 

Tiếng khèn trên nương xua tan những nhọc nhằn, vất vả. Tiếng khèn gắn kết những tâm hồn, hòa quyện con người với thiên nhiên. Tiếng khèn tha thiết gọi bạn tình đến. Đồng bào Mông ở Trạm Tấu vẫn duy trì Lễ hội Gầu Tào những ngày đầu xuân với nhiều nét độc đáo. 

Lễ hội được tổ chức vào dịp đón năm mới để cúng tạ ơn trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, cầu cho dân bản một năm mới mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng, cộng đồng được may mắn, không ốm đau bệnh tật, cầu lộc con cái… 

Nghệ nhân Giàng A Dao ở xã Bản Mù cho biết: "Để chuẩn bị cho Lễ hội Gầu Tào, đồng bào sẽ chọn ngày đẹp chặt và dựng cây nêu treo dải vải đỏ cùng chiếc khèn Mông ở bãi đất trống. Sau khi việc dựng cây nêu đã hoàn tất, dân bản gần xa đều biết nơi sẽ tổ chức Lễ hội Gầu Tào và nô nức rủ nhau đi hội. 

Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, lễ vật được bày dưới chân cột cây nêu gồm giấy cúng, gạo, nước, rượu và 1 con gà trống. Chủ lễ sẽ thắp hương, vái lạy 4 hướng rồi tiến hành lễ cúng. Cúng xong, chủ lễ sẽ thực hiện nghi thức cắt tiết gà trống rồi mang đi luộc để tạ ơn thần linh. Tiết gà sau khi cắt sẽ được quét lên giấy cúng rồi đặt lên bàn cúng. Bước sang phần hội, dân bản cùng tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian độc đáo như ném pao, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh tu lu, kéo co”. 

Sau dân tộc Mông, dân tộc Thái chiếm 17% dân số ở huyện Trạm Tấu. Cũng như đồng bào Mông, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái cũng được hiện hữu rất rõ trong đời sống hàng ngày. Ra đường, đi chợ có thể dễ dàng nhận biết qua trang phục hay ngôn ngữ, giai điệu âm nhạc. 

Hiện nay, thế hệ trẻ dân tộc Thái trên địa bàn huyện đã biết dựa vào mạng xã hội để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình thông qua các hình ảnh, clip, phát trực tiếp về các lễ hội, cưới hỏi truyền thống. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Thái huyện Trạm Tấu còn biết gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc mình để phát triển du lịch. 

Chị Hoàng Thị Hà, dân tộc Thái, chủ một homestay tại xã Hát Lừu cho biết: "Qua tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương, học hỏi thêm trên sách báo, tivi và đi tham quan một số mô hình homestay kinh doanh hiệu quả của các địa phương trong và ngoài huyện, gia đình tôi đã đầu tư sửa sang lại ngôi nhà đang ở để làm du lịch. Những thứ thân quen với cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái cứ tưởng bình thường vậy thôi mà khách du lịch rất thích khám phá, nhất là ẩm thực truyền thống”. 

Người Thái Trạm Tấu nói riêng và Yên Bái nói chung được trao truyền từ đời này qua đời khác đã làm nên một nền ẩm thực hấp dẫn, ấn tượng từ mùi vị đến hình ảnh với các món đặc trưng như xôi ngũ sắc, cá nướng - "Pa pỉnh tộp”, thịt lợn, thịt trâu sấy, thịt băm gói lá dong nướng - "nhứa pỉnh phặc phằm”, lạp sường - "côống sượng”…

Cùng với dân tộc Thái, Mông, huyện Trạm Tấu còn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Khơ Mú, Tày, Mường… Mỗi dân tộc một sắc màu, vừa gìn giữ, phát huy, vừa giao lưu thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc để tạo nên một Trạm Tấu đặc sắc, phát triển trong sự đa sắc màu văn hóa. 

Nguồn : baoyenbai.com.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/