Đền Đông Cuông
Ngày xuất bản: 05/05/2017 3:06:00 CH
Lượt đọc: 1591

 Đền Đông Cuông hay Đền Vệ Quốc nằm trên địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào tháng 01 năm 2009. Cách thành phố Yên Bái 55km, cách thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên 15km, giao thông đi lại thuận tiện cả về đường bộ, đường sắt và đường sông, đặc biệt là khi có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đền tọa lạc bên bờ hữu sông Hồng (sông Thao), theo hướng Đông Nam, nhìn về bờ tả là cuối Ghềnh Ngai, tương truyền là có đền Đức Ông. Đền Đông Cuông thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và các vị anh hùng người dân tộc thiểu số trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII được gọi là Đền Vệ Quốc, thờ Thần Vệ Quốc (vị thần bảo vệ Tổ quốc) (theo các tác giả của Đại Nam Nhất Thống Chí). Đền được nhà bác học lừng danh Lê Quý Đôn thế kỷ thứ XVIII xếp vào danh mục “Dấu tích linh thiêng” (linh tích). Nơi đây đã hội tụ cả bóng dáng của anh hùng văn hóa và anh hùng dân tộc, mang trong mình những giá trị không thể phủ nhận:

1. Giá trị lịch sử - văn hóa:

Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Trần Lâm Biền khảo sát nghiên cứu Đền Đông Cuông, tháng 2 năm 1993 đã viết: “Người Việt là nông dân, trong sản xuất lấy đất và nước làm đầu. Hai yếu tố này là âm so với trời là dương. Việc nhân cách hoá thần đất và nước, vì thế đã mang dạng nữ được đề cao và trở thành Mẹ. Mẫu Đông Cuông là một “Đấng vô cùng”, một bà “Mẹ thế gian” khởi đầu của bước phát triển dân tộc. Bà là chúa rừng cai quản mọi nguồn của cải cùng các “Kiếp đời đã qua”, bà gắn với  các thời kỳ người Việt còn sinh sống ở miền rừng núi. Khi xuống tới địa đầu đồng bằng, bà mẹ thiêng liêng đó đã  hoá thân thành Mẹ “Xứ Sở” mà điển hình là Âu Cơ. Người Việt xuống tiếp vùng đồng bằng cao, đã nảy sinh ra hệ thống các bà mẹ thuộc  Tứ Pháp" là thần linh nông nghiệp, nhằm cầu được mùa. Tứ Pháp gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Mây, mưa, sấm, chớp). Xuống tới đồng bằng thấp, hệ thống Tứ Phủ với các bà mẹ linh thiêng gồm: Trời, Rừng, Nước, Đất được hình thành… Cùng với các bà là cả một hệ thống thần linh xuất thân từ các anh hùng dân tộc trong các cuộc chống ngoại xâm như Trần Lựu, Nguyễn Xí… và nhiều tướng lĩnh khác. Như vậy, Mẫu Đông Cuông với đền thờ của Bà đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử hình thành dân tộc”. Có thể nói, đền Đông Cuông là nơi đền Mẫu Thượng khởi đầu của tục thờ Mẫu Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ lịch sử dân tộc chống giặc ngoại xâm, đền còn tôn thờ thêm các vị anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII và các vị thủ lĩnh người Tày Khao trong cuộc khởi nghĩa Giáp Dần của người Dao – Tày (1913 – 1914) đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hiện nay Di tích còn giữ được 04 đạo sắc phong quý và đôi chum gốm sứ, chiêng đồng có niên đại hàng trăm năm.

Đền có lễ hội lớn điển hình của tỉnh Yên Bái và cả nước. Lễ hội đầu năm khởi đầu từ ngày Mão (sau 03 ngày tết) tế thần bằng lễ hiến sinh trâu trắng được mổ thịt vào giữa giờ Tý (0h), tế thánh, thần, cầu cho mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng đưa ra những giải mã tại sao lễ hội này lại được tổ chức vào ngày Mão đầu năm sau tết (trừ 03 ngày tết, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng Giêng). Vì theo Âm lịch, Mão – Mèo là con giáp trong 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão…), người Trung Hoa gọi Mèo là “Ngọc Thỏ”, là biểu tượng của mặt trăng, của nông lịch (lịch mặt trăng – âm lịch) – tín ngưỡng này liên quan đến sự phát triển của ngành nông nghiệp. Sản vật được dùng để tế thần linh là trâu trắng, màu trắng trong Ngũ hành tượng trưng cho hành Kim. Kim loại là nguyên liệu dùng để sản xuất công cụ chính cho sản xuất nông nghiệp, như: cày, bừa, dao, cuốc, mai… Đồng thời, một số nhà nghiên cứu văn hóa còn chỉ ra rằng, nhiều tộc thiểu số quan niệm hành Thủy là màu trắng hoặc màu đen, theo ý niệm thuận nước (mưa thuận, gió hòa).

Lễ hội mùa thu của đền được tổ chức vào tháng 9 Âm lịch hàng năm, sản vật được dùng để cúng tế thần linh trong dịp này lại là trâu đen. Điều này cũng được lý giải như trên, màu đen tượng trưng cho hành Thủy, thể hiện sự quan trọng của yếu tố nước trong sản xuất nông nghiệp.

Thủ nhang đền lấy tiết trâu đựng vào 12 chén dâng lên Mẫu, nửa còn lại đem ra bãi cát sát mép sông làm nghi lễ hiến sinh tạ ơn trời, đất, sông, núi và các quan binh đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, hoà tiết trâu vào sông Thao, dòng sông mẹ thiêng liêng chuyển đến các thần linh thượng hưởng, che chở cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, muôn dân no đủ. Nghi lễ treo trâu hiến sinh tế Mẫu ngay trước đền, vừa mang tính cổ xưa lại mang đậm tính tâm linh, thể hiện rõ phong tục tập quán của người Tày Khao.

Đến giờ Thìn, lễ rước kiệu Mẫu sang sông bằng bè nứa dại (phương tiện giao thông thủy chính xưa) và lễ dâng hương tế Mẫu tại đền.

Như vậy, vào đầu xuân, nghi lễ đền Đông Cuông có 03 lễ chính là lễ mổ trâu, lễ rước Mẫu sang sông và lễ dâng hương tế Mẫu. Vào tháng 9 Âm lịch hàng năm đền Đông Cuông tổ chức lễ hội Cơm mới, tế Mẫu bằng trâu đen.

Tất cả những nghi lễ trên đều được thực hiện dưới sự chủ trì của thầy Mo là người Tày trong xã, mọi hoạt động tế lễ hay hội đều mang đậm màu sắc tộc người Tày, Dao trong đó nghi lễ của người Tày là chủ đạo. Hoạt động cúng tế bằng tiếng Tày, có phụ họa bằng trống, chiêng và các đội xòe của các cô gái Tày Khao trong trang phục chàm và bộ xà tích truyền thống. Phần hội với các trò chơi dân gian và các hoạt động văn nghệ, thể thao mang đậm màu sắc các tộc người Tày, Dao, Kinh như: đẩy gậy, kéo co, ném còn, đấu vật, chọi gà, tát yên đặc biệt là các phiên chợ quê giới thiệu, quảng bá các sản vật của địa phương và những nét văn hóa độc đáo của các tộc người Tày, Dao, Kinh.

Qua hệ thống các nghi lễ diễn ra tại đền, ta nhận thấy những dấu ấn văn hóa cổ xưa của các cộng đồng tộc người, đặc biệt là người Tày Khao - một cư dân đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất này.

Những nghi thức hầu bóng kể về công trạng của Thần Vệ quốc và các anh hùng dân tộc trong các cuộc khởi nghĩ chống giặc ngoại xâm qua các giai đoạn lịch sử là minh chứng giá trị lịch sử của di tích. Với nhiều nghi lễ đặc trưng, nhiều lễ hội độc đáo, từ lâu đền Đông Cuông đã trở thành điểm đến trên hành trình tìm về cội nguồn, du xuân đầu năm của đông đảo du khách thập phương.

2. Giá trị kiến trúc:

Mặc dù mới được phục dựng từ năm 2003 tới nay nhưng kiến trúc di tích của đền khá đẹp, khang trang, bề thế đáp ứng được những yêu cầu về kiến trúc của ngôi đền thời Mẫu, như: Đền thờ chính (tòa Đại Bái và Hậu cung), tòa Sơn Trang, miếu Cô, miếu Cậu.

Di tích được tọa lạc ở vị trí có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, non nước hữu tình, phong thủy hài hòa. Mặt di tích được xây dựng hướng về phía Đông Nam, nhìn ra sông Hồng, đoạn cuốn khúc dòng (Tiền Thủy đáo), nước quẩn, bên bờ Tả, có ghềnh và núi Ngai, tượng trưng thế vững trãi, tọa hướng Tây là dãy núi Con Voi hùng vĩ.

Hiện nay, bờ sông đang được xây dựng kè sẽ tạo cho sân trước của đền được mở rộng, không gian lễ hội tăng lên. Cảnh quan di tích đang được trồng nhiều cây lưu niên bản địa, trả lại không gian thường như xưa kia, là vùng cõi của đại ngàn, mênh mông, hùng vĩ, trở thành khu vực địa quân sự trọng yếu bảo vệ Tổ quốc.

Việc tôn thờ ở đền được thể hiện theo hình thức thờ Tứ phủ. cung cấm có 02 pho tượng, tượng Mẫu Vệ Quốc và tượng Vua Con Tương truyền đây là vua con của Thánh Mẫu, là hình thức tôn tượng độc đáo với ý niệm vua nào cũng do một người mẹ sinh ra, mẹ là “tiên thiên”, là “đấng vô cùng”, “nhất mẹ, nhì trời”, mẹ mới là vị thần bảo vệ Tổ quốc. Quan niệm này chỉ có trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, xem “Mẹ là nguyên lý trong sự phát triển của văn hóa Việt” (theo tác giả Trần Quốc Vượng). Trong khi các nền văn hóa khác thì coi thần hơn mẹ.

3. Giá trị khoa học:

Bên cạnh giá trị văn hóa – lịch sự và kiến trúc, đền Đông Cuông cũng hàm chứa những giá trị to lớn về khoa học, về phong thủy – một nền khoa học bác học cổ xưa. Điều này được thể hiện từ cách thức chọn đất (vị trí, địa hình, hướng đất) xây dựng đền, chọn đất tại nơi có vị trí hiểm yếu dựng đền vừa tế trời, tổ chức lễ hội, vừa canh phòng để bảo vệ Tổ quốc. Di tích hài hòa trong rừng sâu, mang yếu tố cảnh quan, môi trường do vậy hàng năm tại đây có nghi lễ cúng rừng, thần linh coi giữ 81 cửa rừng.

Thông qua việc tổ chức lễ hội phục dựng lịch sử hào hùng về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, việc hàng năm đền tổ chức rước Mẫu đến giữa sông, đón Đức Ông về thượng hưởng, tục là nghi lễ đẹp đồng thời cũng thể hiện ý thức dân tộc về sự cảnh giác, với ý niệm các vị thần mỗi người canh giữ một phương bảo vệ vững chắc Tổ quốc, chống xâm lược. Ý thức hệ đó được xuyên suốt theo chiều dài lịch sử của dân tộc, từ sự tích đẻ bọc trăm trứng nở trăm con, 50 người con lên non, 50 người con xuống biển; đến hòn vọng phu hóa chờ chồng đi đánh giặc bảo vệ non sông gấm vóc. Tục hòa tiết trâu tế và rượu với nước sông trong ngày tế là biểu tượng cho ý thức “uống nước nhớ nguồn”, tế Thủy thần và quan lính các triều đại đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Các giá trị khoa học của di tích góp phần khẳng định về vai trò đạo Mẫu ở Việt nam, là tôn giáo duy nhất của dân tộc ta được hiểu theo tư duy hiện nay, là tín ngưỡng dân gian mang yếu tố Việt gần gũi từ thần, tiên đến người mẹ hồn hậu trong mọi gia đình. Các tôn giáo khác đều được du nhập và Việt hóa theo tiến trình phát triển của nền văn hóa của dân tộc.

Di tích đền Đông Cuông và các nghi thức hành lễ góp phần làm sáng tỏ về vấn đề cư trú của người Việt cổ dọc sông Hồng (sông Thao), là cái nôi phát triển đầu tiên của dân tộc. Người Việt cổ định cư hàng chục vạn năm ở vùng đất này với việc tìm ra di chỉ đồ đá cũ Bến Mậu A, cách di tích 15km về phía hạ nguồn. Hai nhóm người Việt cổ chính là người Kinh và người Tày cùng chung sống. Sau này, người Kinh theo sông Hồng mở mang, khai khẩn châu thổ Bắc Bộ, người Tày ở lại và tiếp tục thờ Mẫu Thượng Ngàn. Nghi lễ mang sự giao thoa văn hóa trong sự tiếp nhận và bảo tồn. Đến nay, nghi thức cúng, tế này càng làm tăng thêm giá trị, bản sắc của di tích.

4. Giá trị toàn dân đoàn kết, gắn kết cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch độc đáo.

Trong lễ hội ngày Mão đầu năm, bên cạnh các nghi lễ chính thì tại đền còn diễn ra nghi thức thụ lộc do nhà đền tổ chức, với khoảng 500 mâm lộc, du khách được bình đẳng thụ lộc. Giá thành mỗi mâm lộc không cao do nguồn thực phẩm chính là thịt trâu khá rẻ, dễ chế biến; trung bình giá thành mỗi mâm chỉ bằng 1/5 mâm cỗ ở những di tích khác. Những giá trị nhân văn của phong tục này đã góp phần gắn kết cộng đồng, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Bên cạnh những món ăn được chế biến từ thịt trâu còn có xôi ngũ sắc được làm từ những nguyên liệu do địa phương canh tác, sản xuất được. Lễ hội mùa thu (tháng 9 Âm lịch) còn có thêm cốm.

Đây có thể xem là một yếu tố quan trọng, nét văn hóa khác biệt tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo cho tỉnh Yên Bái chung và lễ hội Đền Đông Cuông nói riêng.

Cũng giống như ở các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu khác, hình thức hầu bóng, hát chầu văn giáng bút là một phần không thể thiếu. Ở đền Đông Cuông, hình thức này được diễn ra sôi nổi, kéo dài do có nhiều bài chầu hay, được sang tác từ lâu đời song hành cùng với văn hóa dân gian đặc sắc của người Việt.

Đền Đông Cuông xứng đáng là một điểm đến tham quan du lịch tâm linh,  khám phá văn hóa Việt cổ, Kinh - Tày của miền thượng nguồn sông Thao (sông Hồng). Nơi đây, cùng với rừng nguyên sinh Nà Hẩu, các thác nước đẹp, nguyên sơ, các giá trị văn hóa truyền thống của người Tày, Dao, Kinh… hứa hẹn tiềm năng du lịch lớn của tỉnh Yên Bái trong tương lai.

 

       Mã Đình Hoàn

TTQLDT&PTDLYB

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/