Khách đông trở lại, du lịch tăng giá
Ngày xuất bản: 19/01/2022 9:48:00 SA
Lượt đọc: 23166

Ngay từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch của du khách tăng trở lại sau một thời gian dài giãn cách vì dịch Covid-19. Trong khi nhiều quy định, chính sách đang được áp dụng linh hoạt tại các địa phương thì việc công khai, minh bạch thông tin về cách thức phòng, chống dịch sẽ giúp du khách yên tâm, có sự chuẩn bị chu đáo cho hành trình du xuân.

Giá dịch vụ du lịch thay đổi chóng mặt

Những ngày giáp Tết cổ truyền, khách đặt phòng, đặt vé từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Đà Lạt (Lâm Đồng)... trở nên đặc biệt sôi động. Chị Nguyễn Lan Hương (du khách Hà Nội) dự định đưa gia đình đi Nha Trang nhưng khi chọn được thời gian và địa điểm ưng ý để tiến hành đặt dịch vụ thì chị lại nhận được báo giá đã thay đổi nhiều so với trước đó. Người bán hàng còn giục chị phải đặt sớm nếu không sẽ không bảo đảm giá này cho chị.

Đại diện một số công ty lữ hành cho biết, hiện tượng này thường xảy ra vào dịp cuối năm, kể cả thời điểm chưa có dịch Covid-19. Vì vậy, khách đặt lịch đi du lịch muộn sẽ phải chấp nhận giá tăng cao so với dự kiến ban đầu. Có lẽ do bị “kìm chân” quá lâu vì dịch bệnh nên dù giá có phần cao hơn, nhu cầu du lịch dịp Tết âm lịch năm nay khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xu hướng khách đặt lịch trước ngày đi rất hiếm.

Theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)-thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ mới đây, trước khi có dịch Covid-19, khách đặt trước trung bình 16,2 ngày; nay 74% khách chỉ đặt trước một tuần, thậm chí 28% người được hỏi không đặt trước. Nên việc bảo đảm giá dịch vụ đúng như giá báo trước đó của các công ty là khó khả thi.

Khu nghỉ dưỡng Alma (Cam Ranh, Khánh Hòa) đưa thêm hoạt động xin chữ đầu năm vào dịch vụ mùa Tết Nhâm Dần 2022.Ảnh: TUẤN ANH

Yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch thông tin về giá là chính đáng. Tuy nhiên, du khách giờ đây cũng không tìm đến những dịch vụ giá thấp, mà yêu cầu về giá tương xứng với chất lượng dịch vụ (51% theo khảo sát). Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Để thu hút khách trở lại, giờ chúng ta không nên nói đến việc bán sản phẩm du lịch giá thấp, thay vào đó, phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có thêm các dịch vụ bổ trợ. Có như vậy mới thúc đẩy du lịch phát triển".

Nhu cầu được cung cấp thông tin an toàn dịch bệnh

75% du khách muốn được cung cấp thông tin an toàn dịch bệnh. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát xu hướng và nhu cầu du lịch trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do TAB và Ban IV thực hiện từ ngày 1 đến 20-12-2021 với 10.717 người tham gia trả lời trên báo điện tử VnExpress. Theo khảo sát này, nhiều du khách bày tỏ lo ngại: Bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%), nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch (61%), bị những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%)...

Có thể những con số này chỉ là khảo sát đại diện nhưng thực tế đã chứng minh đây là lo ngại của nhiều du khách. Đã có một số chuyến khảo sát du lịch dành cho báo chí và doanh nghiệp du lịch, nhưng khi tới điểm đến, xe đã phải quay đầu do “đóng cửa”. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, cho biết: “Bản thân tôi cũng có nhiều thắc mắc trước chuyến đi từ Hà Nội vào Phú Quốc (Kiên Giang) để tham dự một hội nghị về kích cầu du lịch.

Thông tin về quy định du lịch an toàn của các địa phương rất khó tìm, không tập trung. Tôi chưa tìm được trang nào có thể cung cấp thông tin đầy đủ về quy định của các địa phương với du khách trong phòng, chống dịch; yêu cầu đối với khách du lịch; yêu cầu về tiêm phòng, xét nghiệm, hạn chế đi lại... Trong khi các quốc gia khác họ làm trang thông tin về điều này rất chuyên nghiệp”.

Ông Chính đề xuất: "Các địa phương có cùng cấp độ dịch cần quy định thống nhất, không đưa ra những quy định riêng không nhất quán với quy định của Chính phủ. Thông tin về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cần được cập nhật thường xuyên và được đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập".

Cùng về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV đồng tình cho rằng: “Người dân hiện nay rất khó tìm kiếm những thông tin này bởi các địa phương liên tục đưa ra quy định để thích ứng với tình hình mới của dịch Covid-19. Văn bản không ngắn gọn, súc tích. Chính phủ cần sớm đưa ra một trang thông tin thống nhất để không chỉ du khách mà người dân trong nước, đối tác, du khách quốc tế có thể dễ dàng nắm được những thông tin chính thống, phục vụ cho chuyến đi của mình”.

Nguồn : qdnd.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/