Di tích Lịch sử - Khảo cổ học cấp Quốc gia Hắc Y
Ngày xuất bản: 27/03/2019 2:16:00 CH
Lượt đọc: 2160

 Di tích Lịch sử - Khảo cổ học quốc gia Hắc Y, thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, được phát hiện năm 1995. Trải qua 7 lần khai quật đến nay đã phát lộ diện mạo một trung tâm Phật giáo lớn nơi miền Tây Bắc, có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) đồng thời đã thừa hưởng yếu tố chuyển tiếp từ thời Lý và được duy trì sang thời Lê.

Hắc Y vốn dĩ là một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng đình - đền - chùa và các công trình phụ trợ khác gồm : Núi Thần áo đen (hắc y), Chùa tháp Hắc Y, Chùa Dõng, Đền Đại Cại, Chùa Thượng Miện, chùa Bến Lăn, Ao Vua, Trường Đua, được trải khắp trên một diện rộng khoảng 2 km2, trong một thung lũng dọc ngòi Đại Cại thông ra sông Chảy, dưới chân núi phía Nam của núi thần áo đen. Với vị trí được núi non bao bọc cho nên nơi đây trở thành một vùng đất hiểm yếu về bố phòng quân sự. Hệ thống các di tích được phân bố tại một khu vực khá tập trung tạo thành một quần thể thống nhất, hài hòa. Ở đây dường như đã tồn tại “một bàn tay” sắp đặt đầy dụng ý, là sự kết hợp hài hoà giữa giá trị văn hoá và chiến lựợc quân sự, vừa đẹp về mĩ quan, vừa vững chắc trong phòng thủ, cơ động trong chiến đấu quân sự, thuận lợi cả đường bộ và đường thuỷ.

Lễ hội đền Đại Cại

Qua những lần khai quật các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thu được nhiều di vật gồm vật liệu thuộc kiến trúc Phật giáo như gạch, ngói (ngói mũi sen đơn, ngói mũi sen kép, ngói mũi lá, ngói mũi tròn), đá chân cột, các loại tượng đất nung như tượng “đầu rồng lạ”, phượng, uyên ương, lân, voi, sư tử, lá đề, …; đồ thờ, đồ gốm, sứ, tiền đồng… mang phong cách văn hóa thời Trần (cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV). Đặc biệt đã tìm thấy khuôn đúc uyên ương bằng đất nung, đồ gốm, sứ méo, dính như phế phẩm, dấu tích lò đúc, chứng tỏ những sản phẩm được sản xuất tại chỗ. Qua phân tích, đánh giá hiện vật với những hoa văn hay nét chữ trên minh văn, cho thấy ngoài những yếu tố riêng biệt có thể là đặc trưng vùng miền còn xuất hiện dáng dấp hoàng gia quý tộc - nhận định về mối quan hệ mật thiết giữa một vùng biên viễn với Hoàng thành Thăng Long trong thời kỳ này.

Di tích lò nung tại khu di tích - khảo cổ học Hắc Y. Ảnh nguồn : Báo Yên Bái

Kiến trúc phật giáo

Dấu ấn hoàng thành Thăng Long

Bên cạnh những phế tích Phật giáo thời Trần, đền Đại Cại còn mang dấu tích tín ngưỡng dân gian cổ xưa với tín ngưỡng thờ nhiên thần sơ khai của các tộc người thiểu số. Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì đền được xây dựng thời Lê Trung Hưng, đền thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh, một nữ tướng trong truyền thuyết dân gian. Đền từng được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong và được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận và xếp hạng di tích quốc gia năm 2001.

Đền Đại Cại ngày nay được xây dựng lại với thiết kế hài hoà, tự tại nằm dưới chân núi Vua áo đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Ðại Cại, xung quanh là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng.

Hàng năm, khu di tích Hắc Y - Đại Cại đón nhận hàng ngàn lượt khách từ mọi miền đất nước tới tham quan, hành hương, chiêm bái cầu quốc thái dân an, cầu tài - cầu lộc - cầu bình an, đồng thời là địa điểm khảo cổ học hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - khoa học./.

 

 

            Hồng Anh

TTQLDT&PTDL

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/