Đến với Yên Bái, du khách không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của các bản, làng, đắm mình với không khí trong lành của miền núi mà còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo nơi đây, trong đó không thể không nói đến món “Bánh dày” của đồng bào dân tộc Mông.
Với người Mông ở Yên Bái, trong mâm cơm ngày Tết, ngoài rượu thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu, không chỉ để ăn mà còn để cúng tổ tiên. Vì vậy, dù ở đâu, đồng bào Mông nào trong ngày tết cũng phải có bánh dày. Một số nhóm người Mông còn làm chiếc bánh dày to để trên một mâm cơm hoặc cho vào mẹt đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên.
Để có món bánh dày ngon như ý cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh, cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy giã bánh cũng được làm bằng các loại gỗ cứng và nặng; vừng rang sẵn và mấy lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ để nặn bánh để không bị dính. Một yếu tố không thể thiếu nữa là phải chọn được gạo nếp thơm và dẻo, hạt to đều khi đồ lên sẽ cho xôi dẻo. Gạo được vo qua, ngâm bằng nước suối từ 2 đến 3 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ làm bằng gỗ để đồ xôi .Trong khi đồ gạo cần đun nhỏ và đều lửa thời gian đồ khoảng một tiếng, để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã, cần giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Nếu để nguội mới giã thì bánh không nhuyễn, sẽ cứng, khô và khi nặn bánh thì bánh sẽ bị nứt nẻ, không ngon. Người Mông còn chọn nguyên liệu là hạt vừng rang lên, giã nhỏ để trộn với xôi, bỏ vào cối và dùng chày giã nhuyễn, mịn, dẻo. Giã bánh dày là một công việc đòi hỏi nhiều sức lực, Những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh lực lưỡng. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã, giã hết nhà này lại đến nhà khác, khi giã bánh đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự phối hợp nhịp nhàng của đôi nam thanh niên khỏe mạnh, thông qua đó ta cũng thấy được sự gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của cộng đồng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi nào xôi nhuyễn và dẻo quánh thành một khối cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được, họ lấy lòng đỏ trứng gà xoa tay và lá gói để nặn và gói bánh không bị dính, cũng như tạo hương vị thơm của bánh, Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch. Bánh được vắt và nặn thành hình tròn thể hiện cho trời và đất, sự tròn trĩnh và no đủ khi thờ cúng tổ tiên. Làm bánh dày còn thể hiện tinh thần thượng võ, đức tính cần cù, dẻo dai của người Mông chống chọi với thiên tai, khó khăn của vùng sơn cước.
Bánh dày của người Mông Yên Bái không chỉ là món ăn đãi khách mà còn làm quà cho khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo và thơm ngon. Bên mâm rượu, cùng hòa vị với những món ăn truyền thống vùng cao, bánh dày luôn là món ăn hấp dẫn đối với bất cứ ai có mặt trong ngày tết cổ truyền đặc sắc của người Mông ở vùng cao.
Một số hình ảnh của bánh Dày người Mông Yên Bái :
Trần Ngọc Chiến
Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch