Xu hướng du lịch mới sau dịch Covid-19
Ngày xuất bản: 30/03/2022 8:05:00 SA
Lượt đọc: 24882

Trở lại với thị trường du lịch thế giới từ 15-3, cơ hội của Việt Nam tại những thị trường du lịch lớn trên thế giới ra sao? Du khách quốc tế sau hai năm dịch đã thay đổi sở thích du lịch, họ sẽ chuộng gì? Phóng viên Kinh tế Sài Gòn đã ghi lại lời chia sẻ của các vị đại sứ, vị đại diện Việt Nam tại những thị trường lớn của ngành du lịch.

Khách quốc tế tại TPHCM trước dịch. Ảnh Đào Loan

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ: Du lịch xanh, bền vững, hạ tầng y tế tốt và chính sách hủy, hoãn linh hoạt

Sau hai năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của người Mỹ tăng cao với 80% số người Mỹ muốn đi du lịch trong vòng sáu tháng tới, theo nghiên cứu của tổ chức Destination Analysis.

Du khách Mỹ muốn đến những nơi có sự an toàn, thân thiện, an ninh, du lịch xanh và không có sự thay đổi bất ngờ về các quy định. Họ sẽ ưu tiên chọn các dịch vụ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, có hạ tầng y tế tốt, đảm bảo về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm. Thêm vào đó là các dịch vụ linh hoạt, cho phép thay đổi ngày hoặc hoãn – hủy đặt chỗ để giảm rủi ro, du lịch gia đình để trải nghiệm tự do và không thích tour đông người. Ngoài khách sạn, người Mỹ thích homestay và thường đặt chỗ qua mạng để hạn chế tiếp xúc.

Có ba nhóm khách mà du lịch Việt Nam có thể thu hút, gồm cư dân Mỹ – những người xem Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn về thắng cảnh, văn hóa và lịch sử; doanh nhân Mỹ – những người muốn đến đất nước có nền kinh tế năng động như Việt Nam và người Việt sinh sống tại Mỹ, vốn rất muốn về thăm thân nhân, đầu tư và du lịch sau hai năm gián đoạn vì Covid.

Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, điểm đến cần giải quyết một số vấn đề. Trong đó, hiện số ca nhiễm tại Việt Nam hiện quá cao nên phía Mỹ đã nâng mức độ dịch Covid-19 tại Việt Nam lên mức 4, tức là mức độ rất cao và nâng cảnh báo công dân nước này “không đi lại” với Việt Nam. Tuy Mỹ có khuyến cáo này với hơn 130 nước và vùng lãnh thổ nhưng đây sẽ là một trở ngại khi người dân Mỹ tính lên kế hoạch đi du lịch.

Thêm vào đó, các chủ trương, chính sách cần được triển khai nhất quán từ trung ương đến địa phương, tránh thay đổi bất ngờ. Ngành du lịch nên bám sát xu hướng du lịch mới, du lịch xanh, bền vững và du lịch an toàn và có các chương trình khuyến mãi cũng xây dựng các cơ có cơ sở y tế chất lượng cao phục vụ du khách.

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản: Giá tốt, khuyến khích doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam

Nhật Bản đánh giá cao việc phòng, chống dịch và chính sách mở cửa của Việt Nam nên đã đồng ý nối chuyến bay ngay lập tức sau khi Việt Nam nối lại đường bay thương mại quốc tế. Nhật cũng nhanh chóng công nhận mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam.

Khách Nhật đi du lịch thuần túy có thể chưa trở lại Việt Nam lúc này vì Nhật Bản (do chưa mở cửa hoàn toàn) vẫn buộc người từ nước ngoài về Nhật Bản phải cách ly ba ngày, làm du khách tốn nhiều thời gian hơn. Thêm vào đó, người Nhật thường đi du lịch tập thể, qua các công ty lữ hành, nhưng chính phủ nước này lại chưa khuyến khích du lịch đông người.

Tổng cục Du lịch Việt Nam nên tiếp tục các hoạt động xúc tiến du lịch với phía Nhật Bản để có kế hoạch thu hút du khách cho mùa du lịch hè.

Về giá tour, trước đây, người Nhật đi nước ngoài vì giá rẻ hơn nhưng nay Chính phủ Nhật đang khuyến khích du lịch nội địa với các chương trình khuyến mãi tốt – một điểm bất lợi cho các điểm đến bên ngoài.

Theo tôi, du lịch Việt Nam nên tập trung khuyến khích mảng doanh nghiệp Nhật đi vào Việt Nam. Hai năm qua, số lượng doanh nghiệp nước này đến Việt Nam chưa nhiều, hiện muốn vào ngay để làm ăn. Bộ Ngoại giao cùng Tổng cục Du lịch nên có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích phân khúc khách hàng này, cần có những hội nghị, tọa đàm với doanh nghiệp Nhật Bản để biết bạn cần mà đáp ứng và nên có chính sách riêng vì mỗi nước có những đặc thù riêng.

Ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp: Du lịch bền vững, theo nhóm nhỏ, tránh tiếp xúc

Khảo sát mới cho thấy, ba phần tư người Pháp đã sẵn sàng đi du lịch nước ngoài. Trong số những điểm đến ngoài châu Âu, 30% cho biết muốn đến thăm châu Á.

Với Việt Nam, người Pháp luôn xem là điểm du lịch truyền thống. Trong các điểm đến ở vùng Đông Nam Á, Việt Nam là điểm đến quen thuộc của người Pháp. Người dân nước này đánh giá cao vẻ đẹp thiên nhiên cũng như những giá trị văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam. Kỳ vọng thu hút du khách Pháp là rất lớn vì hiện Pháp xếp Việt Nam vào điểm đến xanh, an toàn, khách Pháp đang chờ thông tin mở lại du lịch Việt Nam.

Để thu hút du khách từ nước này, khi mở cửa du lịch cần có chính sách nhất quán, tạo sự yên tâm và thuận tiện cho du khách về chính sách nhập cảnh, khai báo y tế, di chuyển, lưu trú và cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để khởi động lại.

Người Pháp có xu hướng ưu tiên cho du lịch bền vững, quan tâm đến yếu tố môi trường, du lịch chậm, kết hợp du lịch với làm việc từ xa. Du khách cũng quan tâm đến những loại hình an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như ưu tiên cho du lịch ngoài trời, vận động, du lịch theo nhóm nhỏ.

Du khách Pháp chọn điểm đến có quy định y tế rõ ràng, 53% số người Pháp ưu tiên chọn các sản phẩm du lịch có cho phép linh hoạt hủy, hoãn dịch vụ và có ứng dụng công nghệ thông tin. Doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ đặt phòng, thanh toán, kiểm tra soát vé để tránh tiếp xúc.

Ngành du lịch nên quảng bá sớm cho các sự kiện lớn, các sản phẩm và điểm đến đến du khách Pháp. Du lịch phải đi đôi với truyền thông, thậm chí truyền thông phải đi trước để tạo các xu hướng. Hiện nay, báo chí của Pháp vẫn liên tục có bài viết về những điểm đến hàng đầu sau dịch, trong đó có Việt Nam, đây là lợi thế của Việt Nam và cần phải tăng cường quảng bá hơn nữa với thị trường này. Cuối cùng là cần tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu, nội dung quảng bá bằng tiếng Pháp để đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để quảng bá du lịch.

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: Làm việc trực tiếp với doanh nghiệp Ấn Độ, quảng bá tour đám cưới

Nhiều người Ấn Độ muốn đi Việt Nam, đặc biệt là sau những đám cưới tỉ phú và sau khi hai nước mở đường bay thẳng. Hiện nay, sau thời gian dài bị hạn chế, nhu cầu du lịch lại càng tăng cao hơn.

Người dân nước này thường đi du theo nhóm đông, có khi là mấy chục người một đoàn, gồm cả đại gia đình ba thế hệ và hay mặc cả nên cần có sự ưu đãi.

Ở Ấn Độ, các công ty có quỹ riêng dành cho nhân viên đi du lịch vào cuối năm. Vì vậy, ngoài lượng khách thuần túy, du lịch Việt Nam nên tiếp cận thẳng vào các tập đoàn của nước này để thu hút khách

Hiện tại, chúng tôi có nhóm 250 du khách muốn vào Việt Nam. Khách đề nghị có hai ngày ở Hà Nội, hai ngày ở TPHCM, đề nghị tour có giá ưu đãi và khởi hành càng sớm càng tốt vì năm tài chính của công ty sẽ kết thúc vào ngày 31-3 tới.

Hiện có khoảng 20 công ty tại Ấn Độ chuyên bán tour đám cưới. Chúng tôi đang xây dựng clip quảng bá nhắm vào các công ty này, giới thiệu với họ về Việt Nam như một điểm đến lý tưởng cho loại hình tour đám cưới. Chúng tôi sẽ gửi đoàn chuyên tổ chức đám cưới ở nước này vào cho đón để làm clip giới thiệu Việt Nam là một điểm đến lý tưởng cho loại hình này.

Ông Vũ Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc: Tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp

Hiện nay, quy định phòng dịch của Đài Loan còn rất chặt chẽ. Người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày, tự theo dõi sức khỏe bảy ngày nên người Đài Loan chưa muốn đi du lịch nước ngoài nhưng khách doanh nghiệp sẽ muốn đi ngay để đầu tư.

Vào năm ngoái, đầu tư của lãnh thổ này vào Việt Nam giảm sút rõ rệt, có nguyên nhân là doanh nghiệp không thể đến được. Vì vậy, với thị trường Đài Loan, nên tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp.

Chúng tôi kiến nghị, tất cả các khâu quảng bá, xúc tiến, y tế phải được chuẩn bị đồng bộ. Vừa qua, có những doanh nhân phản ảnh là thẻ đi lại APEC bị tạm dừng, vì vậy cần khôi phục lại cho doanh nghiệp thuận lợi đi lại làm ăn, đầu tư.

Thêm vào đó, với công ty du lịch Đài Loan, cần có khuyến mãi hàng không, khách sạn… để thúc đẩy lượng khách đến.

Nguồn : thesaigontimes.vn

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/