Văn Yên đầu tư phát triển du lịch
Ngày xuất bản: 16/12/2020 3:26:00 CH
Lượt đọc: 52429

 Yên Bái Là địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh với hệ thống di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng được công nhận, đặc biệt, Đảng bộ huyện đã xác định phát triển du lịch một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

 

Đền Đông Cuông sau khi được tu bổ, tôn tạo (Ảnh: Hoàng Đô)

Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên cho biết: "Bên cạnh công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực du lịch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch đã có sự phân công, phân cấp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá…, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…. 

Thời gian qua, huyện Văn Yên đã chú trọng, đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến phục vụ cho ngành du lịch phát triển. Nhất là công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và xây dựng làng nghề và phát triển du lịch cộng đồng”. 

Là địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh với hệ thống di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng được công nhận, đặc biệt, Đảng bộ huyện đã xác định phát triển du lịch một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vì vậy, những năm gần đây, Văn Yên đã huy động gần 123,8 tỷ đồng từ nguồn công đức, nguồn xã hội hóa và một phần kinh phí Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm di tích trên địa bàn. 

Trong đó, đền Đông Cuông được đầu tư xây dựng kè sông Hồng chống sạt lở với số tiền 75 tỷ đồng, xây dựng nhà sắp lễ, nhà điều hành, nhà bếp với số tiền 7,4 tỷ đồng. Trùng tu, tôn tạo đền chính 25,1 tỷ đồng, lát đá sân đền 6,4 tỷ đồng, xây mới cổng đền Cô 1,4 tỷ đồng... Xây dựng các công trình phụ trợ đình Mường A, đình An Dũng, đền Nhược Sơn, đền Đại An, đền Gò Chùa... 

 

Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên tìm hiểu về phát triển các sản phẩm từ quế phục vụ khách du lịch tại quầy hàng của Hợp tác xã Quế Văn Yên tại thị trấn Mậu A.

Năm 2017 - 2018, huyện cấp hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để chi bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp một số di tích trên địa bàn huyện như: đền Trạng, đình Mường A, đình Yên Phú, đình Lắc Mường, đình-đền Tân Hợp, đền Trái Đó… 

Riêng về nguồn xã hội hóa, huyện đã huy động được 38,8 tỷ đồng để xây dựng mới, tu bổ, tôn tạo các di tích đình, đền trên địa bàn huyện; huy động nguồn xã hội hóa với số tiền trên 10 tỷ đồng để xây dựng chùa Đại An và các thiết chế bên trong chùa Đại An. Ngoài ra, vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp các nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ vui chơi giải trí từ các thành phần kinh tế tư nhân đạt 186,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, Văn Yên còn quan tâm xây dựng làng nghề và phát triển du lịch cộng đồng. Huyện tập trung chỉ đạo, xây dựng phát triển các làng nghề truyền thống gắn với các hoạt động du lịch, dần đưa các cơ sở sản xuất thành điểm đến để khách du lịch tham quan, tìm hiểu quá trình sản xuất và trực tiếp tham gia, mua hàng hoặc đặt hàng tại chỗ theo yêu cầu như: việc chế tạo, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế; gia công cơ khí các mặt hàng nông cụ sản xuất, dụng cụ gia đình tại thị trấn Mậu A; làm giấy dó tại xã Đại Sơn, Viễn Sơn; các mặt hàng thêu dệt, thổ cẩm… 

Duy trì, phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu, gắn với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống người dân tộc Mông và phát triển du lịch sinh thái rừng nguyên sinh xã Nà Hẩu với 15 hộ tham gia, trong đó có 3 nhà nghỉ cộng đồng đảm bảo tốt các điều kiện về ăn, nghỉ khi du khách có nhu cầu. Phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Cầu Có, xã Đông Cuông gắn liền với du lịch tâm linh đền Đông Cuông. 

Cuối năm 2020 ra mắt thêm 1 làng du lịch cộng đồng kết hợp khám phá phong tục nếp sống của đồng bào dân tộc Tày và kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng tắm suối khoáng tại thôn Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng. Duy trì các làng nghề, các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, phát triển thêm các hộ gia đình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ cây quế tại xã Viễn Sơn, thị trấn Mậu A và xã Châu Quế Hạ, phát triển trà quế, tinh dầu quế, nước lau sàn từ quế, túi thơm quế...

Từ năm 2016-2020, tổng vốn Văn Yên đầu tư cho du lịch đạt 310 tỷ đồng. Du lịch của huyện Văn Yên đã có bước phát triển. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư và bước đầu phát huy hiệu quả. Nhiều lễ hội dân gian của các dân tộc được phục dựng, bảo tồn và phát huy; nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân về phát triển du lịch và giá trị kinh tế từ du lịch mang lại ngày càng được nâng lên. 

Qua đó, nhiều loại hình du lịch mới được hình thành như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng. Số lượt khách, doanh thu du lịch và dịch vụ du lịch tăng. Dự ước đến hết năm 2020, số lượt khách du lịch đến đạt khoảng 300.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 105 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 1.840 người... Các hoạt động du lịch dịch vụ đã góp phần vào tăng trưởng cơ cấu ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. 

Đến năm 2025, Văn Yên phấn đấu đón và phục vụ 500.000 lượt du khách; doanh thu từ du lịch 300 tỷ đồng; có 45 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, 600 phòng, 1.500 giường; tạo việc làm ổn định cho 2.800 lao động; xây dựng và duy trì 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng; ra mắt từ 5 sản phẩm du lịch trở lên; thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch từ 400 tỷ đồng trở lên.

 Thành Trung

 

CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC

THƯ VIỆN VIDEO

KẾT NỐI WEBSITE

LƯỢT TRUY CẬP

http://www.cutercounter.com.vn/