Mù Cang Chải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Ngày xuất bản: 18/06/2024 10:24:00 SA
Lượt đọc: 452

 Nhận thức sâu sắc ý nghĩa chiến lược của việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các giá trị văn hóa mới làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Nhiều bạn trẻ ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã tích cực tham gia học múa khèn để bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông

Khèn Mông là nhạc cụ truyền thống được các thế hệ đồng bào ở Mù Cang Chải gìn giữ qua bao đời. Tuy nhiên sự mặn mà với loại nhạc cụ này, nhất là với một số bạn trẻ không còn như những thế hệ cha ông. Năm 2021, xã Lao Chải đã thành lập Câu lạc bộ khèn Mông. Câu lạc bộ được thành lập từ việc tập hợp những người có năng khiếu, yêu thích, đam mê chế tác và múa khèn Mông trong những dịp lễ, tết, cưới hỏi và tham gia các hội thi do tỉnh, huyện, xã tổ chức. 

Từ khi thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã mở 9 lớp học chế tác khèn Mông với gần 100 học viên tham gia; 1 lớp truyền dạy nghệ thuật biểu diễn khèn Mông với trên 30 học viên tham gia.  

Cụ Lờ A Trừ - bậc cao niên ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải - người thường xuyên tham gia hướng dẫn các thành viên trong câu lạc bộ về cách làm khèn cho biết: "Chúng tôi truyền dạy cho các bạn trẻ cách làm khèn, hướng dẫn các thành viên nghệ thuật biểu diễn múa khèn để các bạn trẻ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Để duy trì hoạt động của Câu lạc bộ, vào thứ 6 hàng tuần, các thành viên tập hợp tại nhà văn hóa của bản để thổi khèn cho nhau nghe hoặc khoe những điệu múa khèn mới học được để cùng tham gia, góp ý và luyện tập cho nhuần nhuyễn từng động tác". 

Tiếng khèn Mông đã trở thành giai điệu hò hẹn, chắp gửi lời yêu thương của bao chàng trai, cô gái và được gìn giữ bền vững qua nhiều đời với những giá trị văn hóa độc đáo, đặc thù của người Mông. Đặc biệt và tự hào hơn khi nghệ thuật khèn của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. 

Nghệ thuật Khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông. 

Anh Lý A Kỷ ở bản Nả Háng Tầu, xã Púng Luông chia sẻ: Từ năm 2010, tôi được bố truyền dạy cách chế tác khèn Mông, đến năm 2012 đã biết làm khen một cách thành thạo để bán ra thị trường. Mỗi năm, tôi làm được từ 50 - 60 cái, trị giá  từ 2,5 đến 3 triệu đồng/cái  đem lại thu nhập cho gia đình từ 120 triệu đến 150 triệu /năm. 

Năm 2019, mô hình làm khèn Mông được thành lập ở bản Nả Háng Tầu, xã Púng Luông với 4 thành viên. Mặc dù, hoạt động  chưa lâu song đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các cửa hàng bán quà lưu niệm, khách du lịch. Từ khi tham gia mô hình, các thành viên đều có thu nhập ổn định, thoát khỏi đói nghèo và có cuộc sống ổn định. 

 

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa chiến lược của việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các giá trị văn hóa mới làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. 

Huyện đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng như: Đề án "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mông giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 21 về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2021 - 2025... 

Từ những định hướng đó, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức, đến nhiều đối tượng, từ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị đến người dân và học sinh, qua đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của từng người dân trong việc chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 

Nhất là việc đưa các giá trị văn hóa vào truyền dạy trong các nhà trường, thành lập các câu lạc bộ văn hóa truyền thống theo sở thích đã tạo cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với sự phát triển của dân tộc nói riêng, của huyện Mù Cang Chải nói chung.

Trong giai đoạn 2019 – 2024, phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn tham mưu triển khai thực hiện tốt công tác công tác tuyên truyền, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải gắn với các nhiệm vụ và giải pháp tăng chỉ số hạnh phúc cho người dân. 

Tham mưu cho UBND huyện tổ chức nhiều chương trình lễ hội thường niên như: Lễ hội giã bánh giày; Lễ hội Hoa Sơn tra; Lễ hội mùa nước đổ; Tết độc lập và các hoạt động lễ hội mùa vàng; lễ hội hoa Tớ dày; giải đánh quay truyền thống dân tộc Mông, trong đó tổ chức nhiều hoạt động hội thi, hội diễn và các hoạt động trò chơi dân gian, thể thao dân tộc đã góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh và là động lực để nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

Phối hợp với các xã, thị trấn thành lập được 110 đội văn nghệ truyền thống bản sắc dân tộc Mông, Thái nhằm duy trì các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian, đồng thời, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, tham mưu mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống tại các bản trên địa bàn huyện thu hút được sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nghệ nhân và người dân, nhất là các em trong lứa tuổi học sinh. 

"Việc triển khai thực hiện các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc của địa phương không chỉ có tác dụng làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, mà còn tạo nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc để khai thác phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân”, ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết. 

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ về bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, huyện Mù Cang Chải tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan quản lý văn hoá các cấp với vai trò định hướng, tạo dựng nguồn lực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Gắn kết chặt chẽ du lịch với dịch vụ trong sự phát triển hài hòa, bền vững của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển du lịch dựa trên ba loại hình gồm: du lịch văn hoá lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng giải trí và du lịch sinh thái mạo hiểm gắn với du lịch cộng đồng, dựa trên thế mạnh về tài nguyên sinh thái rừng, văn hoá bản địa trong trồng và chế biến dược liệu, nông sản đặc sản, chăn nuôi gia súc gia cầm để phát triển dịch vụ phục vụ du lịch, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo động lực cho các chủ thể tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho cộng đồng, đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện” gắn với nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Mạnh Cường

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/